MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu DHS Nhật gây tranh cãi với phát ngôn: “Lương 50 triệu đồng không đủ sống” - Sự thật có khó sống không?

16-01-2024 - 08:50 AM | Lifestyle

Nếu không biết quản lý tài chính, dù có mức lương cao đến đâu bạn cũng thấy cạn kiệt ví tiền vào cuối tháng.

Cô gái gây tranh cãi với tuyên bố: “Lương 50 triệu đồng không đủ sống”

Những ngày vừa qua, một cựu du học sinh Nhật Bản thu hút nhiều chú ý sau lời chia sẻ: “Lương Việt Nam 50 triệu đồng không đủ sống với mình”.

Cụ thể, thời gian đầu mới từ Nhật về Việt Nam, cô nàng đã thấy chật vật trong chuyện chi tiêu. Cô còn tự hỏi: “Các bạn trẻ văn phòng lương 8 triệu, 10 triệu, thậm chí ít hơn thế, tại sao các bạn vẫn đủ sống? Thế mà mình, lương bao nhiêu cũng không đủ. Thậm chí còn phải đi vay thêm từ gia đình và bạn bè nữa”.

Tiếp theo, cô gái này đã liệt kê một số nguyên tắc chi tiêu khiến bản thân không thể kiểm soát tốt tài chính.

Đơn cử như do chưa quen với giao thông của Việt Nam nên cô từng chi khoảng 1 triệu đồng/tháng để di chuyển bằng xe ôm công nghệ. Tiếp theo, trước đó ở Nhật, cô nàng quen ăn đồ mua trong siêu thị. Cũng vì thế, sau khi về nước, cô cũng phải tìm các hàng tươi ngon, chất lượng nhất, dẫn đến chi phí dành cho ăn uống tăng cao… Bên cạnh 2 khoản này, cô nói mình còn nhiều chi phí phải lo khác như tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn sinh nhật hàng xóm…

Cựu DHS Nhật gây tranh cãi với phát ngôn: “Lương 50 triệu đồng không đủ sống - Sự thật có khó sống không? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ngay sau khi clip cô gái này được chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn mạng xã hội, quan điểm “lương 50 triệu không đủ sống” đã nhận về hàng loạt ý kiến trái chiều.

Theo đó, phần đông ý kiến nhận định 50 triệu đồng là mức lương đáng mơ ước của nhiều người. Đây là thu nhập đủ để họ sống tốt, kể cả so với mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ như ở các thành phố lớn. Một số cư dân mạng khác còn dẫn chứng với mức lương thấp hơn nhiều so với 50 triệu đồng, họ vẫn có đủ tiền cho chi phí sinh hoạt, đồng thời để dành được tiền cho nhiều mục đích khác như đầu tư, tiết kiệm.

- “Lương mình làm công ty có 10 triệu đồng. Nhưng mình vẫn sống tốt, còn gửi cho mẹ được 5 triệu đồng hàng tháng nữa. Nếu không biết đủ và quản lý chi tiêu thì dù bạn có lương 100 triệu đồng cũng không đủ tiêu xài”.

- “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Lương 50 triệu không đủ sống thì chứng tỏ bạn chi tiêu vụng. 20 - 30 triệu đồng là mức lương quá ổn rồi. Bao nhiêu người muốn có mức lương này mà còn không được”.

- “Có biết bao nhiêu người lương chỉ vài triệu đồng, nhất là những cử nhân mới ra trường, công nhân… vẫn đủ sống đấy thôi. Bạn nói lương 50 triệu đồng không đủ sống thì có để ý cảm nhận của người ta không? Đủ sống hay không là do tính toán của từng người. Không ai muốn lương thấp cả, nhưng đừng nên mở đầu câu chuyện bằng lời phán xét mức sống như vậy”.

- “Không bù cho mình. Lương 20 triệu đồng vẫn sống tốt, tháng còn dư tiền mua cho bố mẹ ít vàng và gửi tiết kiệm. Trước nữa, mình đi làm văn phòng ở Hà Nội, có mức lương cơ bản 12 triệu đồng/tháng. Mình vẫn ăn ngon, mặc đẹp, ở sướng, đi du lịch, mua đồ và có khoản để dành phòng thân. Vậy mới nói, cái bạn cần xem xét đầu tiên là cách quản lý tài chính của mình”.

- “Bạn đã từng nghe câu: ‘Lương 5 triệu tiêu theo kiểu 5 triệu, lương 50 triệu tiêu theo kiểu 50 triệu chưa'. Thứ bạn cần thay đổi ở đây là bản thân mình thôi”.

Được biết, sau đó ở dưới phần bình luận của clip, khi được mọi người nhắn nhủ nên học cách quản lý tài chính, cô gái này cũng đồng tình với lời khuyên. Tiếp theo, cô cho rằng cú sốc chi tiêu sau khi mới từ Nhật về Việt Nam này sẽ là bài học lớn. Đồng thời, cô tâm sự cũng đang học cách để quản lý tài chính tốt hơn.

Làm thế nào để không cạn kiệt tiền lương vào cuối tháng?

Cách chi tiêu của cô gái này thời điểm mới về Việt Nam chính là ví dụ điển hình của người trẻ chưa biết cách quản lý tài chính tốt. Làm sao để kiếm tiền đã khó thì học cách tiêu tiền còn khó gấp mười. Người trẻ, với sức tiêu dùng mạnh cùng tâm lý yolo thì dễ rơi vào vòng xoáy “kiếm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu”, dù cho mức lương của họ có cao đến đâu.

Vậy làm sao để có thể tránh rơi vào tình trạng cạn kiệt tiền lương vào cuối tháng, thậm chí còn có khoản dư? Dưới đây là 3 gợi ý cơ bản để bạn bắt đầu hành trình quản lý tài chính của mình.

1. Lập kế hoạch chi tiêu

Nếu thấy mình có mức lương tốt nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng “cháy ví” đó là lúc bạn nên lập kế hoạch quản lý tài chính chặt chẽ. Việc quản lý chi tiêu sẽ cần sự kỷ luật từ phía tham gia. Đối với kiểm soát chi tiêu, có 2 phương pháp hiệu quả mà các chuyên gia tài chính khuyến nghị như "phương pháp 6 chiếc lọ", "quy tắc 50-30-20".

Trong số đó, quy tắc “50-30-20” được xem là phương pháp hiệu quả, đơn giản và có thể áp dụng đối với tất cả mọi người. Điểm mấu chốt của phương pháp này là bạn cần phân chia thu nhập hàng tháng thành từng khoản nhỏ, chỉ cho phép mình tiêu trong hạn mức đề ra.

Cụ thể hơn, chúng ta cần chia thu nhập thành 3 phần theo tỷ lệ 50-30-20. 50% thu nhập dành cho chi phí thiết yếu như tiền thuê nhà, tiền chợ, tiền mua sắm cá nhân cơ bản, tiền bảo hiểm nhân thọ, tiền biếu bố mẹ. 30% hoặc 20% thu nhập dành cho chi phí giải trí và hưởng thụ như tiền ăn ngoài, tiền đi du lịch, đi chơi. Số còn lại dành cho khoản tiết kiệm và đầu tư.

Hàng tháng, bạn sẽ đều đặn chuyển tiền vào các tài khoản dù chúng vẫn còn dư tiền hay không. Nếu tài khoản thiết yếu của bạn đến cuối tháng vẫn còn tiền thì có thể sử dụng hết, hoặc chuyển vào tài khoản tiết kiệm. Đây được xem như là phần thưởng cho bản thân trong việc kiểm soát và quản lý chi tiêu. Nhờ phương pháp này, bạn vẫn có thể tận hưởng cuộc sống và không phải lo lắng rằng mua món này hay món nọ có ảnh hưởng đến chi tiêu hay không.

Cựu DHS Nhật gây tranh cãi với phát ngôn: “Lương 50 triệu đồng không đủ sống - Sự thật có khó sống không? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

2. Nói không với nợ

Trừ khi bạn là nhà đầu tư quen sống chung với những khoản nợ, hoặc là nếu không quá gấp, thì tốt nhất hãy cố gắng nói không với các khoản nợ. Các khoản nợ lặt vặt dù chỉ vài trăm ngàn đồng cũng sẽ làm bạn gặp khó khăn trong quản lý tài chính hơn. Bên cạnh đó, đừng lạm dụng thẻ tín dụng cho tới chừng nào bạn tự tin với khả năng kiểm soát chi tiêu của chính mình.

3. Học cách sống tối giản

Sống tối giản không có nghĩa bạn phải hạ tiêu chuẩn chất lượng sống, mà là tìm kiếm những giá trị thực sự phù hợp với mình mà vẫn nằm trong ngân sách cho phép. Chẳng hạn như nếu cần mua điện thoại di động, bạn có cần thiết phải mẫu mới nhất, bất chấp chúng không có nhiều sự khác biệt về chức năng và hiệu suất so với sản phẩm giá rẻ hơn. Tương tự về khoản ăn uống, bạn có cần suốt ngày ăn ngoài, bất chấp có thể dành chút thời gian và công sức để nấu nướng tại nhà.

Lối sống tối giản chính là lời tạm biệt tiêu dùng mù quáng, chạy theo mua sắm theo trào lưu hoặc các món đồ đắt nhất. Thay đổi từng chút một trong các khoản tiêu dùng, thì theo thời gian, bạn có thể thấy ví tiền của mình ngày càng dày hơn. Thông qua việc tiêu dùng hợp lý như vậy, bạn không chỉ có thể duy trì chất lượng cuộc sống mà còn đặt nền tảng vững chắc cho sự tự do tài chính trong tương lai.

Theo Vân Anh

Phụ nữ số

Trở lên trên