MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu giám đốc về hưu bất ngờ phải đi khám tâm thần: Chuyên gia hé lộ lý do

16-06-2024 - 07:55 AM | Sống

Đó là câu chuyện của ông Huân (*). Sau khi nghỉ hưu, ông thấy mình bỗng trở thành người "vô dụng" trong gia đình.

Cựu giám đốc phải đi khám vì lý do này

Trước đó, ông Huân là cựu giám đốc của một tổng công ty lớn có tiếng. Lúc còn đương chức, thời gian trong ngày của ông chủ yếu dành cho công việc. Thú vui duy nhất của ông chính là được cống hiến cho công việc, đưa tiền cho vợ nuôi con.

Hiện giờ các con ông đều có công ăn việc làm ổn định, thành đạt. Do trước đó chỉ tập trung vào công việc nên khi nghỉ hưu, ông cũng khó gần gũi với các con. Do chênh lệch về độ tuổi và suy nghĩ nên ông Huân cũng không thể nói chuyện được cùng với các cháu.

Từ khi về hưu, ông Huân cảm thấy một ngày kéo dài hơn. Không phải làm việc cả ngày nên ông chỉ quanh quẩn ở nhà. Trong thời gian đó, vợ ông Huân vẫn đi làm. Một mình ở trong căn nhà rộng khiến ông Huân cảm thấy buồn chán.

Cựu giám đốc về hưu bất ngờ phải đi khám tâm thần: Chuyên gia hé lộ lý do- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Từ khi nghỉ hưu, ông Huân cảm thấy lời nói của mình không còn được vợ và con coi trọng. Ông nghĩ mình là kẻ vô dụng trong gia đình, bị vợ con coi thường.

Điều này khiến ông mất ngủ thường xuyên. Đã có những lần ông phải dùng tới thuốc ngủ mới ngủ được. Mất ngủ khiến ông Huân cảm thấy mệt mỏi nên ông đã đi khám để tìm nguyên nhân. Kết quả, ông Huân được bác sĩ chẩn đoán trầm cảm, rối loại lo âu.

Người nghỉ hưu dễ gặp các vấn đề tâm lý

Bác sĩ nội trú Vũ Thu Thủy, khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E) cho hay, sau tuổi 60, nam giới sẽ bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Thực tế, một số trường hợp bệnh nhân sẽ dễ gặp vấn đề tâm lý khi nghỉ hưu, đặc biệt là với những người trước đó làm việc với nhịp độ cao, giữ chức vụ to hoặc chỉ chú tâm tới công việc và không tham gia các hoạt động khác. Việc nghỉ hưu đột ngột có thể khiến bệnh nhân dễ bị rối loạn về giấc ngủ, lo âu, trầm cảm như trường hợp của ông Huân.

Theo bác sĩ Thủy, với một số người có vợ mất sớm thì khi nghỉ hưu, họ sẽ không có người bầu bạn, chia sẻ, thông cảm. Điều này cũng khiến họ dễ mắc rối loạn trầm cảm hơn.

Ngoài ra, bác sĩ Thủy cũng đã gặp trường hợp bệnh nhân nam bị buồn chán, mất ngủ, rối loạn trầm cảm do từ khi nghỉ hưu thường xuyên bị vợ chỉ trích vì không làm việc nhà.

Đa phần các trường hợp người nghỉ hưu khi đi khám sức khỏe tâm thần đều là do mất ngủ. Để biết rõ nguyên nhân gốc rễ gây bệnh, bác sĩ cần phải khám chuyên sâu, trò chuyện nhiều hơn với bệnh nhân. Nếu được chẩn đoán mắc trầm cảm, bệnh nhân sẽ được tư vấn tâm lý, điều trị bằng liệu pháp hành vi và dùng thuốc.

Theo bác sĩ Thủy, vấn đề tâm lý lớn nhất ở người lớn tuổi thường là nỗi sợ cô đơn, bị con cái bỏ bê, không có người chăm sóc…

Do đó, đối với người sắp bước vào độ tuổi nghỉ hưu, bác sĩ Thủy khuyên mọi người nên tìm sẵn cho bản thân các hoạt động để thay thế cho thời gian làm việc trước đây, ví dụ như: dành thời gian chơi với cháu, tham gia các hoạt động của hội người cao tuổi…

Cuối cùng, bác sĩ Thủy khuyến cáo, sau khi nghỉ hưu nếu mọi người gặp các vấn đề mất ngủ nên đi khám sớm để được bác sĩ thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra cách điều trị kịp thời.

(*): Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo Ngọc Minh

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên