MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: ‘Startup muốn thành kỳ lân phải chú trọng con người, muốn quản trị tốt hãy về những miền quê để học hỏi”

02-12-2019 - 17:08 PM | Doanh nghiệp

“Tôi từng đến làng gốm Bát Tràng và học được cách mà họ quản lý hàng nghìn người mà không hề tốn chi phí. Nên tôi khuyên các startup nếu gặp vấn đề thì quay về những làng quê và học hỏi họ cách quản lý rất hiệu quả với chi phí cực thấp…", ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Sáng 12/2, chương trình Gala Summit Startup Việt 2019 bắt đầu khởi động tại TP.HCM với chủ đề "Hành trình kỳ lân - Unicorn to be" thu hút hơn 300 khách mời là các doanh nhân, startups, cố vấn, nhà đầu tư, "kỳ lân" trong khu vực.

Tham gia phiên thảo luận đầu tiên về cách thức nâng tầm giá trị của startup Việt, bà Quỳnh Anh Nguyễn - Giám đốc Đầu tư và Tăng tốc WISE, ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch Endeavor Việt Nam, nguyên CEO Tập đoàn FPT, ông Ngô Hoàng Gia Khánh - Phó giám đốc Phát triển Doanh nghiệp Tiki đã đưa ra nhiều giải pháp cho startup trong thời kỳ công nghệ số phát triển nhanh chóng.

Cưu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: ‘Startup muốn thành kỳ lân phải chú trọng con người, muốn quản trị tốt hãy về những miền quê để học hỏi” - Ảnh 1.

"Kỳ lân" không được đánh giá qua lợi nhuận, mức độ tăng trưởng mà chính là con người

Nói về cách thức điều hành một doanh nghiệp trở thành kỳ lân, bà Quỳnh Anh cho rằng, dù chúng ta đang kỳ vọng trở thành kỳ lân, ai cũng vậy, nhưng thực chất đa số các startup đều chỉ ở giai đoạn sơ khai. Chưa ai biết được chúng ta có thành kỳ lân hay không. Nhưng nhìn vào ADN của startup, tiềm năng của các bạn nằm ở chính đội ngũ sáng lập. Đây là nền tảng rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Và sau đó, mới là công nghệ. Yếu tố thứ ba, để phát triển được cần phải có đủ nguồn vốn phù hợp.

Ở góc độ Tiki, khi nào biết chúng ta sẵn sàng để phát triển? Ông Khánh chia sẻ, thương mại điện tử có một luật chơi đã được chứng minh. Cái gì tốt cho khách hàng thì sẽ là con đường để Tiki hướng đến. Làm sao để có sản phẩm tốt hơn, dễ mua hơn, giao hàng nhanh hơn. Đó là những điều cốt lõi. Trong quá trình phát triển sẽ có một số vấp váp. "Ví dụ chúng tôi đã thành công ở mảng sách, và sau đó chúng tôi ra mắt một ứng dụng sách điện tử cho khách hàng. Nhưng vấn đề là đến bây giờ không ai biết về ứng dụng", ông Khánh chia sẻ. Ngoài ra trong một số tình huống, Tiki không có đủ nhân sự để phát triển. Như vậy có hai yếu tố startup cần lưu ý, đừng làm cái gì khách hàng không muốn và phải luôn chú trọng tìm kiếm người tài.

Là đơn vị hỗ trợ startup, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng startup cần chú trọng tăng cường nguồn nhân lực, nếu không có con người thì sẽ không làm được gì. Điều quan trọng là cần xây một đội ngũ đủ lớn. Cần trả lời câu hỏi "chúng ta cần một đội ngũ lớn cỡ nào?". Tại Endeavor, tổ chức hỗ trợ và đầu tư này không chú trọng nhiều đến sản phẩm, công nghệ mà họ quan tâm nhiều đến đội ngũ nhân sự, đặc biệt là nhà sáng lập có năng lực hay không, có truyền cảm hứng hay không và có tạo ra tác động tích cực cho xã hội hay không.

Ông Nam cho rằng tìm nhân tài rất quan trọng và có tầm nhìn để phát triển lớn mạnh. Chẳng hạn như tạo được doanh nghiệp có đến 10.000 người thì mức độ tác động rất lớn, truyền cảm hứng, mang đến những ảnh hưởng tốt cho xã hội.

"Tôi nhớ câu chuyện của một nhân viên của tôi từng làm việc tại FPT Software, thời gian sau anh ta nói công việc dễ quá và không muốn làm với tôi nữa. Sau đó, anh ta tự lập công ty riêng rồi quay lại với tôi với tư cách là nhà đầu tư. Một điều ngạc nhiên là cách anh ta phát triển nhanh hơn cả thời gian chúng tôi đã làm. Bây giờ có khoảng 2.000 người hơn 30 tuổi làm việc cho anh ta, đó có nghĩa là anh ấy đã thành công trong việc tạo ảnh hưởng đến nhiều người. Điều đó rất tuyệt, một lãnh đạo phải làm gương được cho nhân viên của mình như thế", ông Nam kể.

