Đã bỏ sổ hộ khẩu, người dân cần làm gì nếu chưa có CCCD gắn chip?
Từ ngày 1/1/2023, toàn bộ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy đã không còn giá trị sử dụng trong các giao dịch, thủ tục hành chính theo quy định tại Điều 38 Luật Cư trú và các thủ tục sẽ sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip thay thế. Tuy nhiên, nhiều người vẫn dùng CCCD mã vạch hoặc Chứng minh nhân dân (CMND).
- 10-02-2023Top 5 công việc dễ bị thay thế nhất bởi AI
- 09-02-2023Nếu đang dùng ChatGPT, người dùng cần cẩn thận bị sử dụng thông tin trái phép
- 09-02-2023Sự thật đằng sau thông báo khẩn cấp khi nhận cuộc gọi lạ sẽ bị đánh cắp danh bạ, thẻ ngân hàng
CCCD gắn chip thay thế sổ hộ khẩu như thế nào?
Theo Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú, Sổ hộ khẩu được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022. Như vậy, từ ngày 1/1/2023 sẽ chính thức bỏ Sổ hộ khẩu giấy, việc quản lý thông tin cư trú của người dân sẽ được chuyển sang quản lý hoàn toàn bằng phần mềm công nghệ thông tin hiện đại.
Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP quy định, thẻ CCCD gắn chip là một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú. Vì vậy, sau khi bỏ Sổ hộ khẩu, người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip để làm giấy tờ chứng minh thông tin cư trú thay thế.
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật CCCD năm 2014, CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân. Trên mặt thẻ CCCD thể hiện các thông tin cơ bản về: Ảnh chân dung; Số CCCD chính là số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Giới tính; Ngày, tháng, năm sinh; Quốc tịch; Quê quán; Nơi thường trú; Ngày thẻ hết hạn; Đặc điểm nhân dạng; Vân tay; Ngày cấp thẻ…
Đồng thời, cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sử dụng có thể sử dụng thiết bị đọc thông tin trong con chip trên thẻ CCCD phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… Do vậy, việc sử dụng CCCD gắn chip để thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ giúp quá trình giải quyết các thủ tục hành chính được thuận tiện, dễ dàng hơn.
Nghị định 104/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ CCCD gắn chip có thể thay cho sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023 khi làm các thủ tục sau:
- Vay vốn hỗ trợ việc làm.
- Cấp, cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế.
- Hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
- Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo.
- Miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí.
- Mua bán điện sinh hoạt.
- Thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
- Đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế.
- Đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch.
- Thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng…
Cần làm gì khi chưa có CCCD gắn chip nhưng sổ hộ khẩu đã bị "khai tử"
Theo khoản 4 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP quy định các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm thẻ CCCD, CMND, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, ngoài thẻ CCCD gắn chip, người dân hoàn toàn có thể sử dụng các giấy tờ khác để chứng minh thông tin cư trú thay Sổ hộ khẩu như CMND còn hiệu lực hay Giấy xác nhận thông tin về cư trú…
Vì vậy, đối với những công dân chưa có thẻ CCCD hoặc không kịp làm thẻ CCCD trước ngày bỏ Sổ hộ khẩu giấy vẫn có thể thực hiện các thủ tục hành chính bằng các giấy tờ khác như đã nêu ở trên. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính còn có thể khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng một trong các phương thức sau:
- Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
- Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID.
- Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như thiết bị đọc mã QRCode.
- Các phương thức khai thác khác.
Trí thức trẻ