Cựu thứ trưởng Tài chính Nhật Bản: Đồng yên có thể giảm sâu hơn nữa, rơi xuống 170 yên đổi 1 USD
Cựu thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản, ông Eisuke Sakakibara, tin rằng đồng yên có thể suy yếu hơn nữa và chạm tới mốc 1 USD đổi được 170 yên.
- 13-10-2022Đồng yên rớt giá xuống thấp nhất trong hơn 20 năm
- 09-08-2022Nhiều chỉ báo cho thấy quá trình sụt giảm thê thảm của đồng yên chuẩn bị đến hồi kết
- 22-07-2022Tại sao Nhật Bản từ chối nâng lãi suất dù đồng Yên mất giá kỷ lục?
- 08-07-2022Đồng yên tăng giá. chứng khoán Nhật đảo chiều sau tin cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn ngã gục
Ông Sakakibara còn được biết tới với biệt danh Mr. Yen cho những nỗ lực của mình trong việc tác động tới tỷ giá hối đoái trong giai đoạn cuối những năm 1990. Tuy nhiên, vị chuyên gia hàng đầu này cho rằng đồng yên có thể rơi sâu hơn nữa, tụt xuống mức thấp nhất trong 32 năm.
Trong cuộc trao đổi với CNBC sau khi xuất hiện báo cáo về khả năng Ngân hàng Trung ước Nhật Bản đưa ra động thái can thiệp tỷ giá, ông Sakakibara nói rằng nhiều người đang đồng thuận về việc đồng yên sẽ tiếp tục giảm hơn nữa. Tỷ giá 1 USD đổi 170 yên nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực.
Lần cuối cùng giới chức Nhật Bản công khai xác nhận rằng họ có hành động trực tiếp để bảo vệ tỷ giá đồng yên là vào tháng 9. Thời điểm đó, họ đã chi 2,8 nghìn tỷ yên (19,7 tỷ USD) để ngăn chặn đà giảm mạnh của đồng nội tệ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đồng tiền của Nhật tiếp tục suy yếu và phá vỡ mốc tâm lý quan trọng là 150 yên đổi 1 USD.
Thông tin về khả năng Nhật Bản đưa ra các động thái can thiệp tỷ giá đã giúp đồng yên tăng lên 146 yên đổi 1 USD. Tuần trước, đồng yên rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/1990 khi mà 1 USD đổi được hơn 150 yên.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần can thiệp thứ 2 của Nhật Bản với tỷ giá để bảo vệ đồng tiền của mình. Động thái trước đó được đưa ra cuối tháng 9, khi đồng yên phá vỡ mốc 145 yên đổi 1 USD.
Tuy nhiên, ông Sakakibara cho biết ngay cả khi các nhà chức trách Nhật Bản tiếp tục can thiệp để bảo vệ đồng yên, sẽ không có nhiều tác dụng. “Tôi nghĩ rằng các nhà chức trách biết sự can thiệp như vậy sẽ không hiệu quả”, ông Sakakibara nói.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 25/10, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nói rằng việc ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ và can thiệp ngoại hối không mâu thuẫn với nhau.
Tuy nhiên, đa phần các nhà kinh tế mà Reuters thăm dò đều cho thấy khó có khả năng Nhật Bản thay đổi chính sách tiền tệ ôn hòa của mình trong cuộc họp được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 27/10. Thậm chí, 25 trong số 28 nhà kinh tế được hỏi cho biết Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể duy trì lập trường hiện tại cho đến nửa cuối năm 2023.
Dẫu vậy, ông Sakakibara kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ bắt đầu tăng lãi suất dưới áp lực lạm phát gia tăng “vào cuối năm sau” – sau khi nhiệm kỳ thống đốc ngân hàng trung ương của ông Haruhiko Kuroda kết thúc vào tháng 4/2023.
“Phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong năm tới. Nếu nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, hoàn toàn có khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể tăng lãi suất”, ông Sakakibara nói.
Trong khi đó, Bà Kathy Lien, một chuyên gia về chiến lược ngoại hối, cho biết các động thái can thiệp của Ngân hàng Trung ương và bộ Tài chính Nhật Bản từng nhiều lần không phát huy tác dụng trong quá khứ. Lần duy nhất nỗ lực can thiệp thực sự phát huy tác dụng là khi Nhật Bản phối hợp chung với các nước G7. Việc tăng lãi suất sẽ có hiệu quả hơn trong việc bảo vệ đồng yên.
Tham khảo: CNBC
Nhịp sống Thị trường