MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu sĩ quan hải quân kiêm quản lý cấp cao của Goldman Sachs tiết lộ 3 nguyên tắc lãnh đạo trong môi trường cạnh tranh: Gian khổ chính là người thầy tuyệt vời nhất

27-11-2020 - 00:00 AM | Sống

Cách tốt nhất để thăng tiến trong sự nghiệp là nhìn về phía sau và giúp đỡ các nhân viên cấp dưới, thay vì chỉ mải mê hướng về phía trước.

Wes Slagle (40 tuổi) là quản lý khu vực cho Goldman Sach, thuộc đơn vị Quản lý Tài sản Cá nhân. Ông cho biết công việc của mình “khá là đòi hỏi”. Tuy nhiên, thời gian phục vụ trong Hải quân Mỹ với vai trò là sĩ quan tàu ngầm hạt nhân đã giúp Slagle rất nhiều trong công việc sau này.

“Tôi đã học được nhiều từ trường đời đầy rẫy khó khăn. Đôi khi, đó là những người giáo viên tốt nhất”, ông nói. 

Slagle cho biết, công việc dưới tàu ngầm hạt nhân ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống cá nhân của mình, bởi anh thường xuyên phải đi xa. Tuy nhiên, đây cũng là “một cơ hội lãnh đạo tuyệt vời”.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ năm 2002, Slagle đã dành 5 năm làm sĩ quan, 3 trong số đó là ở trên tàu ngầm hạt nhân USS Helena.

Cựu sĩ quan hải quân kiêm quản lý cấp cao của Goldman Sachs tiết lộ 3 nguyên tắc lãnh đạo trong môi trường cạnh tranh: Gian khổ chính là người thầy tuyệt vời nhất  - Ảnh 1.

Wes Slagle khi còn phục vụ trong quân ngũ

“Khi còn rất trẻ, tôi đã được giao trọng trách làm việc với lò phản ứng hạt nhân”, ông nói.

“Bất cứ khi nào tới lượt đứng gác, tôi sẽ ở trên boong. Tôi là người quan sát qua kính tiềm vọng, hoặc ở trên cầu điều hướng con tàu, cố giữ an toàn cho 160 con người trong khi hoàn thành nhiệm vụ quan trọng đối với an ninh quốc gia”.

Theo Slagle, môi trường làm việc tại Goldman Sachs không giống như trong tàu ngầm, nhưng cũng đem lại nhiều áp lực và sự cạnh tranh, bởi đây là một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới.

“Chúng tôi phải làm việc với các khách hàng phức tạp và khó tính”, Slagle miêu tả. “Đây là một thị trường đầy tính cạnh tranh nên dĩ nhiên sẽ có áp lực”.

Tuy nhiên, những bài học về nghệ thuật lãnh đạo mà Slagle tiếp thu được trong quân ngũ đã giúp ông thành công với nghề nghiệp mới.

Cựu sĩ quan hải quân kiêm quản lý cấp cao của Goldman Sachs tiết lộ 3 nguyên tắc lãnh đạo trong môi trường cạnh tranh: Gian khổ chính là người thầy tuyệt vời nhất  - Ảnh 2.

Wes Slagle - quản lý khu vực cho Goldman Sach, thuộc đơn vị Quản lý Tài sản Cá nhân

“Không ai làm việc một mình”

Slagle cho biết, làm việc nhóm là một trong những kỹ năng quan trọng nhất bạn nên phát triển, dù làm việc trên tàu ngầm hay muốn thăng tiến trong ngành tài chính.

“Kể cả khi sĩ quan chỉ huy của bạn dũng cảm và truyền cảm hứng đến đâu, người đó cũng không đủ sức để làm mọi công việc cần thiết giúp tàu ngầm hoạt động và hoàn thành nhiệm vụ”, ông nói. 

Công việc đòi hỏi toàn đội phải bắt tay vào làm; mỗi người đảm trách một phần của nhiệm vụ - giống như bất kỳ công việc văn phòng nào khác. 

Theo Slagle, tại Goldman Sachs, nếu có ai cố gắng “tự mình làm tất cả” thì “sẽ chẳng thể nào phục vụ khách hàng tốt như họ đáng được hưởng”.

“Không gì bằng làm việc chăm chỉ”

Slagle cho biết, Hải quân dạy về giá trị của lao động siêng năng từ rất sớm. Các sĩ quan sẽ không được nghỉ ngơi cho đến khi nhiệm vụ hoàn thành. 

“Bạn buộc phải tập trung và làm việc cật lực mà không được nghỉ ngơi nhiều”, ông nói. 

Vị quản lý này cũng chia sẻ, để thu hút khách hàng mới hoặc giữ chân khách hàng cũ, tất cả các nhân viên của ông phải làm việc hết mình “như thể mỗi ngày là một trận đấu quan trọng”. 

“Họ chẳng có nhiều thời gian cho các mối quan hệ”, ông nói.

Cựu sĩ quan hải quân kiêm quản lý cấp cao của Goldman Sachs tiết lộ 3 nguyên tắc lãnh đạo trong môi trường cạnh tranh: Gian khổ chính là người thầy tuyệt vời nhất  - Ảnh 3.

“Có ý thức tập thể về trách nhiệm”

Theo Slagle, một môi trường làm việc tốt và thành công là nơi “có ý thức tập thể về trách nhiệm”.

Dù ở dưới tàu ngầm hay trong phòng họp, bạn đều phải yêu cầu đồng nghiệp giữ tiêu chuẩn cao, dù chức vụ và địa vị của bạn là gì, và ngược lại.

Chẳng hạn, tại Goldman Sachs, không có “nhân viên nào quá thấp bé để tạo ra sự thay đổi, hay nhân viên nào quá giỏi đến mức không thể học hỏi thêm từ những điều mà nhân viên cấp thấp mang lại”.

Vị lãnh đạo này luôn cố gắng để củng cố triết lý này với nhân viên của mình, nhằm đảm bảo rằng mọi người có thể đóng góp và được lắng nghe. 

Trên thực tế, nếu muốn thăng tiến trong công việc, nhân viên không nên quá tập trung vào việc lấy lòng sếp. Thay vào đó, họ nên chú ý tới đồng nghiệp đang làm cùng và học hỏi nghệ thuật lãnh đạo từ sếp mình.

“Vào thời điểm nào trong sự nghiệp, dù đang trong Hải quân hay làm việc cho Goldman Sachs, tôi đều nhận ra một điều: Càng dành nhiều thời gian, công sức, sự chú ý cho cấp dưới và giúp họ đạt tới trình độ như tôi, hoặc đơn giản là giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp, công việc sẽ trôi chảy hơn nhiều”, ông nói. 

Vì thế, Slagle khuyên những người làm lãnh đạo nên “nhìn ra phía sau” mình thay vì chỉ mải tiến về phía trước, để có thể giúp đỡ những người kém hơn. Bằng cách này, tập thể không những làm việc tốt hơn, mà bản thân họ cũng sẽ được cấp cao hơn chú ý.

(Theo CNBC)

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên