Cuối tuần sóng gió thứ 2 sau lệnh cấm nhập cư, Nhà Trắng rút về thế phòng ngự
Nhà Trắng đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý nhằm chống lại quyết định của Thẩm phán Liên bang bang Washington, yêu cầu đình chỉ lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump trên phạm vi toàn quốc.
- 04-02-2017Tổng thống Trump kế thừa một nền kinh tế như thế nào?
- 04-02-2017Donald Trump phá kỷ lục “không được lòng” của một tân tổng thống Mỹ
- 04-02-2017Lockheed Martin giảm chi phí sản xuất F-35 theo yêu cầu Tổng thống Trump
- 04-02-2017Donald Trump vừa ký liên tiếp 2 sắc lệnh khiến cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh
Ngày 3/2, Thẩm phán Liên bang James Robart, người được Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm, đã ra phán quyết yêu cầu đình chỉ lệnh cấm nhập cư mà Chính quyền Trump ban hành ngày 27/1 đối với công dân tới từ 7 nước chủ yếu theo đạo Hồi. Sự việc nhanh chóng gây lên sóng gió ở nước Mỹ, đẩy quốc gia này vào cuối tuần không yên ả thứ 2 kể từ thời điểm ông Trump ban hành sắc lệnh gây tranh cãi về người nhập cư. Tuy nhiên, trong tuần này, Nhà Trắng đã buộc phải lui về thế phòng ngự.
Ngay sau quyết định của Thẩm phán Robart, Lực lượng Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ đã phát cảnh báo tới các hãng hàng không về việc chính phủ có thể sớm bắt đầu khôi phục visa cho những trường hợp đã bị huỷ. Cơ quan này cũng khuyến cáo các hãng hàng không rằng người tị nạn đang sở hữu visa Mỹ sẽ được công nhận, giám đốc điều hành một hãng hàng không giấu tên cho biết.
Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng sớm đưa ra phản ứng với phán quyết của Thẩm phán Robart. Trong tuyên bố đầu tiên, họ gọi việc làm của vị thẩm phán liên bang bang Washington là “thái quá”. Tuy nhiên, tính từ này biến mất trong thông báo thứ 2, được đưa ra vài phút sau đó.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer tin rằng sắc lệnh về nhập cư của Tổng thống Trump là hợp pháp và phù hợp. “Sắc lệnh của Tổng thống được xây dựng nhằm bảo vệ quê hương và ông có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ người dân Mỹ”, Spicer nói.
Trong tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump cũng phản pháo quyết định của Thẩm phán Robart. “Quan điểm của cái gọi là thẩm phán, khiến luật pháp xa rời nước Mỹ, là vô lý và sẽ được thay đổi. Thú vị là các nước Trung Đông cũng đồng ý với lệnh cấm. Khi một đất nước còn không thể phân biệt ai là người có thể nhập hay xuất cảnh, đặc biệt là vì những lý do an toàn và an ninh, thì đó là vấn đề lớn”, ông Trump viết.
Biểu tình phản đối luật cấm nhập cư cửa Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, trên thực tế, phán quyết của Thẩm phán Liên bang James Robart là trở ngại lớn cho Chính quyền Donald Trump bởi nó là chiến thắng đầu tiên trên phương diện pháp lý với những người phản đối lệnh cấm gây tranh cãi. Bob Ferguson, tổng chưởng lý bang Washington, nhận định: “Đây chính xác là những gì chúng tôi đang tìm kiếm. Hiến pháp đã chiến thắng trong ngày hôm nay. Không ai được đứng trên luật pháp, kể cả tổng thống”.
Hai ngày sau khi Chính quyền Trump ban hành sắc lệnh gây tranh cãi, ông Ferguson, đại diện chính quyền bang Washington, đệ đơn kiện lệnh cấm nhập cư mà Tổng thống Trump áp đặt với công dân 7 quốc gia Hồi giáo vì cho rằng nó phi pháp và vi hiến. Sau bang Washington, bang Minnesota cũng đệ đơn kiện tương tự, dẫn tới phán quyết ngày 3/2 của Thẩm phán Robart. Các bang khác ủng hộ đảng Dân chủ có thể dựa vào phán quyết để cản trở chính sách về người nhập cư của Chính quyền Trump, điều khiến Nhà Trắng khó có thể ngồi yên.