MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Chủ tịch SCB được cho nhiều tiền vì làm tốt các chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan

07-03-2024 - 17:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Từ năm 2013 - 2020, Bùi Anh Dũng - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB đã ký hợp thức hồ sơ 404 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 187.600 tỷ đồng. Ngoài mức lương 'khủng', vào dịp lễ Tết ông Dũng còn được cho 500.000 cổ phiếu (tương đương 5 tỷ đồng) và hai lần vào năm 2020 và 2021 tổng cộng là 40 tỷ đồng.

Sáng 7/3, tại phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, sau phần xét hỏi bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn - cựu Tổng giám đốc SCB, đến lượt bị cáo Bùi Anh Dũng - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB lên xét hỏi.

Ông Bùi Anh Dũng bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Ông Dũng từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Ngân hàng SCB. Năm 2013, ông Dũng giữ chức vụ Giám đốc chi nhánh Bến Thành, năm 2018 giữ chức vụ Phó tổng giám đốc...

Cựu Chủ tịch SCB được cho nhiều tiền vì làm tốt các chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan- Ảnh 1.

Bị cáo Bùi Anh Dũng - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB.

Do được ông Đinh Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB giới thiệu là người hiền lành, không quậy phá nên từ tháng 12/2020, Bùi Anh Dũng được Trương Mỹ Lan cất nhắc lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB.

Trả lời HĐXX, ông Dũng thừa nhận cáo trạng đúng và đầy đủ về hành vi của mình. Từ năm 2013 - 2020, Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 404 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 187.600 tỷ đồng. Từ cuối năm 2020 - 2022, Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 207 khoản vay, giúp sức tích cực cho bà Lan chiếm đoạt số tiền gần 104.260 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 26.330 tỷ.

Ông Dũng cũng xác nhận lời khai của Võ Tấn Hoàng Văn về tình trạng của SCB là hoàn toàn đúng. Từ khi bị cáo vào làm việc cho SCB, được bà Lan trả mức lương thấp nhất là 70 triệu đồng (năm 2013), cao nhất là 500 triệu. Ngoài ra, vào dịp lễ Tết còn được cho 500.000 cổ phiếu (tương đương 5 tỷ đồng) và hai lần vào năm 2020 và 2021 tổng cộng là 40 tỷ đồng.

“Bị cáo được bà Lan cho nhiều tiền vì đã thực hiện tốt các chỉ đạo. Hơn nữa, bà ấy cũng muốn khuyến khích nhân viên của SCB”, ông Dũng nói.

Cựu Chủ tịch SCB được cho nhiều tiền vì làm tốt các chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan- Ảnh 2.

Bà Trương Mỹ Lan cho ông Dũng nhiều tiền vì đã thực hiện tốt các chỉ đạo.

Tương tự, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung - cựu Phó tổng giám đốc SCB cũng thừa nhận từ năm 2019 đến ngày 15/8/2022 đã ký hợp thức cho 617 khoản vay, giúp bà Lan chiếm đoạt hơn 200.690 tỷ đồng, gây thiệt hại cho SCB 69.023 tỷ đồng.

Bà Dung khai, mỗi lần bà Lan cần tiền đều gọi điện và đưa ra tài sản đảm bảo. Bị cáo sau đó triệu tập họp tất cả lãnh đạo của SCB, thông báo về yêu cầu của bà Lan như cần bao nhiêu tiền, giải ngân khi nào...

Dung cho biết sẽ cố gắng khắc phục phần nào hậu quả đã gây ra và sẽ tác động gia đình nộp thêm một tỷ đồng trong hôm nay.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần). Qua đó, bà Lan thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Cơ quan điều tra xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Tính đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.000 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi, gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 64.600 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch SCB được cho nhiều tiền vì làm tốt các chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan- Ảnh 3.

Các bị cáo trong phiên toà sáng 7/3.

Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 129.400 tỷ đồng là số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt.

Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.

Để phục vụ cho việc làm phi pháp của mình, bà Trương Mỹ Lan đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Theo Nhóm PV

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên