Đã đến lúc Việt Nam thực hiện giấc mơ xuất khẩu xây dựng dân dụng ra nước ngoài
“Không thể chờ thị trường trong nước bão hòa rồi mới ra nước ngoài mà doanh nghiệp xây dựng phải chủ động. Nguy cơ lạc hậu cần phải lưu ý, nguy cơ giai đoạn thoái trào, biến động khủng hoảng cũng cần suy nghĩ”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần xây dựng Hòa Bình cho sẻ.
- 02-01-2018Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chấp thuận Vingroup và T&T lập đề án xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị
- 01-01-2018Vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có thể bị phạt 1 tỷ đồng
- 28-12-2017Chính thức lên đô thị loại 1, xây dựng thành đô thị đáng sống, đất TP Bắc Ninh có lên giá?
- 28-12-2017Trải nghiệm cuộc sống của giới quý tộc Ấn Độ tại Alila Fort Bishangar – khách sạn cao cấp được xây dựng từ pháo đài cổ
Tại tọa đàm "Tiềm năng phát triển ngành xây dựng năm 2018" diễn ra mới đây ở TP.HCM, một số chuyên gia phân tích cho rằng nếu nhìn vào con số quy mô doanh thu hơn 12 tỷ USD thì có vẻ như ngành xây dựng không phải là ngành có đóng góp lớn cho kinh tế nói chung. Nhưng thực ra con số này chỉ là phần giá trị gia tăng mà ngành xây dựng đóng góp cho nền kinh tế, đã loại ra rất nhiều lĩnh vực như xi măng, sắt thép, trang trí thiết bị gia dụng…
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hòa Bình, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết thêm nếu cộng tất cả lại thì giá trị cấu thành những công trình xây dựng sẽ gấp 4-5 lần giá trị gia tăng, quy mô ngành xây dựng có thể lên đến 50-60 tỷ USD. Rất lớn so với thực tế và các doanh nghiệp xây dựng nội địa đang có "sức bật" khá lớn trên thị trường, đặc biệt liên tục nhận thầu những cầu trình siêu sao, chuẩn bị nội lực vươn ra cạnh tranh tại các thị trường quốc tế.
Nhận định về ngành xây dựng Việt Nam, ông Hải cho rằng ngành đang tiến bộ nhanh chóng, có những dự án chất lượng cao không thua kém gì nhà thầu nước ngoài và đối tác nước ngoài đánh giá cao trình độ tay nghề của công nhân xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, ông chủ Hòa Bình cho rằng hiện nay nhiều công nhân xây dựng Việt Nam đi làm cho các nhà thầu nước ngoài như nhà thầu Trung Quốc, Nhật Bản, các nhà thầu Châu Âu…là sự lãng phí.
Còn theo TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân Bizlight, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng những năm qua là 3,4%. Được xem là tốc độ tăng trưởng nhanh, gấp đôi tốc độ tăng trưởng dân số bình quân của Việt Nam. Kể từ 1/1/2018, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông khoảng 48 tỷ USD. Với số tiền này vốn NSNN chỉ đáp ứng 37,2%, ODA vào khoảng 28,2%, dự kiến tiếp tục giảm. Còn lại 34,6% thì nguồn vốn phải tự sắp xếp.
Trong giai đoạn cuối năm 2017 vốn đầu tư trực tiếp vào BĐS rất lớn, như vậy dòng tiền sẽ được giải ngân vào năm 2018 và khi đó dự án sẽ được triển khai nhiều hơn. Năm 2018 theo nhiều dự báo cho thấy, dòng vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam, kéo theo đó là nhu cầu làm nhà xưởng tại các khu công nghiệp, nhu cầu đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tăng cao.... Song song đó, lượng du khách đế Việt Nam trong năm nay được dự báo sẽ đạt 15 triệu lượt, nên nhu cầu về lưu trú sẽ rất lớn, nhiều nhà đầu tư sẽ mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.
Còn theo TS Sử Ngọc Khương đến từ công ty TNHH Savills Việt Nam, từ năm 2000 trở lại đây nhóm dân dụng và xây dựng phát triển khá ấn tượng do tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ nên các công ty xây dựng như Hoà Bình, Coteccons... được "hưởng lợi" rất lớn từ xu hướng này. Với tốc độ đô thị hoá hiện tại và đặc biệt, Nhà nước đang dành nhiều ưu tiên cho chiến lược đầu tư hàng loạt công trình giao thông, do vậy các công ty xây dựng sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn cạnh tranh "nóng" để cùng chia phần "chiếc bánh" lớn này.
Mặc dù đánh giá cao ngành xây dựng trong nước tuy nhiên, tại hội thảo này, nhiều câu hỏi được đặt ra cho thấy để hiện thực hóa giấc mơ "mang chuông đi đánh xứ người", thì các doanh nghiệp xây dựng phải thực sự trường vốn. Về vấn đề này, một số chuyên gia nhận định rằng hiện nay có rất nhiều công ty xây dựng chuyển dần tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giảm vốn vay ngân hàng. Các công ty xây dựng buộc phải đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh, không chỉ đến từ xây dựng mà còn đến từ bất động sản, dịch vụ, mở rộng thị trường tham gia đấu thầu ra nước ngoài để lãnh tổng thầu các công trình lớn ở nước ngoài.
Còn theo ông Hải, nếu doanh nghiệp trong nước chỉ làm xây dựng những dự án tại chỗ mà không đưa nguồn lực ra nước ngoài, không tiếp cận thị trường quốc tế thì xây dựng Việt Nam một thời gian nữa có khả năng sẽ lạc hậu. Việc Hòa Bình tham gia thị trường Malaysia, Myanmar thời gian nhiều năm qua tuy không phải là nước có ngành xây dựng phát triển mạnh nhưng doanh nghiệp cũng học hỏi được nhiều điều mới.
“Không thể chờ thị trường trong nước bão hòa rồi mới ra nước ngoài mà doanh nghiệp xây dựng phải chủ động. Nguy cơ lạc hậu cần phải lưu ý, nguy cơ giai đoạn thoái trào, biến động khủng hoảng cũng cần suy nghĩ”, ông Hải chia sẻ.
Ông Hải cho rằng, hiện nay rất nhiều nước có giá thành xây dựng cao, từ 1.500 – 2.000 USD/m2. Trong khi chúng ta làm những công tình tương tự chỉ 400 - 500 USD/m2, công trình cao cấp cũng ở mức 1.000 USD/m2. "Năng lực cạnh tranh về công nghệ kỹ thuật, hệ thống quản lý… hiện nay doanh nghiệp Việt không hề thua kém doanh nghiệp nước ngoài ở các công trình nhà ở, khách sạn, resort, văn phòng, Tiềm năng ngành xây dựng là rất lớn, không chỉ tăng trưởng ở mức 5-7% mà có thể tăng trưởng 15-20% bằng việc phát triển ra nước ngoài”, vị này cho biết thêm.