MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã đánh mất 20-30% thị giá, các cổ phiếu dầu khí có gì để kỳ vọng trong năm 2018?

Sau cú lao dốc mất đến 20-30% thị giá trong những ngày cuối năm 2017, nhiều nhà đầu tư đã vẫy tay chào tạm biệt cổ phiếu dầu khí.

Nếu giá dầu trong năm 2016 được ví như một bức tranh sáng khi ghi nhận sự hồi phục liên tục từ mức đáy thì giá dầu năm 2017 lại xen kẽ vào những gam tối khi giá dầu giảm nhẹ trong nửa đầu năm trước khi bật tăng mạnh trong nửa phần còn lại.

Với thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và Nga dược kéo dài đến cuối năm 2018, giá dầu năm 2018 hứa hẹn sẽ trải qua một năm tích cực nữa.

Trong bối cảnh đó, giá hàng loạt cổ phiếu dầu khí bứt tốc mạnh mẽ phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh tích cực của ngành từ năm 2018, được hỗ trợ bởi việc "rục rịch" triển khai các dự án lớn ở trong nước. Tuy nhiên, sau cú lao dốc mất đến 20-30% thị giá trong những ngày cuối năm 2017, nhiều nhà đầu tư đã vẫy tay chào tạm biệt cổ phiếu dầu khí.

Đã đánh mất 20-30% thị giá, các cổ phiếu dầu khí có gì để kỳ vọng trong năm 2018? - Ảnh 1.

Các chuyên gia đánh giá như thế nào về triển vọng năm 2018 của nhóm này?

Trong báo cáo phân tích của CTCK Rồng Việt, các chuyên gia đánh giá giá dầu được dự báo vẫn sẽ tích cực trong năm 2018. Về phía nguồn cung, OPEC và Nga quyết định kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018 với mức sản lượng vào khoảng 1,8 triệu thùng/ngày. Về nhu cầu, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc hay các nền kinh tế mới nổi ở châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực và là động lực chính kéo nhu cầu dầu thô của thế giới tăng 1,3-1,5 triệu thùng/ngày.

Với những chuyển biến như trên, nhiều tổ chức lớn trên thế giới nhận định giá dầu trong năm 2018 sẽ dao động ở trên mức 60 USD/thùng.

Về yếu tố hỗ trợ trong nước, giá dầu cải thiện là điều kiện quan trọng để các dự án dầu khí lớn trong nước có thể khởi động. Trong điều kiện các mỏ dầu khí hiện tại đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác, việc các dự án mới được triển khai là cần thiết và đảm bảo đầu vào cho các ngành công nghiệp điện khí, sản xuất đạm hay lọc dầu tại Việt Nam.

Theo quy hoạch, các dự án đường ống dẫn khí như Lô B Ô Môn, Nam Côn Sơn 2 - GĐ2 hay các mỏ Sư Tử Trắng GĐ2, Cá Rồng Đỏ, Sao Vàng – Đại Nguyệt sẽ đi vào vận hành trong giai đoạn 2019-2022.

Với các điều kiện trên, VDSC đánh giá các doanh nghiệp khâu thượng nguồn được hưởng lợi trực tiếp. Các dự án trong nước sắp triển khai có vốn đầu tư lớn và là những dự án chủ chốt trong ngành. Chính vì thế giá trị hợp đồng xây lắp dành cho các công ty hoạt động ở khâu thượng nguồn dự kiến sẽ "dồi dào" và kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, cần có một độ trễ nhất định để phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, câu chuyện thoái vốn cũng là một yếu tố khiến cho người ta kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu dầu khí. Theo thông báo, trong giai đoạn từ 2018 trở đi, PVN sẽ thoái vốn tại một số công ty lớn trong ngành và đây có thể xem là thông tin hỗ trợ cho đà tăng giá của các cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới.

Cụ thể, PVN sẽ thoái vốn tại DCM, DPM, PVI trong năm 2018 hay GAS trong giai đoạn 2018-2019.

Tuy nhiên, không thể chỉ nhìn thấy cơ hội mà quên mất rủi ro. VDSC cảnh báo OPEC và các đồng minh có thể cắt giảm thỏa thuận sớm hơn so với dự kiến nếu thị trường sớm trở về trạng thái cân bằng. 

Bên cạnh đó, sản lượng dầu đá phiến từ Mỹ tăng mạnh khi giá dầu hồi phục tốt, đó cũng là yếu tố sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu. Theo dự báo, Mỹ có thể vượt mặt Saudi Arabia để trở thành quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và tạo áp lực lên nguồn cung dầu thế giới.  

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên