Cuối tháng 9 này, quy định mới về một chỉ số quan trọng ngành ngân hàng có hiệu lực
Để đảm bảo tuân thủ quy định về tỷ lệ này, các ngân hàng đã tăng cường huy động nguồn vốn dài hạn thời gian gần đây.
- 25-11-2021NHNN xem xét tiếp tục lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn
- 26-10-2021Một ngân hàng cho vay trung và dài hạn lãi suất chỉ từ 4%/năm
- 24-08-2020Lùi siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: “Có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, nếu muốn”
Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn từ 1/1/2020 đến hết 30/9/2021 là 40%, từ 1/10/2021 đến hết 30/9/2022 là 37%, từ 1/10/2022 đến hết 30/9/2023 là 34%, từ ngày 1/10/2023 trở đi là 30%.
Trước đó, năm 2020, lộ trình này đã được Ngân hàng Nhà nước lùi lại 1 năm so với lộ trình cũ do ảnh hưởng của đại dịch Covid.
Như vậy, ngày 1/10 tới đây, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% xuống 34%.
Trong báo cáo phân tích mới đây, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho biết, theo báo cáo tài chính được công bố, chỉ số thanh khoản bình quân của các ngân hàng đang niêm yết suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của một số ngân hàng có công bố cũng gia tăng trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, với việc nâng lãi suất tiền gửi, tăng trưởng tiền gửi đặc biệt là tiền gửi có kỳ hạn dài sẽ phần nào làm giảm tỷ lệ này trong nửa cuối năm. Trước tình hình đó, một vài ngân hàng đã đề nghị xem xét hoãn thời hạn áp dụng Thông tư 08/2020, với mức trần cho tỷ lệ này là 37% áp dụng vào đầu tháng 10/2022.
Theo quan sát, hiện các ngân hàng niêm yết vẫn tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã có tăng lên trong nửa đầu năm ở một số nhà băng. Để đảm bảo tỷ lệ này không chạm mức trần quy định, các ngân hàng đã tìm cách tăng huy động nguồn vốn trung dài hạn thời gian gần đây.
Tại Techcombank, nhà băng này đã tìm đến nguồn vốn nước ngoài để bổ sung vốn trung dài hạn. Ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp Techcombank cho biết, đặc thù tại Việt Nam, nguồn vốn huy động trung và dài hạn khá hạn chế do khách hàng thường gửi dưới 6 tháng. Do đó, Techcombank đã huy động khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD từ các định chế tài chính quốc tế. Đây là khoản tín dụng trung dài hạn có giá trị lớn nhất của một ngân hàng Việt, đặc biệt cho kỳ hạn lên tới 5 năm.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đẩy mạnh tăng huy động tiền gửi dài hạn. Quan sát biểu lãi suất của các nhà băng, lãi suất ở các kỳ hạn dài có xu hướng tăng mạnh hơn so với các kỳ hạn ngắn. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng không được vượt quá 4%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng -9 tháng phổ bến 6-6,5%/năm, cao nhất là 7,2%/năm. Trong khi đó, ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất phổ biến từ 6,5-7%/năm và cao nhất có thể lên đến 7,5%/năm.
Theo nhiều chuyên gia, tiếp tục thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Việc lùi lộ trình này trong 2 năm Covid chỉ là trường hợp đặc biệt để các tổ chức tín dụng có điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng.
Bởi trong những năm qua, hệ thống ngân hàng đã phải gánh phần lớn vốn cho vay trung dài hạn cho nền kinh tế do thị trường vốn còn kém phát triển. Điều này sẽ khiến hệ thống ngân hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro như rủi ro thanh khoản, nợ xấu. Vì thể, để giảm dần gánh nặng này cho các ngân hàng thương mại, cần đẩy mạnh vốn trung dài hạn cho nền kinh tế ở các thị trường như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu.
Đáng chú ý, một trong những lĩnh vực có nhu cầu vốn trung và dài hạn nhiều nhất là bất động sản. Theo số liệu của NHNN, cuối tháng 6/2022, dư nợ lĩnh vực này là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20% trong tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng. Khoảng 94% dư nợ là cho vay trung và dài hạn (từ 10-25 năm) trong khi nguồn huy động của ngân hàng vẫn chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với ngân hàng. Đây cũng là lý do mà tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã giảm dần những năm gần đây.
Nhịp sống Kinh tế