Đã giải ngân hơn 96 ngàn tỉ đồng hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội
Đến hết tháng 9-2023, Chính phủ đã giải ngân hơn 96,4 ngàn tỉ đồng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
- 23-10-2023Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Nghịch lý nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn
- 23-10-2023Ủy ban Kinh tế: Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án thua lỗ còn rất chậm
Chiều 23-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Ngọc Thắng
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết đến hết tháng 9-2023, việc giải ngân các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 đã đạt hơn 96,4 ngàn tỉ đồng.
Về hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đến cuối tháng 8-2023, đã hỗ trợ khoảng 781 tỉ đồng, tương đương 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định, dư nợ đạt gần 57.000 tỉ đồng với hơn 2.100 khách hàng.
Chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân 21.291 tỉ đồng cho hơn 366 ngàn lượt khách hàng. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân khoảng 3.679,3 tỉ đồng cho 128.746 lượt người sử dụng lao động và gần 5,2 triệu lượt lao động.
Về chính sách đầu tư công và đầu tư phát triển khác, đã phân bổ hơn 166 ngàn tỉ đồng vốn chương trình trong kế hoạch 2022, 2023 góp phần đẩy nhanh việc khởi công xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đường cao tốc, cầu khẩu độ lớn…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai nghị quyết 43 có một số tồn tại hạn chế, Chính phủ đã chỉ rõ nguyên nhân và rút ra 6 bài học kinh nghiệm để thực hiện Nghị quyết 43 và chương trình phục hồi kinh tế-xã hội hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và 2023, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, Nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng đa số các gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa giải ngân chậm, có trường hợp rất chậm như hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 ngàn tỉ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại giải ngân chỉ đạt 1,95% kế hoạch…
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm liên quan trong việc triển khai thực hiện chậm; đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách; bổ sung đánh giá tác động và có quan điểm đối với việc gia hạn tiếp chính sách.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Ngọc Thắng
Đối với kiến nghị của Chính phủ về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng Nghị quyết số 43 quy định thời hạn thực hiện các chính sách đến hết ngày 31-12-2023, vì vậy đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn để thực hiện chính sách này. Với số vốn không giải ngân hết kế hoạch sau khi kết thúc thời gian giải ngân của chương trình thì trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn theo quy định tại Nghị quyết số 43 và Luật Ngân sách nhà nước.
Về việc sử dụng số vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, cơ quan thẩm tra thống nhất về chủ trương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Về đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư của chương trình phát triển, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất về chủ trương cho phép trình Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2024.
Người lao động