MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu giám đốc sản xuất Grab chia sẻ kinh nghiệm "xương máu" thời đi làm: Đừng đặt mình làm trung tâm, vấn đề của bạn không phải vấn đề quan trọng nhất!

15-11-2019 - 20:19 PM | Sống

Người trẻ có năng lượng, nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm và kỹ năng là hoàn toàn bình thường. Quan trọng bạn có dám bỏ cái tôi sang một bên để dám nhận góp ý, tự thay đổi và hoàn thiện kỹ năng của mình.

Sinh viên có nhiệt huyết, có năng lượng nhưng cái họ thiếu là kinh nghiệm và kỹ năng phải sau nhiều năm thực hành mới nhận ra được. Sau mỗi lần làm sai, mỗi lần thay đổi công ty là một lần người trẻ trưởng thành. Không chỉ tự mình trải nghiệm, nhiều người thường học hỏi kinh nghiệm của người đi trước vì không chỉ tự tạo cho mình bài học mà bạn còn tránh được những tình huống khó xử tương tự xảy đến.

Mới đây, trên trang cá nhân của tác giả Nguyễn Hoàng Long, anh đã chia sẻ những ý kiến rất thật về những thiếu xót thời đi làm mà người trẻ nào đi làm cũng dễ mắc phải. Là cựu giám đốc sản xuất của Grab và hiện là Tư vấn chiến lược cho Real Clothes, anh đã tâm sự ba bài học "xương máu" của mình: Nhất định phải báo cáo vấn đề sớm, hãy mang lại giải pháp chứ đừng đưa ra vấn đề và vấn đề của bạn đôi khi không phải vấn đề quan trọng nhất.

Nguyên văn bài chia sẻ của anh Nguyễn Hoàng Long như sau:

1. Báo cáo sớm, vấn đề là của chung. Nhưng báo cáo muộn, vấn đề là của riêng bạn

Bài học này được sếp đầu tiên của mình tại Accenture nói cho mình, khi mình vào làm việc ngày đầu tiên cho dự án. Nó có nghĩa là khi bạn gặp một vấn đề trong công việc, phải báo cáo cho mọi người biết. Nếu báo cáo sớm, thì vấn đề này là của chung, mọi người phải cùng nhau giải quyết. Nếu để ngâm lâu, báo cáo trễ, thì vấn đề này giờ thuộc của riêng bạn, có hậu quả gì thì bạn phải chịu trách nhiệm.

Chúng ta sẽ luôn gặp vấn đề trong công việc. Đối với ngành System Consulting (tư vấn hệ thống) thì nó có thể là bug, sắp trễ deadline, khách hàng chưa chốt tính năng, tính năng có vấn đề về thiết kế... Khi phát hiện ra, chúng ta sẽ đôi khi có xu hướng suy nghĩ là chúng ta có thể giải quyết được, và tự mình ôm vấn đề này.

Điều này có nhiều tác hại, đặc biệt là cho những bạn mới đi làm, chưa có kinh nghiệm. Thứ nhất, bạn không có kinh nghiệm nên sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề sai. Thứ hai, bạn chưa đủ kiến thức để đưa ra giải pháp, và giải pháp của bạn có khả năng sai rất cao. Thứ ba, vấn đề bạn đang gặp phải có thể gây ảnh hưởng đến người khác, mà họ chưa biết điều này, cần cho họ thời gian để đánh giá.

Việc báo cáo vấn đề là tối quan trọng để bạn có thể nhận được sự hỗ trợ từ sếp và đồng nghiệp, cũng như thông báo cho các bên liên quan biết mà đánh giá tình hình. Đừng nghĩ việc báo cáo một vấn đề là yếu đuối, hay phản ánh xấu đến khả năng của bạn.

Chuyện này thường hay xảy ra đối với những nhân viên đang làm việc quá nhiều. Họ ôm việc, và cảm thấy đuối sức. Nhưng họ không đưa vấn đề này ra để thảo luận với sếp mình, và chỉ đợi khi đuối đến mức không chịu nổi rồi mới bung. Thế thì vấn đề này có phải là do sếp bạn không quan tâm, hay bạn báo cáo vấn đề quá trễ? Việc báo cáo vấn dề thể hiện bạn không quá tự tin vào khả năng của mình, và biết tìm kiếm sự giúp đỡ hợp lý và cũng cho người khác cơ hội giải quyết vấn đề của bạn.

Cựu giám đốc sản xuất Grab chia sẻ kinh nghiệm xương máu thời đi làm: Đừng đặt mình làm trung tâm, vấn đề của bạn không phải vấn đề quan trọng nhất! - Ảnh 1.

2. Hãy mang lại giải pháp, đừng chỉ đưa ra vấn đề

Sau khi làm việc cho nhóm đầu tiên được vài tháng thì mình chuyển sang một team khác làm trợ lý cho một chú quản lý cấp cao. Có một ngày mình đang ngồi làm kế hoạch chung với chú và có một anh tư vấn viên bước vào. Anh nói với chú: "Có vấn đề abcd…cần giải quyết". Chú quay qua lanh lùng bảo "Cậu là tư vấn viên. Hãy mang lại giải pháp, đừng chỉ đưa ra vấn đề". Sau đó quay qua bàn kế hoạch tiếp với mình, không thèm quan tâm anh kia đang đứng đó.

Chú đó muốn một khi mình có kiến thức kinh nghiệm nhiều hơn rồi, thì khi gặp vấn đề, cần phải chuẩn bị sẵn luôn giải pháp, mà thường là phải 2 - 3 lựa chọn. Sau đó khi vào gặp chú, thì thông báo là có vấn đề abcd, chúng ta có thể giải quyết bằng cách này, sẽ có những lợi điểm này, và hại chỗ này. Hoặc cách này, có lợi điểm như thế này nhưng hại chỗ kia. Sau đó, chú sẽ giúp mình chọn giải pháp đồng thời hướng dẫn tại sao giải pháp đó được chọn.

Bài học này được mình áp dụng ngay luôn từ đó. Trước khi gặp sếp, mình đã chuẩn bị trong đầu các hướng giải pháp rồi. Ban đầu nó sai nhiều hơn đúng, nhưng chuyện sai đúng không phải là vấn đề ở đây. Bạn đã chuẩn bị, và sếp của bạn sẽ cảm kích bạn vì chuyện đó. Bạn đang nghĩ giùm cho sếp và cho công ty. Càng suy nghĩ nhiều về giải pháp, đầu óc của bạn càng sắc bén hơn, và giải pháp bạn đưa ra sẽ ngày càng chính xác.

Cựu giám đốc sản xuất Grab chia sẻ kinh nghiệm xương máu thời đi làm: Đừng đặt mình làm trung tâm, vấn đề của bạn không phải vấn đề quan trọng nhất! - Ảnh 2.

3. Vấn đề của bạn không phải vấn đề quan trọng nhất

Lúc vào làm Grab, mình thấy Grab có rất nhiều vấn đề, về sản phẩm, về quy trình, về tổ chức. Mình chỉ ra rất nhiều vấn đề và đưa ra rất nhiều giải pháp cho các vấn đề. Tuy nhiên, các đề xuất của mình bị từ chối. Có một giai đoạn mình cảm thấy môi trường làm việc tại Grab không tốt.

Tuy nhiên, mình có cơ hội tham dự một cuộc họp có quản lý của các nước họp, cùng với co-founders, và nhiều heads khác. Trong cuộc họp đó, mình chỉ lắng nghe, chứ cũng không có cơ hội nói. Có rất nhiều vấn đề được đem ra bàn luận, từ việc liên quan đến chính sách của các chính phủ với việc đặt xe qua app, đến các bước phát triển lâu dài, rồi kế hoạch từ nhà đầu tư.

Sau cuộc họp đó, mình mới nhận ra. Không phải mọi người không biết tới các vấn đề mình nêu ra, và cũng không phải họ không muốn triển khai các giải pháp để xử lý vấn đề. Chỉ là có quá nhiều vấn đề quan trọng hơn vấn đề mình đang có.

Chúng ta rất hay bị dính phải điều này. Chúng ta nghĩ vấn đề của chính mình là quan trọng nhất, và nó phải được giải quyết ngay. Nhưng trong một công ty lớn, luôn có nhiều vấn đề cần giải quyết. Nếu đề xuất của chúng ta chưa được đáp ứng, thì hãy thử tìm hiểu xem công ty đang gặp vấn đề gì khác, quan trọng hơn, và hãy tạm gác những vấn đề mình có, để suy nghĩ về vấn đề mà công ty đang cho là quan trọng hơn.

Việc này sẽ giúp chúng ta bớt có suy nghĩ tiêu cực về sếp, về công ty. Ít ra nó giúp mình cảm thấy thông cảm hơn cho co-founders của Grab. Họ có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, hãy giúp họ giải quyết vấn đề mà họ đang cảm thấy cần thiết nhất. Khi chúng ta giúp công ty giải quyết những vấn đề quan trọng nhất đối với công ty, thì giá trị của chúng ta cũng tăng lên rất nhiều lần.

Hãy luôn nhớ, chúng ta được mướn vào là để giúp công ty giải quyết vấn đề, chứ không phải để công ty phải giải quyết các vấn đề của chúng ta.

Cựu giám đốc sản xuất Grab chia sẻ kinh nghiệm xương máu thời đi làm: Đừng đặt mình làm trung tâm, vấn đề của bạn không phải vấn đề quan trọng nhất! - Ảnh 3.

Theo Vân Trang

Trí thức trẻ

Trở lên trên