MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuối tuần đi xem hát bội, "trend mới" cùng con trải nghiệm nghệ thuật truyền thống của hội phụ huynh TP.HCM

06-10-2023 - 18:35 PM | Sống

Cuối tuần cùng con đi xem hát bội để bảo tồn môn nghệ thuật truyền thống có tuổi đời hơn nghìn năm là xu hướng được nhiều phụ huynh tại TP.HCM lựa chọn gần đây.

Nhắc đến hát bội, nhiều người cho rằng thật khó để "thẩm thấu" môn nghệ thuật hàn lâm này. Hát bội vốn là loại hình văn hóa dân gian diễn xướng theo lối nhạc kịch đã phổ biến ở nước ta từ thế kỷ XI. 

Từ nghệ thuật cung đình đến món ăn tinh thần chốn dân gian

Hát bội, còn được gọi là hát bộ, hát tuồng đã có tuổi đời hơn nghìn năm. Từ bộ môn nghệ thuật thịnh hành trong cung vua, phủ chúa trải dài theo năm tháng từ Bắc vào Nam, hát bội nhanh chóng lan tỏa khắp chốn dân gian.

Cùng con đi xem hát bội, muốn con yêu văn hóa dân tộc đâu phải chuyện ngày một ngày hai - Ảnh 1.

Từ thế kỷ XI, kiểu hát xướng đã xuất hiện trong cung đình thời Tiền Lê, đến thế kỷ XIII thịnh hành ở thời nhà Trần và đạt được đỉnh cao vào thời Nguyễn ở thế kỷ XIX. Nhắc đến hát bội, không thể không nhắc đến hai cái tên Đào Duy Từ và Đào Tấn. Đào Duy Từ là người đầu tiên mang về cho chúa Nguyễn nghệ thuật tuồng và đặt nền móng cho nghệ thuật hát bội vào những năm đầu của thế kỷ XVII.

Đến khi hát bội đạt tới thời kỳ rực rỡ vào thế kỷ XIX, nhiều vở tuồng được soạn, các tác phẩm đặc sắc ra đời bởi Đào Tấn (1845 - 1907) và nhờ có ông mà hát bội ở nước ta tồn tại đến ngày nay. Đào Tấn chú trọng phát triển hát bội theo hơi hướng văn chương bác học, dành cho trí thức cung đình. Nhìn chung, hát bội mang đậm hơi thở của văn hóa truyền thống, là loại hình sân khấu mang tính ước lệ, thâm thúy và triết lý. 

Hát bội phát triển đầu tiên ở miền Bắc dưới cái tên hát tuồng, và khi hát tuồng phổ biến và phát triển ở miền Nam, hát tuồng thường được gọi là hát bộ hoặc hát bội. Càng trở về phía Nam, hát bội lại càng "ăn sâu bám rễ" vào tâm thức người dân. Và với sự say mê hát bội, Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) đưa hát bội vào Nam cùng mình. 

Cùng con đi xem hát bội, muốn con yêu văn hóa dân tộc đâu phải chuyện ngày một ngày hai - Ảnh 2.

Từ việc hát bội chỉ dành cho vua chúa và chốn cung đình, hát bội đã chảy tràn ra dân gian. Không còn kiểu cách rườm rà hay những lễ nghi mực thước cao siêu, ở miền đất mới, hát bội trở nên cởi mở và dần hình thành đặc trưng riêng của mảnh đất Nam Bộ: Náo nhiệt và vui tươi hơn.

Hát bội thường diễn lại những tích cổ có mục đích giáo dục, đề cao những tấm gương sáng của các vị anh hùng, đề cao ngũ đức của con người (nhân - nghĩa - lễ - trí - tín) và triết lý làm người. Nói như Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục thì hát bội "có ý kỷ niệm cái công đức trị dân phá giặc của người xưa, để làm gương cho các vua đời sau, và lại tả hết các tính tình của kẻ trung người nịnh, để làm gương cho thiên hạ...".

Đồng thời, những buổi diễn, theo cụ Phan Kế Bính, là "cốt đem hết tính tình hay dở của thiên hạ này bày ra trước mắt thiên hạ, tả làm sao cho đúng tinh thần, để cho người đi xem trông thấy mà cảm động đến tấm lòng, thói nào nên kính nên trọng, thói nào nên khinh nên bỉ, vừa làm một trò tiêu khiển cho người ta, lại vừa làm một cách treo gương cho người ta, cho nên tuy là sự vui cười, mà thực là có ích cho việc giáo dục nữa". 

Hát bội đi qua năm tháng, mang theo thăng trầm của lịch sử dân tộc và đất nước cả ngàn năm. Được coi là loại hình sân khấu xuất hiện sớm nhất ở Nam Bộ, nhưng hát bội ngày nay phải "cạnh tranh" với nhiều loại hình nghệ thuật khác, không chỉ thiếu đất diễn mà còn thiếu hụt lớp người kế thừa và càng trở nên xa lạ với giới trẻ.

Hát bội thời hiện đại - trào lưu để phụ huynh cùng con trải nghiệm các giá trị truyền thống

Giới trẻ cảm thấy xa lạ với hát bội không chỉ vì khoảng cách thế hệ mà đây còn là loại hình nghệ thuật không dễ "thẩm thấu". Như đã nói, dù đã "dân dã hóa" nhưng những tuồng tích của hát bội vẫn chưa được giới trẻ đón nhận nhiều. Thêm vào đó, với sự bùng nổ của công nghệ số và nhiều hình thức giải trí đa dạng khiến nhiều người bất giác cho hát bội vào quên lãng.

Dù vậy, hát bội âm ỉ cháy trong lòng những người yêu nghệ thuật dân gian và họ vẫn đang ngày đêm bảo tồn, duy trì loại hình nghệ thuật này. Nghệ thuật hát bội vẫn đang "trẻ hóa" từng ngày, cố gắng thích nghi với sự thay đổi của thời đại, chẳng hạn như sử dụng ngôn ngữ phổ thông hơn, diễn viên biểu diễn tự nhiên và sinh động hơn; tiết chế tính dài dòng, rườm rà, sáng tác thêm nhạc nền nhằm phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. 

Cùng con đi xem hát bội, muốn con yêu văn hóa dân tộc đâu phải chuyện ngày một ngày hai - Ảnh 5.

Không còn là bộ môn "già cỗi", hát bội ngày càng được nhiều người dân tiếp cận, đặc biệt là những người yêu văn hóa truyền thống. Thấu hiểu điều này, Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh vẫn miệt mài tổ chức các buổi diễn từ cố định đến lưu động để phục vụ bà con. 

Cứ hai tuần 1 lần tại Di tích lịch sử - văn hóa Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, số 01 đường Vũ Tùng, phường 1, quận Bình Thạnh, TP.HCM, nhiều phụ huynh đưa con trẻ tới nghe hát bội. Người già hay trẻ cũng say mê đến nghe từng trích đoạn trong tuồng diễn.

NSƯT Linh Hiền - một nghệ sĩ hát bội chia sẻ: "Đưa hát bội gần lại với công chúng và họ có sự nồng nhiệt và đón nhận, đó là niềm hạnh phúc với những người nghệ sĩ như chú". Và để làm được điều này, nghệ sĩ cũng cho biết phải đảm bảo "3 dễ" để hát bội có thể chạm vào được trái tim người nghe, đó là: "Dễ nghe, dễ hiểu và dễ cảm nhận với những nhân vật lịch sử qua những thể hiện, những trích đoạn hay của chương trình quảng bá nghệ thuật này". 

Trong dịp đưa bé con nhà mình vừa đến viếng lăng Tả quân, vừa có cơ hội được nghe hát bội, anh Nguyễn Thanh Phong, sống tại quận Bình Thạnh chia sẻ: "Mình rất mong muốn cho cháu xem và tiếp cận được với nội dung của loại hình nghệ thuật này. Dĩ nhiên nó là loại hình nghệ thuật rất khó để nắm bắt và tìm hiểu, đặc biệt là đối với giới trẻ hiện nay. Cho nên thông qua nhiều lần khác nhau từ từ bé sẽ có niềm tin yêu với loại hình này và dần dần bé sẽ khám phá nhiều hơn chứ không thể một lần mà bé có thể hiểu được hết". 

Đồng thời, anh Phong cũng cho biết đây là những tuồng tích rất có giá trị trong việc giáo dục nhận thức và hiểu biết của giới trẻ, nếu có thể anh rất mong điều tốt đẹp này được lan tỏa rộng hơn đến cộng đồng.

Không thể nói rằng người trẻ đang "quay lưng" từ bỏ hát bội. Tại các sân khấu diễn hát bội này vẫn có những bạn trẻ chăm chú theo dõi từng khoảnh khắc của tuồng diễn. Bạn Thùy Dương, sống tại quận Bình Thạnh khẳng định: "Chắc sẽ không bao giờ mai một đâu, tại vì vẫn có nhiều người, những bạn trẻ như em đi coi". 

Từng thịnh hành trong quá khứ và đạt được đỉnh cao rực rỡ, loại hình hát bội đã khắc sâu vào nền văn hóa truyền thống nhiều giá trị nhân văn. Những câu chuyện lịch sử được gửi gắm, những tấm gương anh hùng được noi theo, những luân lý đời thường được truyền tải qua những tác phẩm sân khấu này. Tất cả những điều đẹp đẽ đó được hát bội mang theo cùng năm tháng. Hát bội không chỉ là nghệ thuật biểu diễn, mà còn là một phần không thể thiếu của quá khứ của chúng ta.

Giữa rất nhiều những loại hình giải trí phù phiếm, không có chiều sâu như hiện nay, cùng con đi xem hát bội là một trong những món quà nuôi dưỡng tinh thần lành mạnh và đẹp đẽ mà phụ huynh có thể tặng cho con.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, với sự nổi lên của nhiều loại hình giải trí ngắn hạn và thiếu chiều sâu, việc cùng gia đình thưởng thức hát bội trở thành một cơ hội đáng quý. Đó cũng là cơ hội để chúng ta kết nối với di sản văn hóa của mình, để truyền đạt những giá trị nhân văn cho thế hệ tiếp theo. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn của tất cả mọi người, từng bước mở cửa tâm hồn để chấp nhận và yêu thương những gì ông bà đã để lại.

Vì trong cuộc sống nhiều bộn bề như vậy, cùng con đi xem hát bội không chỉ là một hình thức giải trí, mà còn là một cách xây dựng những giá trị đẹp đẽ để nuôi dưỡng tâm hồn của con trẻ.

Theo PHÚ TUẤN - MINH DƯƠNG

Phụ nữ số

Trở lên trên