Cũng theo ông Nam, chúng ta phát triển về lượng người dùng, về "traffic", nhưng liệu có tạo ra giá trị thực, có bền vững hay không. Nếu nguồn vốn phong phú, chúng ta gọi được hàng trăm triệu USD, chúng ta dễ dàng tiêu tiền để đạt được tăng trưởng bằng mọi giá. Làm sao để trong lúc phát triển, tăng trưởng, chúng ta cần giữ được "ADN" của doanh nghiệp, tức giá trị cốt lõi của mô hình kinh doanh, mô hình sản phẩm, đừng chạy đua theo tăng trưởng.

Thế nào là thành công của một startup?

Làm thế nào để định nghĩa về thành công? Đại diện Tiki cho rằng, điều tiêu cực về phát triển là nó gây nghiện. Chúng ta tốn rất nhiều tiền để quảng cáo, từ đó tăng trưởng rất mạnh về lượng người dùng, lượng truy cập... Nhưng giá trị mang lại cho khách hàng đằng sao đó có đáng hay không?

Còn theo bà Quỳnh Anh, một chiếc xe muốn chạy tốt thì động cơ phải mạnh. Một startup muốn phát triển thì phải có những quy trình tốt. Như lái xe thì phải biết nhìn đàng trước, nhìn kính chiếu hậu để xem chúng ta biết trái - phải, có đi đúng làn đường. Khi một startup mới gia nhập thị trường rất khắc nghiệt. Những ngày đầu, người sáng lập rất tâm huyết. Nhưng điều quan trọng là các bạn phải thích nghi, học từ thị trường, phải biết xoay trục, theo dõi những chỉ số hàng ngày qua các con số một cách thường xuyên...

Ở góc độ khác, ông Nam cho rằng doanh nghiệp nếu chỉ có hai người thì sẽ phát sinh hai vấn đề, 10 người thì có 10 vấn đề, 1.000 người thì vấn đề phát sinh là vô số. Vậy làm sao để giải quyết chúng?

"Tôi từng đến làng gốm Bát Tràng và học được cách mà họ quản lý hàng nghìn người mà không hề tốn chi phí. Tôi ngạc nhiên vì ở đó, mọi người làm việc với nhau bằng sự thân tình, gần gũi, không ai gây áp lực cho ai nhưng hiệu quả lại rất đáng kinh ngạc. Từ đó, tôi học được rất nhiều thứ hữu ích mà không có trường lớp nào có thể dạy được", ông Nam chia sẻ.

Đồng thời, ông Nguyễn Thành Nam cũng khuyên các startup nếu muốn quản trị con người tốt, hãy tìm đến những miền quê để học hỏi. Nơi đó có sự hài hòa, giao thoa giữa cách quản trị với sự gần gũi giữa con người với nhau. Họ làm việc bằng sự thoải mái nhất có thể nhưng lại mang lại hiệu quả cao nhất.

Về phần Tiki, ông Khánh cho biết 4 năm trước có 300 nhân sự, hiện thời hơn 5.500 người. Về mặt tích cực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng nó đi đôi với nhiều thách thức. Chẳng hạn, những yêu cầu, mục đích của ban lãnh đạo truyền đạt xuống có bao nhiêu nhân viên đọc, bao nhiêu người thấu hiểu và thực hiện, đó là bài toán khó.

"Với một nhóm nhỏ, chúng tôi có thể dễ dàng tổ chức một cuộc họp và truyền tải thông điệp, tương tác với nhau. Nhưng hiện tại với hàng nghìn nhân viên và nhiều văn phòng ở khắp cả nước, phải nghiên cứu cách truyền tải thông điệp một cách thực sự hiệu quả", ông Khánh nói.

Dành một lời khuyên cho các bạn trẻ, ông Nam khuyên startup cần tự tin vì khả năng không giới hạn và không ngừng nỗ lực thực hiện ước mơ. Còn bà Quỳnh Anh cho rằng muốn phát triển, hãy xây điều mà phát triển được và điều đó cao hơn khả năng của mình. Ông Khánh nhấn mạnh startup cần ghi nhớ lý do tại sao khởi nghiệp, khi gặp khó khăn, thử thách chúng ta sẽ có động lực khi nhớ lại lý do tại sao chúng ta khởi nghiệp, tại sao chúng ta phải chịu những khó khăn này.

Tường Vy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên