MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuối năm, xuất khẩu gạo Việt Nam có tái lập kỷ lục 8 triệu tấn?

03-09-2024 - 15:16 PM | Thị trường

Cùng với sản lượng, giá gạo Việt Nam thời gian qua tăng cao làm dấy lên kỳ vọng xuất khẩu sẽ một lần nữa cán mốc khoảng 8 triệu tấn và thu về hơn 5 tỷ USD.

Trong 7 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gạo được trêm 5,1 triệu tấn, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 25% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà tăng nhập khẩu của các đối tác, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay đươc kỳ vọng cán mốc khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD - mức kỷ lục mới của ngành.

Trả lời câu hỏi xuất khẩu gạo Việt Nam liệu có thể đạt kỷ lục 8 triệu tấn như năm 2023, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt - dự báo, ngành lúa gạo sẽ vừa đảm bảo xuất khẩu được 8 triệu tấn gạo trong năm 2024 vừa đáp ứng tốt an ninh lương thực của đất nước.

"Nguồn cung của một số nước xuất khẩu gạo đang hạn chế, trong khi chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khó tính của thị trường thế giới. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tích cực đàm phán và đạt kết quả tốt với đối tác. Nhờ vậy sản lượng gạo xuất khẩu cũng tăng lên, giá gạo của Việt Nam được đảm bảo”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, hiện tại Việt Nam có nhiều giống lúa được đánh giá chất lượng hàng đầu thế giới. Theo đó, Việt Nam đã nghiên cứu và cho ra đời bộ giống lúa thơm ngắn ngày, mỗi năm có thể sản xuất 2-3 vụ, năng suất cao và cho chất lượng gạo ngon, dẻo, thơm.

“Đây là bộ giống độc quyền của Việt Nam mà các nước sản xuất, xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan…không có được. Bộ giống này đã giúp cho ngành lúa gạo Việt Nam định vị một phân khúc mới trên thị trường thế giới. V ùng đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất lúa gạo quanh năm của Việt Nam, nơi đây có thế mạnh trong việc duy trì sản lượng ổn định bền vững, chất lượng lúa gạo cũng ngày một nâng cao hơn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới trong những năm tới”, ông Cường cho biết thêm.

Cuối năm, xuất khẩu gạo Việt Nam có tái lập kỷ lục 8 triệu tấn?- Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt khoảng 8 triệu tấn trong năm 2024. (Ảnh minh họa).

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo trong những tháng còn lại của năm 2024 và thời gian tiếp theo, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Ghana, Malaysia, Singapore... sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta cũng đang tích cực mở rộng sang những thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, trong năm 2024, sản xuất lúa gạo trong nước ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn thóc và có thể dành khoảng 8 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. " 7 tháng ta đã xuất bán hơn 5 triệu tấn, dự kiến sẽ xuất dưới 3 triệu tấn trong những tháng còn lại ", ông Cường nói.

Ông Cường cũng nhấn mạnh, dù xuất khẩu gạo dự báo có thể tiếp tục đạt kỷ lục như năm 2023 nhưng nguồn cung trong nước vẫn đảm bảo. “Chúng ta không lo sợ nguồn cung trong nước thiếu hụt, bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cân đối và cập nhật thường xuyên tình hình nguồn cung. Giả sử có tình huống nào đó gây ảnh hưởng đến thị trường và nguồn cung trong nước thì Nhà nước cũng sẽ điều tiết cho phù hợp, bởi vấn đề an ninh lương thực được ưu tiên số một, ưu tiên tối thượng”, ông Cường nói.

Còn theo Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn, từ đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại gạo giữa Việt Nam với các đối tác.

Các bộ, ngành liên quan đã đàm phán, trao đổi song phương với Indonesia, Malaysia về việc xem xét tiến tới ký bản ghi nhớ thương mại gạo, tạo môi trường ổn định, bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước. Với thị trường Philippines, Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines đã ký bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo.

Đối với các thị trường mới, Bộ Công Thương đã ký với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ. Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp 30.000 tấn gạo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mông Cổ trong thời gian tới.

Riêng tại thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các thương nhân hoàn thiện hồ sơ đăng ký dữ liệu cơ sở chế biến xuất khẩu, không để gián đoạn hoạt động xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, việc tập trung khai thác các thị trường ngách cũng là một trong những giải pháp để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2024 và định hướng xuất khẩu trong những năm tiếp theo ", ông Sơn nhấn mạnh.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu thành công 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 25,1% trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu trung bình của gạo Việt 7 tháng tăng 18,2% so với cùng kỳ.

“Từ các đợt đấu thầu gần đây, gạo Việt Nam vẫn giữ được sức cạnh tranh tốt so với các nguồn cung khác. Dự báo, sản lượng lúa gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm cũng sẽ khả quan và đạt mục tiêu đặt ra khoảng 8 triệu tấn”, VFA nhận định.

Năm 2023, sản lượng lúa cả nước đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9%, do diện tích tăng 10.600 ha (tăng 0,1%) và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha (tăng 1,7%).

Với sản lượng trên đã ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gạo cao kỷ lục gần 8,3 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu gạo cũng đạt kỷ lục với 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022.

Theo Phạm Duy/VTC News

VTC News

Trở lên trên