MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương giải thích việc đưa 145ha đất vàng vào 'tài sản chờ thanh lý'

16-08-2022 - 19:57 PM | Xã hội

Ông Trần Thanh Liêm cho biết, ông ký ban hành quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, thống nhất với kết quả phân loại, đưa khu đất 145 ha vào mục “tài sản chờ thanh lý” căn cứ vào ý kiến của các đơn vị tham mưu.

Sáng 16/8, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án “thâu tóm” hai lô đất vàng tại Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2).

Trả lời câu hỏi của HĐXX, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm khai, năm 2019, khi báo chí nêu về các sai phạm trong việc quản lý sử dụng đất ở Bình Dương. Lúc này, bị cáo mới biết Tổng Công ty 3/2 đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty “sân sau” Tân Phú.

Giải thích về việc ký ban hành quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, thống nhất với kết quả phân loại, đưa khu đất 145 ha vào mục “tài sản chờ thanh lý”, không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp, bị cáo Liêm cho hay, “thời điểm đó, bị cáo nghĩ việc làm đó không sai”.

Theo bị cáo Liêm, ông ký quyết định chỉ căn cứ vào ý kiến của các đơn vị tham mưu, căn cứ vào tờ trình của Sở Tài chính tỉnh Bình Dương chứ không đối chiếu các tài liệu. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra, được xem các tài liệu đối chiếu, được nghe cán bộ điều tra phân tích, bị cáo mới thấy việc không đưa khu đất 145ha vào xác định giá trị doanh nghiệp là sai.

Viện kiểm sát cáo buộc, tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy ngày 17/4/2017, ông Liêm biết việc Tổng Công ty 3/2 đã chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú trái với chủ trương, quyết định của Tỉnh ủy và trái với quy định pháp luật nhưng không yêu cầu cầu hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện theo đúng quyết định của chủ sở hữu mà đồng ý cho Tổng Công ty 3/2 tiếp tục được chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc tại Dự án khu Đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43 ha.

Việc này đã tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Tổng Công ty 3/2) và đồng phạm hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản của Nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 984 tỷ đồng.

Đối với khu đất 145ha được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất, tiếp tục kế thừa tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, ông Liêm bị cho rằng, có biết Tổng Công ty 3/2 đưa vào góp vốn tại Công ty “sân sau” Tân Thành nhưng ông vẫn ký ban hành quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đưa khu đất này vào mục “tài sản chờ thanh lý”, gây thất thoát hơn 4.030 tỷ đồng.

Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương giải thích việc đưa 145ha đất vàng vào tài sản chờ thanh lý - Ảnh 1.

Nhóm bị cáo tại tòa.

Đứng tên công ty trên danh nghĩa thay cho cha

Cũng tại phiên tòa sáng nay, khi được xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thục Anh (40 tuổi, con gái bị cáo Nguyễn Văn Minh) thừa nhận mình sở hữu 51% cổ phần của Công ty Phát Triển nhưng chỉ trên danh nghĩa đứng tên thay cho cha.

Thục Anh cho biết, đứng tên công ty thay cho cha khi mới 19 tuổi và không tham gia vào hoạt động nào của Công ty Phát Triển. Do đó, việc doanh nghiệp này bán cổ phần cho Tổng công ty 3/2 như thế nào cô không nắm rõ.

Vẫn theo trình bày của Thục Anh, cô không hưởng lợi đồng nào từ việc chuyển nhượng cổ phần vốn góp. Trong khi, cáo trạng quy kết bị cáo hưởng lợi, nhưng thực tế trên chứng từ, tài khoản đều không thể hiện có tên bị cáo.

Đến giai đoạn điều tra, Nguyễn Thục Anh nói cô nhận thức được việc đứng tên công ty là "vô tình góp phần vào những sai phạm", nên xin nhận trách nhiệm và mong HĐXX xem xét vai trò của bị cáo. Ngoài ra, Thục Anh còn cho rằng nếu ông Minh cha đẻ cô biết việc làm của ông ấy và con gái là tham ô tài sản, thì “cha tôi sẽ không bao giờ để cho tôi làm điều đó".

Viện kiểm sát cáo buộc, Nguyễn Thục Anh nắm giữ 51% vốn điều lệ của Công ty Phát Triển. Năm 2011, Thục Anh cùng đồng phạm tại công ty được ông Nguyễn Văn Minh trao đổi, bàn bạc để đưa Công ty Phát Triển và liên danh thực hiện dự án trên khu đất 145 ha thay thế 2 doanh nghiệp của Hàn Quốc.

Năm 2018, ông Minh muốn có nguồn tiền xử lý dư nợ tạm ứng tại Tổng công ty 3/2, nên chỉ đạo Thục Anh chuyển nhượng 15% vốn điều lệ tại Phát Triển cho phía Tổng Công ty 3/2. Do không đủ tài chính, Thục Anh cùng đồng phạm đã vay ngân hàng để nộp đủ số vốn góp còn thiếu. Cuối cùng, họ ký hợp đồng chuyển nhượng 15% vốn điều lệ.

Cơ quan truy tố cho hay, thông qua việc chuyển nhượng 15% này, Thục Anh đã giúp sức cho ông Minh chiếm đoạt gần 644 tỷ đồng. Sau đó, Thục Anh được hưởng hơn 200 tỷ đồng, Như Ý được hưởng hơn 192 tỷ đồng.

Buổi chiều, tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo còn lại.

Theo Hoàng An

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên