MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Giám đốc Công an Cao Bằng nhận xe sang 3,7 tỷ đồng: Tặng xe chính là hối lộ

12-10-2019 - 08:33 AM | Xã hội

“Không chỉ ở Cao Bằng, thời gian qua tôi còn được nghe nhiều thông tin về những món quà tặng tiền tỷ khác. Đó chính là hối lộ trá hình dưới danh nghĩa quà tặng, cần phải hết sức lên án”, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi với Tiền Phong.

Tặng quà để toan tính lợi ích

Vừa qua nhiều cơ quan báo chí đưa tin về việc Công an tỉnh Cao Bằng nhận quà tặng trái quy định là ô tô trị giá 3,7 tỷ đồng. Ông thấy sao về việc một doanh nghiệp tặng quà tiền tỷ cho cơ quan công an như vậy?

Việc tặng quà nhau vì tình cảm, hay vì sự biết ơn nào đó là điều chúng ta thường thấy trong xã hội. Bác sĩ chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho bệnh nhân, hay thầy cô giáo dạy dỗ con em mình trở thành con ngoan trò giỏi… Từ đó, người ta tặng nhau những món quà giản dị thể hiện tình cảm thiêng liêng, thể hiện sự biết ơn rất trong sáng.

Nhưng hiện nay không ít trường hợp người ta tặng nhau những món quà giá trị, không chỉ dừng lại ở góc độ tình cảm, mà cái chính xuất phát từ yếu tố vụ lợi. Những món quà tặng giá trị tiền tỷ như vậy chính là hối lộ trá hình. Họ tặng quà như thế, không loại trừ mục đích để được “lại quả” những dự án lớn, hoặc được thăng tiến trong thời gian tới, hoặc để thoát khỏi tội danh nào đó…

Không chỉ ở Cao Bằng, mà thời gian qua tôi còn được nghe nhiều thông tin về những món quà tặng tiền tỷ khác. Đó chính là hối lộ trá hình dưới danh nghĩa quà tặng và chúng ta cần phải hết sức lên án. Bởi ẩn sau cái được gọi là tình cảm đó chính là những toan tính về lợi ích to lớn hơn nhiều so với món quà tặng giá trị đó.

Vậy theo ông ngoài đơn vị được nhận quà, Cao Bằng có nên công khai danh tính cũng như động cơ, mục đích nếu có của chính doanh nghiệp tặng quà?

Rất nên công bố công khai danh tính của cả người tặng quà và người được tặng quà. Bởi điều đó chỉ có lợi và cũng thể hiện sự công khai minh bạch, xem quà tặng ô tô đó có trong sáng, thực chất không hay nhằm mục đích vụ lợi như tôi vừa đề cập.

Thậm chí trong trường hợp tặng quà không trong sáng thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ. Không chỉ ở cấp tỉnh mà cấp trên của tỉnh là Thanh tra Chính phủ, hoặc thanh tra chuyên ngành như Thanh tra Bộ TN&MT, Thanh tra Bộ Công an, rồi Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng phải vào cuộc nếu những người nhận quà thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.


photo-1

Ông Lê Như Tiến

"Cần công khai danh tính của cả người tặng quà và người được tặng quà, xem quà tặng ô tô đó có trong sáng không hay nhằm mục đích vụ lợi. Trường hợp doanh nghiệp tặng quà không trong sáng thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ. Thậm chí cần phải thanh tra xem trước đây họ đã được nhận những đặc quyền, đặc lợi gì? Ví dụ như nhận được dự án lớn từ chỉ định thầu mà không phải qua đấu thầu, hay có ban phát quyền lợi, đặc ân gì không?". Ông Lê Như Tiến

Theo tôi, cần thanh tra cả quá trình xem họ đã được nhận những đặc quyền, đặc lợi gì? Ví dụ như nhận được dự án lớn từ chỉ định thầu mà không phải qua đấu thầu, hay có ban phát quyền lợi, đặc ân gì cho doanh nghiệp đó không? Rất nhiều cơ quan cần phải vào cuộc, xem xét cho thấu đáo. Chúng ta giăng mắc rất nhiều cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, rồi cơ quan giám sát mà tại sao lại để lọt những hành vi đó?

Bị lộ mới trả lại quà tặng

Nhìn một cách công bằng, chúng ta cũng cần phải phân biệt giữa việc được nhận quà tặng nhưng trả lại ngay với việc ỉm đi, hoặc chỉ khi bị phát giác mới trả lại?

Điều đó đúng. Như Thanh tra Chính phủ thống kê, trong năm qua đã có 9 trường hợp nộp lại quà tặng, điều đó đáng hoan nghênh. Còn trường hợp ở Cao Bằng, tôi cũng được thông tin, đơn vị đó đã trả lại quà tặng. Nhưng việc trả lại cũng phải được xét trên cả hai góc độ.

Ngay sau khi người ta được tặng quà thì tự giác mời cơ quan chức năng đến trả lại ngay lập tức, đó chính là sự trả lại một cách trong sáng, vô tư; còn nhận quà rồi mà đến khi bị phát hiện, thông tin đại chúng nêu ra, sử dụng rồi sau vài năm mới trả, đó chính là hành vi nhận quà tặng đã hoàn thành.

Trong trường hợp này không được coi là trả lại một cách trong sáng mà bị buộc phải trả lại, vì nếu không hệ lụy sẽ rất lớn. Những trường hợp này cần phải xử lý nghiêm, bởi rất có thể không chỉ ở Cao Bằng mà một số nơi, một số người đã nhận quà tặng, rồi sử dụng trong một thời gian dài mới trả lại do bị bại lộ, nhận quà không thành.

Kể cả trong trường hợp cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về việc nhận quà trái quy định. Đã xử lý nghiêm thì không có vùng cấm, cũng không có hạ cánh an toàn.

Từ thực tế trên cho thấy cần phải có cơ chế nào đó để giám sát việc tặng quà và nhận quà, để ngăn chặn động cơ hối lộ trá hình này, thưa ông?

Có lẽ, những vụ việc vừa qua bị phát hiện cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm rất lớn mà chúng ta chưa phát hiện ra. Luật Phòng chống tham nhũng đã có quy định rất cụ thể về việc này. Không phải chúng ta không có văn bản quy định, mà cái chính là các văn bản đó có được thực hiện một cách nghiêm minh không. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra và giám sát phải vào cuộc rốt ráo hơn. Nếu cứ nói xử lý nghiêm minh nhưng lại không vào cuộc thì sẽ không phát hiện ra.

Vừa rồi một số vụ việc phát hiện ra có khi lại không phải từ cơ quan nhà nước mà do xã hội, do nhân dân, do các cơ quan báo chí truyền thông phanh phui. Điều nhức nhối và lo lắng ở chỗ cơ quan công quyền lại không phát hiện ra, hoặc phát hiện nhưng không thông báo, làm rõ mà lại bao che. Để răn đe, ngăn chặn thực trạng hối lộ trá hình này, khi có thông tin rồi phải xử lý rất nghiêm minh, không chỉ thu hồi mà cần làm rõ trách nhiệm của cả người đưa và người nhận quà tặng.

Cảm ơn ông.

Theo Thành Nam

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên