Cựu thí sinh Olympia từng bị loại tiếc nuối nhưng giờ có sự nghiệp "xịn": Tới Nhật và hành trình xách balo lên Tokyo để thành công
Có thể nói, hành trình của Tuấn ở Nhật Bản là một câu chuyện điển hình về "dám đam mê, dám rực rỡ".
- 01-12-2023Cuộc sống của quán quân "kín tiếng nhất" Đường lên đỉnh Olympia giờ ra sao?
- 27-11-2023Olympia năm thứ 24 diễn ra chưa lâu nhưng netizen đã liên tục "truy tim" bởi loạt thí sinh nhan sắc như idol Hàn!
- 18-11-2023Thí sinh Olympia không giành vòng nguyệt quế năm nhưng có sự nghiệp thành công: Học ở Stanford, làm Giám đốc cấp cao ở Mỹ
24 năm trước, chương trình Đường lên đỉnh Olympia lên sóng số đầu tiên. Đây quả thực là sân chơi tri thức chính hiệu cho những học sinh THPT tài năng trên khắp cả nước. Bất kể có giành được vòng nguyệt quế hay không thì với việc tham gia chương trình, nhiều người cũng tin chắc các thí sinh sẽ có cuộc sống thành công sau này.
Xuất hiện trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia mùa thứ 7, Nguyễn Hải Anh Tuấn (sinh năm 1989, cựu học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh, Đắk Nông) đã xuất sắc giành được vòng nguyệt quế cuộc thi tuần và tháng, nhưng không may dừng chân ở vòng thi Quý.
Hiện nay, Anh Tuấn có cho mình sự nghiệp tương đối thành công ở Nhật Bản. Dẫu vậy từ sâu bên trong, anh vẫn luôn hướng về quê nhà, mong muốn lan tỏa những giá trị tích cực đến các bạn trẻ. Hãy đề cử cho Nguyễn Hải Anh Tuấn tại cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 sẽ được mở vào ngày 18/12/2023.
Lựa chọn du học Nhật Bản
Tham gia vào Đường lên đỉnh Olympia , phần lớn thí sinh đều là những cô cậu học trò đã có thành tích nhất định trong học tập và bước ra từ chương trình, họ cũng tiếp tục chinh phục được nhiều thành công mới. Anh Tuấn không phải ngoại lệ. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh đã thi đỗ và theo học tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM). Với thành tích học tập tốt, anh còn được chọn vào lớp kỹ sư tài năng.
Đến năm 2 đại học, Tuấn thành công nhận được Học bổng của Chính phủ Nhật Bản (MEXT Scholarship). Nam sinh 20 tuổi khi ấy quyết định chia tay Bách Khoa để bắt đầu hành trình “xuất ngoại” của mình.
Thật ra, ban đầu Anh Tuấn không nghĩ mình sẽ đi du học Nhật Bản mà Singapore và Australia mới mà điểm đến mà cựu thí sinh Olympia hướng tới. Bởi lẽ lúc đấy, anh chỉ biết tiếng Anh chứ một chữ bẻ đôi tiếng Nhật cũng không biết. Tuy nhiên, kết quả Học bổng du học Nhật lại có trước, hơn nữa nó còn là học bổng toàn phần 100%. Vậy nên, Anh Tuấn đã “quay xe” chọn học ở đất nước mặt trời mọc.
“Mình có 1 năm học tiếng Nhật tại Đại học Osaka, sau đó thi vào khoa Khoa học máy tính tại Đại học Kumamoto, một trường Công lập ở phía nam Nhật Bản. Trong suốt quá trình đó cho đến lúc tốt nghiệp thì mình đều may mắn nhận Học bổng Toàn phần của Nhật Bản” , Anh Tuấn kể lại.
Về sự nghiệp học hành, Anh Tuấn nói việc không giành chiến thắng tại Olympia cũng là một trong những lý do thúc đẩy anh nỗ lực hơn rất nhiều:
“Trong giai đoạn học sinh, mình tham gia khá nhiều cuộc thi từ cấp Khu vực đến cấp Quốc gia khác nữa, và cũng đều chưa một lần nào giành thứ hạng số một. Đầu tiên cũng có chút nuối tiếc cho rằng mình ‘kém may mắn’, nhưng rồi sau đó mình cũng đã bắt đầu nhận ra bản thân chỉ là hạt cát trong sa mạc. Ngoài kia còn rất nhiều cao thủ giỏi giang hơn mình nhiều lần”.
Những biến cố đột ngột xảy đến…
2 năm đầu trong hành trình du học Nhật, mọi thứ với Anh Tuấn trôi qua khá êm đềm. Tuy nhiên, khoảng từ năm thứ 3 trở đi, nhiều vấn đề tiêu ập đến khiến Tuấn rơi vào trạng thái trầm cảm. Nhớ nhà, cô đơn ít bạn bè, áp lực thành tích cao, môi trường không hợp… đã thế đúng lúc đó, gia đình ở quê nhà báo tin bố ruột của Anh Tuấn bị bệnh, gia đình anh lại thêm gánh nặng kinh tế…
Cũng kể từ thời điểm đó, anh chợt nhận ra mình không còn là một chàng sinh viên được phép mơ mộng nữa, mà sẽ là người gánh vác mọi việc thay bố. Anh không được phép yếu đuối, càng không thể để mọi người lo lắng về mình được. Về khoản học thí thì Tuấn không quá lo vì đã có học bổng. Nhưng dẫu sao thì vẫn cần phải trang trải cuộc sống thường nhật ở Nhật nữa, nên anh đã bắt đầu đi làm thêm part-time.
Khi tiếng chuông giảng đường kết thúc cũng lúc chàng du học sinh Việt tất tả chạy đi làm. Có giai đoạn Tuấn thử mọi loại công việc có thể, từ đứng làm xưởng cơm xuyên đêm, ngồi bọc dán và đóng gói gậy Golf, cho đến ngồi bàn giấy nhập liệu nhàm chán... để tích lũy thêm thu nhập. May sao, Anh Tuấn vẫn vượt qua khoảng thời gian đó đến khi tốt nghiệp trường Đại học Kumamoto.
Sau khi tốt nghiệp đại học, điều mà anh khao khát nhất đó chính là lên Tokyo để sinh sống và lập nghiệp.
Anh Tuấn giải thích: “Nó giống như ở Việt Nam, các bạn trẻ ở quê quyết tâm lên TP.HCM hay Hà Nội vậy. Và thực ra sau biến cố tinh thần kia, mình đã tự vạch ra kế hoạch sẽ phải lên Tokyo để tạo ra bước ngoặt cho cuộc sống sau này của mình. Mình cũng đã tính đến trường hợp không có đột phá gì thì sẽ phải lập tức chọn hướng khác, một là về Việt Nam, hai là đi nước khác”.
Sau tất cả, nỗ lực của anh đã được đền đáp.
Lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng
Trước đó, Anh Tuấn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện khởi nghiệp hay kinh doanh bất kỳ thứ gì cả. Tuy nhiên, đến năm 2019, ngay trước khi bước qua tuổi 30, cựu thí sinh Olympia đã quyết định làm “một cái gì đó” cho riêng mình.
“Học về chuyên ngành là IT, tuy nhiên bản thân mình từ nhỏ đã được bố dạy về nhạc lý vì bố mình là giáo viên dạy nhạc. Hơn nữa, mình cũng có một chút kỹ năng vẽ bẩm sinh. Đến khoảng thời gian cấp 3 khi máy tính bắt đầu phổ cập ở Việt Nam, bên cạnh các phần mềm lập trình, thì mình cũng mày mò thêm về phần mềm thiết kế, phần mềm thu âm.
Sau khi sang Nhật, thì nhờ biết mấy kỹ năng vụn vặt đấy mà mình cũng có duyên với những công việc freelance trong mảng sản xuất nội dung, rồi social marketing. Cứ thế cứ thế, từ freelance đến việc tiếp xúc với những dự án lớn”, cựu thí sinh Olympia tâm sự.
Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy hết thế mạnh, tiềm năng mà bản thân sẵn có - là điều mà Anh Tuấn đắn đo mãi. Với kỹ năng về IT, cùng với đó là kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Marketing, truyền thông, anh đã quyết định thành lập lên TAIHEN Network - một công ty Truyền thông Quảng cáo của người Việt Nam tại Nhật Bản. Thông qua đứa con tinh thần này, anh Tuấn muốn “kết nối Nhật Bản và Việt Nam thông qua truyền thông và công nghệ”. Ngoài ra, công ty của Anh Tuấn cũng thường xuyên tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật.
“Người đi lên từ con số 0”, tự mình khởi nghiệp một công ty ở xứ người… là những điều mọi người không khỏi trầm trồ khi nhắc đến Anh Tuấn. Dẫu vậy, cựu thí sinh Olympia thừa nhận để đạt được thành công nho nhỏ như hiện nay, anh đã phải đánh đổi rất nhiều:
“Khi bắt đầu khởi nghiệp, mình phải đánh đổi rất nhiều, nói thẳng ra là nhiều lúc mất trắng luôn. Vừa mất tiền, mất thời gian,mất đi cả những mối quan hệ chất lượng. Trước khi lập công ty , mình cũng làm nhiều thứ khác nhưng cũng thất bại nhiều. Khi đã dám làm, thì phải dám chấp nhận thôi”.
“Các bạn trẻ Việt giờ giỏi hơn mình rất nhiều”
Theo dõi những “hậu bối” tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia ở các mùa sau, cùng với đó trải qua quá trình quan sát các bạn trẻ Việt xung quanh, anh Tuấn nhận xét Gen Z Việt được đánh giá cao ở tinh thần học hỏi, cộng thêm khả năng thích ứng khá tốt với hoàn cảnh, dù là khó khăn đến đâu.
Thêm nữa là nước ta đang ở giai đoạn “dân số vàng”, số lượng người trẻ rất đông, lợi thế hơn rất nhiều so với các nước như Nhật Bản đang đi vào giai đoạn “dân số già”. Anh Tuấn hài hước chia sẻ: “Có thể nói, điểm mạnh của giới trẻ Việt Nam mình đang là kiểu ‘vừa đông vừa khỏe’, vậy nên hãy luôn tận dụng lợi thế này” .
Khi được đề nghị đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ, anh Tuấn chia sẻ Gen Z hiện tại giỏi hơn anh rất nhiều, nên anh không dám nhận xét hay đưa ra lời khuyên gì. Nhưng với tư cách là người đi trước, anh Tuấn mong các bạn trẻ nhân lúc còn trẻ hãy tìm cho mình một cơ hội đi ra thế giới, ngắn ngày thôi cũng được.
Việc tiếp xúc với nền văn hóa khác, đặc biệt là về mặt công việc sẽ giúp các bạn mở mang đầu óc. Thế giới ngoài kia thật sự rộng lớn, mình chỉ là một hạt cát giữa sa mạc, vậy nên phải cố gắng hơn mỗi ngày. Ngoài anh, cựu thí sinh Olympia cũng khuyên các bạn trẻ hãy luôn thúc đẩy bản thân cố gắng hơn mỗi ngày, bắt nhịp được sự thay đổi của thế giới.
Trong tương lai, Anh Tuấn sẽ trở về Việt Nam. Bản thân TAIHEN Network mà anh đang xây dựng cũng đang và sẽ có khá nhiều kế hoạch phải thực hiện ở Việt Nam. Và kể cả không có đứa con tinh thần này, thì Anh Tuấn cũng sẽ “khăn gói” về nước ở một thời điểm nào đấy.
Cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 sẽ chính thức mở từ ngày 18/12/2023 tại website: wechoice.vn . Hãy gửi đến chúng tôi những nhân vật, những câu chuyện mang đậm tinh thần dám sống vì đam mê - dám cháy rực rỡ với khát vọng của mình.
WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ý nghĩa với cộng đồng.
Mùa thứ 8 với chủ đề "Dám đam mê, Dám rực rỡ", WeChoice Awards 2023 vẫn sẽ là nơi tìm kiếm và lan tỏa những nguồn cảm hứng tích cực thông qua hệ thống giải thưởng đa dạng, đặc biệt là giải thưởng quan trọng nhất: Nhân vật Truyền cảm hứng, bao gồm 10 Nhân vật Truyền cảm hứng và 5 Đại sứ Truyền cảm hứng.
10 Nhân vật Truyền cảm hứng do cộng đồng độc giả bình chọn dựa trên các đề cử gửi đến cổng đề cử của WeChoice Awards 2023, thông qua website wechoice.vn.
5 Đại sứ Truyền cảm hứng là hạng mục duy nhất hoàn toàn do Hội đồng thẩm định - gồm những nhân vật có uy tín xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau bình chọn.
Phụ nữ mới