Cựu đại sứ nói không lợi dụng các “Chuyến bay giải cứu” gần 1.900 người mãn hạn tù để chia chác
Tại phiên toà "Chuyến bay giải cứu", bị cáo Trần Việt Thái (cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia) cho rằng thời điểm tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Malaysia về nước là rất căng thẳng, bắt buộc phải có kinh phí dự phòng cho tình huống bất ngờ
- 18-07-2023CLIP: Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng khóc nghẹn tại phiên tòa "Chuyến bay giải cứu"
- 18-07-2023Vụ chuyến bay giải cứu: Chị gái một bị cáo bị đề nghị điều tra sau khi nộp bằng chứng cho tòa
- 17-07-2023Infographic: Mức án đề xuất đối với 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu"
Sáng nay 19-7, phiên toà xét xử cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 53 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần tranh tụng.
Bị cáo Trần Việt Thái được dẫn giải tới phiên toà
Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Trần Việt Thái, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia, thừa nhận trách nhiệm vi phạm xảy ra tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. Tuy nhiên, ông cho rằng thời điểm tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Malaysia về nước là rất căng thẳng, bắt buộc phải có kinh phí dự phòng cho tình huống bất ngờ. "Chúng tôi không muốn chia chác"- bị cáo Thái nói về số tiền thu dôi ra để làm "kinh phí dự phòng".
Tại Malaysia có 4 trại chờ dành cho các tù nhân, thời điểm dịch diễn biến phức tạp, bị cáo Trần Việt Thái đã cử nhân viên đi khảo sát. Khi trở về, nhân viên báo cáo lại "tình hình môi giới trong các trại vô cùng phức tạp".
Đối với việc đưa công dân và người mãn hạn tù về nước, bị cáo Trần Việt Thái cho rằng sau khi bị gây sức ép phải đưa công dân về nước, phía Đại sứ quán đã liên hệ về Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), song nhận được câu trả lời "trong nước hiện chưa có phương án cách ly", buộc phải đưa họ về theo các nhóm nhỏ. Đây là nguyên nhân khiến việc đưa người về kéo dài nhiều tháng.
"Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, chúng tôi gặp khó khăn khi phải thực thi công vụ theo quy định pháp luật Việt Nam tại Malaysia. Khi vào các trại chờ, nếu chỉ thu tiền hộ chiếu và hướng dẫn tù nhân liên hệ với các đại lý máy bay thì họ cũng không thể về được, bởi còn tiền kinh phí cách ly, còn bồi dưỡng cán bộ các trại chờ của Malaysia"- bị cáo Thái nói và khẳng định việc thu tiền của họ là bắt buộc vì Đại sứ quán không còn cách nào khác. Do đó, cựu đại sứ mong Hội đồng xét xử xem xét lại hoàn cảnh bị cáo cũng như các thuộc cấp để đưa ra phán quyết nhẹ nhàng hơn.
Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Thái khai chỉ đạo Nguyễn Hoàng Linh và Lê Ngọc Anh (cựu cán bộ đại sứ quán) đi khảo sát thực tế để lập kế hoạch dự trù kinh phí đưa những người Việt Nam mãn hạn tù về nước. Các khoản khảo sát có tiền vé máy bay, tiền hộ chiếu, thủ tục về nước, tiền xét nghiệm COVID-19.
Theo lời khai của cựu đại sứ, sau khi khảo sát, đại sứ quán thống nhất 3 mức thu: 20,3 triệu đồng/người có hộ chiếu; 24,9 triệu đồng/người chưa có hộ chiếu; 30-34 triệu đồng/người ở đảo xa phải bay thêm chuyến nội địa. Riêng chi phí cấp hộ chiếu, đại sứ quán thu hơn 4,6 triệu đồng/cuốn nhưng thực tế chỉ 1,6 triệu đồng/cuốn.
Tổng số tiền mà đại sứ quán đã thu là 44,6 tỉ đồng. Số tiền này, chỉ 34,2 tỉ đồng được chi cho việc đưa công dân về nước. Số tiền dư còn lại, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia cho biết trích một phần dùng để "bồi dưỡng" cho cán bộ tại đại sứ quán, theo tỉ lệ: Đại sứ hệ số 1,5; 2 cán bộ trực tiếp hệ số 1,2; còn lại hệ số 1, căn cứ vào mức phụ cấp của Nhà nước. Sau khi cân đối, bị cáo Thái hưởng 580 triệu đồng tiền "bồi dưỡng", cấp dưới hưởng 220-480 triệu đồng.
Trong phần luận tội, Viện kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng về tội danh nêu trên, Viện Kiểm sát Nhân dân cũng đề nghị mức án 4-5 năm tù đối với Lê Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Linh; 2-3 năm tù với Đặng Minh Phương (3 bị cáo là cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia).
nld.com.vn