Cuối năm, dòng tiền của nhà đầu tư bất động sản sẽ "chảy" vào đâu?
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhận thấy trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản TPHCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai. Thay vào đó, hàng loạt doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư về các tỉnh giáp ranh với TPHCM, kéo theo đó là nguồn tiền cũng "chảy" vào nhà đất nhiều hơn.
Theo báo cáo mới nhất của HoREA, thị trường bất động sản TPHCM tiếp tục xu thế bị sụt giảm, trong 9 tháng qua chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư (00 dự án); chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.
Đồng thời, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018. Trong đó, có đến 31 dự án nhà ở quy mô nhỏ và trung bình, nhưng có 1 dự án khu đô thị rất lớn tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ chiếm tỷ trọng áp đảo trên thị trường.
Cũng theo HoREA, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị "ách tắc, đứng hình" dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Tình trạng mất cân bằng "cung-cầu" do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.
Trong khi đó, với chính sách kêu gọi đầu tư của nhiểu tỉnh giáp ranh, cộng với việc TPHCM đầu tư nhiều dự án giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng phát triển dự án BĐS tại những địa phương này để cân bằng phần nào "cơn khát" nhà ở của người dân.
Nhiều nhà đầu tư đánh giá cho thấy hiện trạng khan hiếm đã khiến thị trường phía Nam xuất hiện làn sóng đầu tư ngược tập trung vào các vùng giáp ranh TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Trong số đó, những khu vực liền kề Nam Sài Gòn như Cần Giuộc, Đức Hòa đang chiếm ưu thế hơn cả. Hiện nay, nếu khoảng cách từ các quận ngoại thành (Củ Chi, Cần Giờ…) lên đến Bến Thành vào khoảng 18 - 35km, thì Cần Giuộc chỉ khoảng 15km, Đức Hòa khoảng 30km.
Dữ liệu trực tuyến của batdongsan.com.vn cho thấy mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản tại các tỉnh thành lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh trong nửa đầu năm 2019. Cụ thể, trong tháng 7-2019, nhu cầu tìm mua nhà đất tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Cần Thơ lần lượt tăng 14%, 18%, 22% và 23%.
Tại Long An, tỉnh dẫn đầu về lượng tìm kiếm, huyện Cần Giuộc đã "vượt mặt" Đức Hoà và Bến Lức trở thành nơi được tìm mua đất nền nhiều nhất.
Một số chuyên gia lý giải rằng "điểm nóng" này đang trở nên "nóng" hơn trong thời gian gần đây bởi một phần Cần Giuộc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ của TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), có các tuyến đường giao thông huyết mạch là đường Vành Đai 4 và cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua.
Đặc biệt, Cần Giuộc trải dài trên Quốc lộ 50. Đây là tuyến đường huyết mạch của khu Nam TP.HCM, kết nối từ TP.HCM, qua Cần Giuộc (Long An) để đến Tiền Giang và các tỉnh ĐBSCL. Thông qua QL 50, cư dân chỉ mất khoảng hơn 20 phút di chuyển để đến trung tâm Quận 1 hay KĐT Phú Mỹ Hưng. Do đó, Cần Giuộc luôn được đánh giá cao về tiềm năng phát triển và hình thành các khu đô thị, đặc biệt là đô thị sinh thái.
Đánh giá được tiềm năng và đặt kì vọng vào sức bật của thị trường bất động sản sinh thái tại Cần Giuộc trong tương lai, nhiều chủ đầu tư đã và đang đầu tư vào phân khúc này. Điển hình như Him Lam quyết định đầu tư khu kinh tế mở quy mô hơn 32.300ha tại hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc, khu kinh tế mở này gồm khu công nghiệp công nghệ cao, khu cảng biển quốc tế và khu đô thị sinh thái.
Đón đầu cơ hội, tập đoàn Quốc tế Năm Sao đã sớm triển khai dự án Five Star Eco City với quy mô hơn 420ha. Cùng với đó, Long An liên tục đón nhận làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp như Vingroup, Nam Long, Vạn Thịnh Phát, T&T Group, Thaco phát triển nhiều dự án tại một số vị trí giáp ranh khác với TPHCM là Đức Hoà, Long Hậu... Mới đây Công ty CP Đầu tư Nam Long đã công bố dự án Waterpoint quy mô lên đến 355 ha nằm ngay mặt tiền Tỉnh lộ ĐT 830 và bao quanh ba mặt còn lại bởi 6 km sông Vàm Cỏ Đông.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây hàng loạt dự án FDI vào tỉnh này cũng tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, giáp ranh với TP.HCM, như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An. Có thể kể những dự án FDI với vốn đăng ký tương đối lớn là Vina Eco Board, Sapporo, Kyodo Sojitz, Songwol Vina, Japfa Comfeed, Anova, Cj Agri, Formosa Taffeta, Puma, Greenfeed, 4 Oranges, Lavie… Với kết quả trên, trong nhiều năm qua, Long An luôn là tỉnh dẫn đầu vùng ĐBSCL và là một trong những địa phương thu hút nhiều nguồn vốn FDI trên cả nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, giá bất động sản Long An đã tăng nhiều nhưng vẫn chưa tương xứng. Ví dụ, từ trung tâm Quận 1 xuống Bến Lức, Cần Giuộc khoảng 20km nhưng giá chưa bằng một nửa của huyện Hóc Môn, vốn phải di chuyển xa hơn nhiều. Như vậy, có thể thấy việc kết nối hạ tầng tác động rất lớn đến giá trị bất động sản.
Bên cạnh đó, với lợi thế sông nước, nếu khai thác nhà ở gắn liền với đô thị xanh, bất động sản Long An vẫn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư trong 10 năm nữa. Thị trường bất động sản luôn vận hành theo quy luật "nước chảy về chỗ trũng", những khu vực có tiềm năng phát triển thì nhà đầu tư sẽ dồn về.