MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Nhà đầu tư đừng vội mừng, Fed tăng lãi suất lên cao nhất 22 năm nhưng vẫn chưa 'về đích'!

05-11-2023 - 08:56 AM | Tài chính quốc tế

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers đã đưa ra lời cảnh báo trước tâm lý hứng khởi của thị trường về việc cho rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại lạm phát.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers.

Chia sẻ trong chương trình Wall Street Week của Bloomberg Television, ông cho biết: “Nhà đầu tư đã hơi vội vàng khi nói rằng Fed đã thực hiện xong toàn bộ các chính sách tiền tệ mà họ cần điều chỉnh. Phản ứng phấn khích mà chúng ta đang chứng kiến được thể hiện ở việc trái phiếu chính phủ và cổ phiếu hồi phục”.

Summers nói rằng, điều này khiến ông không chắc chắn rằng việc kiềm chế lạm phát và cuộc chiến đó đã kết thúc.

S&P 500 vừa kết thúc một tuần với mức tăng theo tuần mạnh nhất trong hơn 1 năm qua. Lợi suất trái phiếu chính phủ cũng giảm khoảng 30 điểm cơ bản trong tuần này.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong những ngày gần đây sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng các nhà hoạch định chính sách có thể đã hoàn thành việc tăng lãi suất và nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang hạ nhiệt.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng đưa ra nhận định về việc phát hành nợ của Mỹ trong những năm gần đây - một chủ đề gần đây nhận được nhiều sự chú ý sau lời chỉ trích của nhà đầu tư Stanley Druckenmiller.

Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng các khoản nợ của nước Mỹ được kiểm soát tốt trong vài năm qua”.

Summers đặc biệt nhấn mạnh vào chương trình nới lỏng định lượng của Fed. Thông qua các đợt QE, Fed đã mua trái phiếu kho bạc có kỳ hạn dài và lợi suất thấp ở thời điểm đó. Hiện tại, Fed trả lãi suất cho các khoản dự trữ này ở mức cao hơn nhiều so với lợi nhuận họ thu về từ danh mục trái phiếu của mình.

Ông cho hay, đối với với chính quyền liên bang, họ đã hoán đổi trái phiếu dài hạn thành các nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Summers nói rằng, nếu một hộ gia đình chuyển sang sử dụng lãi suất thế chấp thả nổi vào năm 2021, khi lãi suất ở mức thấp, thì “họ bây giờ sẽ phải hối hận về quyết định đó”.

Ông cũng chỉ ra, tác động dây chuyền từ chính sách của Fed là giờ đây cơ quan này không còn dùng khoản thu nhập 100 tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ nữa. Sự thay đổi này đã khiến tình trạng thâm hụt tài khoá trở nên trầm trọng hơn.

Trong phiên 3/11, cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm sau khi báo cáo việc làm tháng 10 cho thấy mức tăng thấp hơn dự đoán. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng tiền lương cũng giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.

Tuy nhiên, ông nói: “Thị trường lao động không còn ‘nóng’ như cách đây vài tháng nữa. Nhưng dữ liệu có ở mức phù hợp với mục tiêu lạm phát 2% hay không thì vẫn chưa chắc chắn.”

Ngoài ra, Summers cũng chỉ trích các nhà hoạch định chính sách của Fed vì đã nói rằng việc lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn tăng lên làm giảm khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa. Theo ông, đó không phải là động lực đúng đắn để Fed có thể sớm nới lỏng chính sách.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, nếu lợi suất trái phiếu cao hơn do chính phủ đi vay nhiều hơn hay hoạt động đầu tư mạnh mẽ hơn, thì đó “không phải là cơ sở” để đưa ra lập trường ôn hoà hơn.

Nếu xu hướng đó của thị trường trái phiếu được thúc đẩy bởi “term premium” (chi phí bù thêm vào lợi suất để bù đắp rủi ro lạm phát, lãi suất, thanh khoản hoặc về mặt lý thuyết là chính phủ vỡ nợ) chứ không phải việc thị trường chuyển sang mua trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn, thì không rõ tác động của hiện tượng này đối với quyết định đầu tư lớn đến mức nào.

Tham khảo Bloomberg

Chi Lan

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên