MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất được hơn 58.400 tỷ đồng

Từ đầu năm đến nay, tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là trên 58.400 tỷ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng (GTGT) được gia hạn của doanh nghiệp, tổ chức là trên 23.782 tỷ đồng.

Đã gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất được hơn 58.400 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nhà máy sợi Hòa Xá, Tổng Công ty Cổ phần dệt may Nam Định, một trong những đơn vị đầu ngành về sản xuất sợi cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cục thuế các tỉnh, thành phố đã và đang tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong những tháng cuối năm. Cơ quan thuế các cấp tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung chính sách miễn giảm thuế, phí tới toàn thể người nộp thuế (NNT) để hiểu và nắm bắt kịp thời.

Theo Tổng cục Thuế, để triển khai thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, cơ quan thuế các cấp đã kịp thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung chính sách Nghị định số 12/2023/NĐ-CP (Nghị định số 12) về việc thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về việc thực hiện gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6,7,8,9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước…

Ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hải Phòng cho biết: Thực hiện Nghị định số 12, cục thuế đã tiếp nhận 1.531 đơn đề nghị gia hạn của doanh nghiệp, tổng số tiền NNT đề nghị gia hạn là 1.008,639 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp cũng đang triển khai tích cực các chính sách mới nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất lắp giáp trong nước; Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 về giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023...

Theo ông Trương Công Khoái - Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, Cục thuế thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố với số tiền thuế 950 tỷ đồng.

“Để triển khai hiệu quả Nghị định số 12, cục thuế đã ban hành công văn phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong việc tổ chức, thực hiện. Tính đến 30/6/2023, tổng số đề nghị gia hạn là 3.952 NNT với tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 610 tỷ đồng”, đại diện Cục Thuế thành phố Đà Nẵng cho biết.

Để triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm thuế, phí trong thời gian tới, một số ý kiến cho rằng, ngành Thuế cần tiếp tục tuyên truyền phổ biến rộng rãi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với doanh nghiệp, người dân nhằm nhanh chóng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, như chính sách: giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm 2% thuế GTGT; giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí để NNT hiểu rõ, được thụ hưởng đầy đủ các ưu đãi từ chính sách, qua đó hỗ trợ nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu.

Theo TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, chính sách tài khóa và tiền tệ phối hợp nhịp nhàng đã có tác động hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô… Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế hiện nay, chính sách tài khóa nên được ưu tiên từ nay tới cuối năm 2023.

Hiện nay, khu vực tư nhân đang suy giảm đầu tư và tiêu dùng. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, nếu tiếp tục giảm lãi suất đi chăng nữa thì có thể người dân và doanh nghiệp cũng vẫn không vay tiền để tiêu dùng hoặc đầu tư. Như vậy, dòng tiền cũng không thể bơm thêm ra nền kinh tế để kích thích tăng trưởng. Trong bối cảnh này, việc quan tâm thực hiện chính sách tài khóa có thể sẽ có giá trị hơn, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Theo tôi, chính sách tài khóa còn nhiều dư địa để phát huy tác dụng tốt hơn so với chính sách tiền tệ”, TS Nguyễn Hữu Huân cho biết.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, hiệu quả của chính sách thường vẫn có độ trễ khá dài, thường phải mất đến 2 - 3 quý chính sách mới bắt đầu có những tác dụng đến nền kinh tế. Qua đó cần phải quan tâm rút ngắn độ trễ của chính sách hơn.

Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội:

Nên ưu tiên chính sách tài khóa trong những tháng cuối năm 2023

Sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Đặc biệt, sau COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp đã khó khăn lại càng thêm khó bởi chuỗi giá trị cung ứng bị đứt gãy, hàng tồn kho, mất bạn hàng đối tác, chưa kể gần đây lại thêm khó khăn về nguồn điện sản xuất…

Cũng cần khẳng định rằng, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của mỗi quốc gia. Trong đó, mỗi chính sách theo đuổi một mục tiêu cụ thể và tuân thủ những quy luật riêng, song đều hướng tới mục đích là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời có mối quan hệ tương tác lẫn nhau cả trong ngắn và dài hạn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn việc điều hành chính sách tiếp tục chủ động, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Điều này rất có ý nghĩa thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra.

Theo Minh Phương

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên