Cựu CEO Go Việt Lê Diệp Kiều Trang chỉ ra “gót chân Asin” của startup công nghệ Việt
Tập trung vào KPI về số lượng người dùng mà không chú ý đến các chỉ số như lợi nhuận, chi phí, tốc độ phát triển… là một trong những gót chân Asin mà bà Lê Diệp Kiều Trang, cựu CEO của Go Việt nhắc đến khi nói về điểm yếu của startup công nghệ.
- 14-05-2020Chủ tịch Clever Group Nguyễn Khánh Trình: WeFit có thể là cú nổ đầu tiên cho làn sóng phá sản của startup Việt trong 2020!
- 14-05-2020CEO Dong A Solutions Trần Bằng Việt: WEFIT, with "fee" - Chúng tôi ổn, nếu có tiền
- 13-05-2020WeFit phá sản, không chỉ đối tác, nhân viên, khách hàng là người thiệt hại: Hãy nghĩ đến các nhà đầu tư!
Bà Lê Diệp Kiều Trang, nhà sáng lập quỹ Alabaster - Cựu CEO Go Việt, đã có những chia sẻ về các vấn đề liên quan đến startup công nghệ trong buổi tọa đàm trực tuyến "Rủi ro bong bóng khởi nghiệp Việt Nam" do VnExpress tổ chức ngày 16/5 trong bối cảnh WeFit - một startup sáng giá trong lĩnh vực Fitness và Beauty của Việt Nam, vừa tuyên bố phá sản.
Những "gót chân Asin" của startup công nghệ Việt
Bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng startup công nghệ Việt đặt nặng chỉ tiêu về lượng người dùng mà bỏ qua các tiêu chí khác như lợi nhuận, chi phí, tốc độ phát triển.
Bà Kiều Trang bày tỏ quan điểm rằng trong mô hình thị trường cạnh tranh, nếu doanh nghiệp đưa ra giá thấp cho sản phẩm, dịch vụ thì sẽ có nhiều người sử dụng, nhiều khách hàng.
"Nếu được bơm tiền và tài trợ giá thì startup đó sẽ chiếm được nhiều người dùng và nếu ngưng bơm tiền thì khách hàng sẽ bỏ để tìm sản phẩm giá rẻ hơn", bà Trang nói.
Mô hình trên dẫn tới chuyện các doanh nghiệp phải đua nhau hạ thấp nhất giá sản phẩm. Dựa vào số lượng người dùng không sai nhưng startup buộc phải tạo ra được điểm riêng. Nếu không có điểm riêng thì sẽ không giữ được người dùng.
Điểm thứ hai mà cựu CEO Go Việt đề cập đến đó là Việt Nam vẫn còn ít doanh nghiệp công nghệ có hàm lượng chất xám cao. Các mô hình chủ yếu đi theo mẫu đã có trên thế giới. Các startup công nghệ Việt chỉ tập trung nhiều ở chuyển đổi số mà ít các startup ở lĩnh vực như truyền thông, công nghệ sinh học, năng lượng… "Điều đó rất đáng tiếc vì hàm lượng chất xám công nghệ của Việt Nam rất cao. Và các nhà đầu tư cũng tìm kiếm nhưng chưa tìm ra để đầu tư", bà Lê Diệp Kiều Trang nhận định.
Tuy nhiên, bà Kiều Trang khẳng định, Việt Nam đã ghi điểm trong mắt nhà đầu tư vì đã kiểm soát rất tốt Covid-19. Sau khủng hoảng, nhiều nhà đầu tư ở Mỹ, Trung Quốc có xu hướng đầu tư trong nước. Nguồn vốn ra nước ngoài khó khăn hơn nhưng nếu có đầu tư ra nước ngoài thì Việt Nam là thị trường được đánh giá cao.
Ông Trần Bằng Việt, cựu CEO Mai Linh Taxi, một trong 3 diễn giả của chương trình, cho rằng startup công nghệ Việt chưa thực sự tạo ra giá trị cho môi trường xung quanh mình.
"Startup Việt vẫn đang tập trung xây dựng cái gì đó rất xa và không tạo ra được giá trị cho người dùng", ông Trần Bằng Việt nói.
Và do chưa tạo ra được giá trị cho người dùng nên khủng hoảng kinh tế như Covid-19 giống như một cú rung lắc. Ai cũng bị ảnh hưởng nhưng một số rơi khỏi xe, ông Trần Bằng Việt ví von.
Ông Việt đưa ra một ví dụ rằng ông đã chứng kiến một doanh nghiệp công nghệ có doanh thu tăng 18 lần trong quý 1 so với cùng kỳ năm 2019. "Vấn đề không phải công nghệ hay không công nghệ mà là tạo ra giá trị cho người dùng", ông Việt nói.
Một vấn đề khác mà dư luận quan tâm đến là chuyện startup khi gọi vốn sẽ chi tiêu sao cho hợp lý và WeFit phá sản cũng được đề cập đến trong hội thảo.
Startup gọi được vốn rồi, chi tiêu sao cho khỏi "vung tay quá trán"?
Bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng doanh nghiệp dùng tiền thế nào không chỉ là câu chuyện của startup mà còn là của nhà đầu tư. Nhà đầu tư đưa ra chỉ tiêu cho startup. Do đó, chuyện thất bại, phá sản của người khởi nghiệp đôi khi không phải là chuyện của riêng startup mà của cả nhà đầu tư. Sử dụng vốn như thế nào không do startup quyết định mà còn do quỹ.
Về WeFit phá sản, bà Kiều Trang cho rằng, điều đáng lo nhất là việc một công ty startup như vậy đã huy động vốn từ người dùng. Và khi họ phá sản, người dùng bị mất tiền. Khi một công ty khởi nghiệp thất bại, việc nhà đầu tư mất tiền là chuyện dĩ nhiên. Khi nhà đầu tư tham gia rót vốn, họ đã biết có thể thắng, có thể thua. Nhưng người dùng, khi mua một sản phẩm mà sau này tự dưng bất đắc dĩ mất tiền, thì đó là điều rất đáng quan tâm.
Bà Huỳnh Thanh Bình Minh, Giám đốc Tael Partner, một trong 3 diễn giả tại hội thảo, cho rằng chuyện startup sử dụng tiền như thế nào sau khi huy động vốn cần phải được cân đo đong đếm. Có doanh nghiệp sử dụng tiền để giúp doanh nghiệp có định giá cao hơn ở các vòng đầu tư tiếp theo. Có doanh nghiệp lại thấy "mùa đông" còn dài nên cẩn trọng trong việc chi tiêu.
Ông Trần Bằng Việt nhận định về việc quản trị vốn nằm ở câu chuyện khoản chi có làm cho việc thu tiền về nhanh hơn không, hiệu quả hơn không…. Và việc chi tiêu còn phụ thuộc vào doanh nghiệp đó như thế nào, quỹ ra sao và "gu" hoạt động của cả quỹ và doanh nghiệp đó.