MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuối năm, nhà đầu tư chọn rót vốn vào đâu?

11-12-2020 - 07:56 AM | Bất động sản

Cuối năm, nhà đầu tư chọn rót vốn vào đâu?

Làn sóng đầu tư thời điểm cuối năm được dự báo sẽ sôi động hơn khi dòng tiền đi tìm điểm "tập kết" sau cơn bão Covid-19.

Lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 1 thập kỷ qua. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 - 36 tháng trung bình ở mức 5 - 6%/năm; lãi suất ngắn hạn 6 tháng giảm về mức 3 - 5%/năm…Do lãi suất gửi quá thấp, trong vòng 2 tháng trở lại đây, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu rút dần tiền gửi để phân bổ sang các kênh đầu tư khác.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh bất thường và khó có xu hướng lập đỉnh mới, nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển tiền gửi tiết kiệm lãi suất thấp sang các kênh đầu tư khác. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn thích sự an toàn cao họ chọn mua trái phiếu, trong khi đó nhiều nhà đầu tư dài hạn xác định bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.

Theo tìm hiểu, hiện lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp đưa ra bình quân dao động từ 10,1% - 11,2%/năm với kỳ hạn tăng dần từ 12 tháng đến 5 năm. Còn lãi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp dao động từ 7,5-10,5%/năm. So với lãi suất ngân hàng thì lợi nhuận thu được từ trái phiếu cao gấp đôi thậm chí gấp 3 lần gửi tiết kiệm ngân hàng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể đáo hạn sớm tạo sự linh hoạt trong kênh đầu tư.

Theo đánh giá đại diện Công ty chứng khoán APEC, trái phiếu đang là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn đối với những nhà đầu tư ngắn hạn. Đây cũng là kênh đầu tư dành cho những nhà đầu tư đang trong giai đoạn phòng thủ, khi có thời cơ kinh doanh sau dịch Covid-19 có thể đáo hạn sớm và chuyển sang trạng thái tiền mặt để chớp thời cơ.

"Với sức hấp dẫn từ trái phiếu doanh nghiệp nhà đầu tư có thể đối mặt rủi ro khi lựa chọn những trái phiếu kém chất lượng. Do vậy nhà đầu tư cần lựa chọn những trái phiếu được thẩm định bởi các tổ chức tài chính, đồng thời có những cam kết bảo lãnh thanh khoản. Hiện nay, có nhiều tổ chức tài chính thay mặt nhà đầu tư tìm hiểu kỹ về sức khỏe tài chính, uy tín của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, quản lý tài sản đảm bảo, thậm chí sẵn sàng tham gia đầu tư cùng và cam kết bảo lãnh", vị đại diện này cho hay.

Cùng với đầu tư trái phiếu, một lượng tiền không nhỏ của nhà đầu tư cũng đang âm thầm chảy vào bất động sản. "Tâm lý đầu tư của người Việt dù giai đoạn nào cũng luôn có niềm tin vào việc tăng giá của BĐS, đặc biệt khi dân số ngày càng gia tăng, đất đai không thể mở rộng. Với áp lực phải có doanh thu và kết thúc 2020 trọn vẹn, các chủ đầu tư sẽ tất tay trong quý 3 và quý 4 năm 2020. Do đó, dòng tiền đổ vào các kênh bán hàng gia tăng, khơi lại dòng vốn đang phân vân giữa BĐS và chứng khoán", ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn CN Hồ Chí Minh nhận định.

Quan sát thực tế cho thấy, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát vào thời điểm cuối năm nhà đầu tư bất động sản bắt đầu quay lại thị trường. Bằng chứng là thị trường BĐS đã bắt đầu chứng kiến những dấu hiệu tăng sau nhiều tháng liên tục giảm. Cụ thể, tại Phú Quốc trong tháng 10% thống kê của các đơn vị nghiên cứu cho thấy số lượng nhà đầu tư quan tâm đến thị trường này tăng 10%, tại Cần Giờ (TPHCM) mức tăng ở ngưỡng 5-10%. Tại Hà Nội, khu vực phía Tây ghi nhận những đợt tăng giá mạnh mẽ từ các khu đô thị cũ khu vực Hoài Đức, Đan Phượng, Hòa Lạc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia hiện nay đầu tư bất động sản chỉ dành cho những nhà đầu tư trung và dài hạn, mua vào những tài sản giá rẻ chờ cơ hội chốt hàng giá cao. Nhà đầu tư lướt sóng thì vẫn phải chờ đợi sản phẩm BĐS từ các chủ đầu tư uy tín, pháp lý rõ ràng, đã tạo được những giá trị từ những dự án trước đó và đặc biệt phải chờ thêm thời điểm thị trường BĐS thực sự phục hồi trong năm 2021.

Nam Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên