MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dừng phiên toà xét xử các cựu lãnh đạo MHB, MHBS, trả hồ sơ để điều tra bổ sung

04-07-2018 - 11:37 AM | Tài chính - ngân hàng

HĐXX cho rằng còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng nên trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

Tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long (MHB) sáng ngày 4/7, sau khi xét hỏi bị cáo Nguyễn Phước Hòa, nguyên Tổng giám đốc MHB, các bị cáo còn lại được gọi lên hỏi về chủ trương phát hành trái phiếu 400 tỷ đồng cho ACB.

Bùi Hồng Minh (nguyên Trưởng Ban Quản lý nguồn vốn MHB) khai rằng về chủ trương dùng 400 tỷ, bây giờ bị cáo mới được nghe. Thời điểm 2010 tất cả các hoạt động ngân hàng không nằm ở Sở giao dịch.

Gọi Huỳnh Nam Dũng - nguyên chủ tịch MHB lên hỏi, bị cáo khai: chủ trương 400 tỷ đồng hoàn toàn không liên quan đến bị cáo. Khi MHBS có chủ trương bán trái phiếu là do HĐQT có nghị quyết. "Lúc đó tôi cũng là Chủ tịch HĐQT MHBS, việc mua bán do bà Bình (MHBS) và Nguyễn Phước Hòa (MHB) thực hiện và chỉ đạo. HĐQT MHB không có bất cứ văn bản nào cũng như tôi hoàn toàn không có chủ trương phát hành trái phiếu 400 tỷ đồng cho ACB" - ông Dũng nói.

Theo báo cáo của MHBS, năm 2007 công ty có lãi, 2008 lỗ, 2009 lãi, 2010 trở đi lỗ. Vốn điều lệ MHBS thì MHB nắm 60% (102 tỷ đồng). Việc quản lý công ty MHBS là công ty con. Theo điều lệ hoạt động chịu điều hành trực tiếp từ Giám đốc, ra quyết định và có giá trị cao nhất. Vai trò chủ tịch HĐQT của bị cáo chỉ họp, việc này có ghi rõ trong quy chế điều hành của MHBS.

Gọi Lữ Thị Thanh Bình, nguyên Tổng Giám đốc MHBS, bị cáo khai: theo báo cáo tài chính từng năm: 2007 lãi thật, do tự doanh; 2008 thị trường sôi động nên lỗ; 2009 lỗ thực nên ông Dũng chỉ đạo 2010 phát hành trái phiếu và chỉ đạo MHBS bằng mọi cách tạo nguồn lãi của 2009 (lãi ảo) để cơ quan quản lý đánh giá đủ năng lực. Vì thế mượn Cty trung gian Đại Phong Nguyên làm động tác lãi ảo. Bị cáo chỉ đạo ông Liêm, còn tất cả việc chỉ đạo của bị cáo đều được sự chỉ đạo của ông Dũng. Trong suốt thời gian thành lập MHBS đến khi sáp nhập, ông Dũng chưa bao giờ họp HĐQT của công ty.

Năm 2010 phát hành trái phiếu bán cho ACB 400 tỷ đồng, ông Nam Dũng chỉ đạo liên hệ Nguyễn Hữu Dũng. Từ chỉ đạo này bị cáo chỉ đạo Trương Thanh Liêm liên hệ. Việc ai đàm phán, ai soạn thảo hợp đồng với ACB bị cáo không biết, bị cáo chỉ ký hợp đồng. Lúc mua lại trái phiếu từ ACB, thủ tục thực hiện là ông Liêm, còn nghiệp vụ do phòng kế toán MHBS làm. Chủ trương việc mua lại do ông Nam Dũng chỉ đạo, lúc đó xảy ra vụ án Huyền Như, ông Dũng sợ việc MHB bảo lãnh 400 tỷ đồng nên bằng mọi giá phải mua lại 400 tỷ đồng đã bán trái phiếu cho ACB.

Còn tiền gửi chi nhánh MHB, lấy lãi đem trả lại nợ của MHB, một phần chi cho chi phí kinh doanh.

Thời điểm đó tất cả các báo cáo của Đoàn thanh tra MHB bị cáo không nhận được. Đoàn thanh tra theo bị cáo biết là do Chủ tịch HĐQT MHB chỉ đạo. Lúc đó bị cáo sang MHB báo cáo lỗ thì ông Dũng cho lập Đoàn thanh tra tài chính. Đoàn thanh tra làm việc có kết luận, làm với từng phòng nghiệp vụ của MHBS. Kết luận của thanh tra không giao cho MHBS, đến khi Cơ quan CSĐT vào tìm không có báo cáo này.

* Gọi Nguyễn Phước Hòa, bị cáo khai: về đoàn thanh tra của MHB thành lập, lúc đó là năm 2010 dư luận MHB có nhiều ý kiến MHBS thua lỗ, có nhiều đơn tố cáo gửi NHNN. Trước tình hình đó Chủ tịch HĐQT MHB 2 lần triệu tập toàn bộ cán bộ MHB để kiểm tra MHBS. Lần 1 vào năm 2010 do chị Thủy là trưởng đoàn; sau khi có báo cáo đoàn gửi cho ông Dũng và chỉ có ông Dũng biết, báo cáo mang tính chất cảnh báo hoạt động của MHBS, thời điểm đó đã xác định lỗ khoảng 300 tỷ đồng. Bị cáo chỉ được mời để tham gia, được nghe báo cáo và được đọc, sau đó ông Dũng yêu cầu trả lại báo cáo đó nhưng bị cáo sợ nên ... giữ lại.

Lần kiểm tra thứ 2 có thêm chị Nguyễn Thị Hồng tham gia đoàn và nằm tại MHBS để kiểm tra hoạt động trong thời gian dài, nhưng hiệu quả thanh tra chỉ mang tính chất cảnh báo chứ không giải quyết hậu quả hoạt động của MHBS vì 2 đơn vị hoàn toàn độc lập. Việc thanh tra là theo trưng tập của ông Dũng. Kết quả kiểm tra lần 2 giống như lần 1, chỉ sau lần 1 khoảng 2 tháng, kết quả kiểm tra bị cáo chỉ được nghe chứ không có tài liệu.

Việc chuyển tiền, Nguyễn Phước Hòa khai chỉ nhớ ngay từ ngày đầu thành lập, vốn MHBS chỉ có 60 tỷ, tăng lần 1 là 130 tỷ, tăng lần 2 là 170 tỷ. Ông Dũng chỉ đạo gửi tiền cho MHBS, nhưng vốn chỉ có 170 tỷ thì không thể có tới 400 tỷ để phát hành trái phiếu.

Chủ tịch HĐQT họp HĐ ALCO để quyết định gửi sang ACB 400 tỷ đồng với hình thức là phát hành trái phiếu "Cho sở giao dịch đầu tư vốn sang ACB 400 tỷ, lãi suất 11%/năm, thời hạn 3 năm. MHB giao cho Sở giao dịch kiểm soát 400 tỷ chuyển cho MHBS".

* Gọi Trần Mỹ Linh: bị cáo khai làm tại MHB từ 2000 lên từ chi nhánh Cà Mau rồi sau đó được điều sang MHBS làm nhóm trưởng. Khi sang MHBS bị cáo làm Kế toán trưởng với hình thức biệt phái (1/2011), có nhiệm vụ theo dõi hạch toán, tài chính, lúc đó bị cáo chưa hình dung được Kế toán trưởng là gì vì chưa bao giờ làm Kế toán, phải làm theo sự chỉ đạo. Khi sang MHBS, Chủ tịch HĐQT chỉ đạo MHBS không được tự doanh, không được dùng vốn của khách để mua bán chứng khoán, báo cáo hàng tuần bằng Email cho Chủ tịch HĐQT…

Lúc đó ông Đặng Văn Hòa (Phó TGĐ MHBS) có chỉ đạo báo cáo ngày. Bị cáo có Cc cho ông Nguyễn Phước Hòa, sau ông Dũng cho rằng không gửi cho ai khác thì bị cáo gửi báo cáo riêng Mail cho từng người. Lúc đó bị cáo đã phát hiện lỗ lũy kế 55 tỷ. 

Việc bán 400 tỷ, nhưng mua 410 tỷ thế nào? Số 10 tỷ là tiền lãi mà MHBS phải trả cho ACB. Số 10 tỷ là của MHB. Ví dụ 200 tỷ chuyển MHBS chuyển ACB thì có 190 tỷ gốc, 10 tỷ lãi. Hợp đồng bán bị cáo không biết, còn HĐ mua lại thì biết. Bị cáo bị biệt phái đến ngày khởi tố vụ án.

Do bị cáo không có nghiệp vụ về chứng khoán cũng như tài chính nên mỗi năm báo cáo tài chính là ông Phạm Đăng Khoa, nhưng tháng 10/2011 ông này nghỉ. Cuối 2011, MHBS còn nợ ACB khoảng 200 tỷ, nhưng không biết ai chỉ đạo sau đó có hợp đồng mua bán trái phiếu với Ngân hàng Đại Á (200 tỷ đồng). Khi tiền về MHBS, Sở Giao dịch chỉ đạo rút tiền. Đến 2012 vẫn còn nợ 410 tỷ. Ngày 5/1/2012 Sở giao dịch tiếp tục chuyển tiền ghi có trong tài khoản của MHBS, bị cáo làm thủ tục chuyển.

Thực nợ 2011 giữa MHBS với MHB là 200 tỷ. 2012 mua thêm 210 tỷ. Ai chuyển bị cáo không biết. Đến 2013, số 410 tỷ thu được từ bán trái phiếu… 3 cty trung gian hưởng chênh lệch từ việc mua bán chứng khoán do MHBS. Tất cả việc mua bán đều báo cáo ông Huỳnh Nam Dũng, Nguyễn Phước Hòa nhưng rất ít khi nhận được phản hồi. Khi báo cáo trực tiếp tại MHB thì nhận được chỉ đạo trực tiếp, tất cả các báo cáo đều gửi cho Dũng, Hòa.

* Gọi Trương Thanh Liêm: bị cáo Liêm khai có nghe bị cáo Bình khai lãi ảo 2009. Để có lãi đó, lãnh đạo chỉ đạo bán một số cổ phiếu trong danh mục công ty con (5 mã chứng khoán) cho ông Hùng (Công ty Đại Phong Nguyên), việc bán cho ông Hùng là bán cho cá nhân và thỏa thuận bán phải có lãi, có chuyển tiền thật. Năm sau mua lại. Ông Hùng là đại lý nhận lệnh của MHBS.

Bị cáo Lữ Thị Thanh Bình – Chủ tịch HDĐT kiêm TGĐ MHBS- trả lời chủ tọa: đối với việc mở 3 tài khoản cá nhân, bị cáo cho rằng thời gian mở nằm trong hoạt động của CTCK. Theo bị cáo là có thực hiện, nhưng xem xét hành động có sai hay không và sai phạm về hành vi trách nhiệm hình sự hay hành chính thì bị cáo không rõ, chỉ mong HĐXX xem xét cho bị cáo.

Một số ý kiến bổ sung của bị cáo Võ Kim Phụng, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu Phân tích Công ty MHBS, thứ nhất là giá trị mua bán, bị cáo Phụng khẳng định chưa bao giờ giá trị danh mục quản lý lên 30 tỷ. Bị cáo được ban GĐ phân công phụ trách tài khoản ông Khoa từ 5/2009-12/2009, và không giao dịch trên 2 tài khoản còn lại. Tình hình kinh doanh 2009 có lợi nhuận, thì công ty có quyết định thưởng 2 tháng lương cán bộ công nhân viên, riêng bị cáo Phụng thì tổng thưởng nhận là 14 triệu đồng. Bị cáo Phụng cho rằng, việc thưởng hết sức bình thường nên đã nhận, sau này mới biết nguồn tiền thưởng là từ 1/3 tài khoản tự doanh, do đó bị cáo Phụng khai đã trả lại 14 triệu tiền thưởng mình nhận được.

Liên quan đến quy định NĐT chỉ được mở 1 tài khoản chứng khoán và chỉ tại 1 CTCK tại thời điểm đó, bị cáo Phụng nhận định quy định này vô hình trung tăng thêm rủi ro thời gian xảy ra sai phạm. Hiện nay thì luật chứng khoán đã thoáng hơn, tức NĐT được mở nhiều tài khoản tại nhiều CTCK khác nhau, do đó bị cáo Phụng mong HĐXX xem xét tính hình sự của sai phạm, tức "mức độ án hình sự có quá cao không, hay chỉ là hành chính thôi, mong HĐXX xem xét", bị cáo Phụng kết thúc phần phản cáo của mình.

Sau khi thẩm vấn các bị cáo, HĐXX cho rằng vụ án còn nhiều điều chưa rõ, do đó Toà quyết định trả lại hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra bổ sung.

Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên