Đà Nẵng cam kết không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
- 24-09-2021Việt Nam sản xuất thành công lô vaccine Sputnik V đầu tiên
- 24-09-2021Sắp tới, vaccine Nanocovax sẽ được đánh giá chất lượng tại Ấn Độ
- 24-09-2021Chuyên gia VinaCapital: Điểm lại các ngành hưởng lợi khi Việt Nam chuyển từ chiến lược zero Covid sang sống chung với virus
- 23-09-2021Vì sao doanh thu ngành công nghiệp ô tô trong nước tiếp tục ảm đạm?
Sáng nay (24/9), Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp dành cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hội nghị có sự tham dự của gần 150 khách mời trực tiếp và trực tuyến qua hệ thống hội nghị trực tuyến Zoom. Hội nghị này là sự đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố với Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để lắng nghe những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp mong muốn thành phố tạo điều kiện thuận lợi thông thương giữa các địa phương, giao doanh nghiệp tự chủ động phương án phòng chống dịch, giảm miễn một số khoản phí, vốn vay, tiền thuê đất.
Đề nghị giao doanh nghiệp chủ động phương án phòng chống dịch
Tại buổi đối thoại, hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội doanh nghiệp đều mong muốn Lãnh đạo thành phố giao cho doanh nghiệp tự chủ phương án phòng chống dịch Covid-19. Nhà nước chỉ đóng vai trò hướng dẫn, giám sát, kiểm tra và xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, hiện thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Vì vậy, trong giai đoạn này, thành phố nên để doanh nghiệp tự trách nhiệm về công tác phòng chống dịch, góp phần nâng cao ý thức của doanh nghiệp và giảm nguồn lực của thành phố dành cho công tác phòng chống dịch.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đà Nẵng đề nghị thành phố mở lại luồng xanh cho khách ra vào thành phố. Hiện cả nước có 10 địa phương mở lại dịch vụ, đón khách du lịch. Trong khi Đà Nẵng kiểm soát dịch tốt hơn nhiều địa phương khác nhưng thành phố này vẫn chưa mở cửa đón khách. Ông Cao Trí Dũng cam kết, các doanh nghiệp du lịch chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về các phương án phòng chống dịch. Các doanh nghiệp đề nghị Bộ Y tế nên có quy định lại một cách cụ thể các ứng xử khi phát hiện ca F0, áp dụng chung cho cả nước; Không nên đóng cửa doanh nghiệp khi phát hiện ca mắc Covid-19, không phong tỏa khu vực sinh sống, nơi làm việc của F1 và các F liên quan.
Có đại diện doanh nghiệp đề nghị cho doanh nghiệp tự chủ số lần xét nghiệm SARS-CoV-2. Hiện nay, thành phố quy định 3 ngày xét nghiệm một lần dẫn đến chi phí quá lớn so với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Ông Dương Đức Xuân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng mong muốn thành phố hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cụ thể và kịp thời hơn, nhất là cách xử lý khi phát sinh ca mắc Covid-19 trong doanh nghiệp.
Ông Xuân mong muốn thành phố giao cho doanh nghiệp tự chủ, xây dựng phương án di chuyển, phương án phòng chống dịch: "Qua phần thực hiện 3 tại chỗ vừa qua thì chúng tôi đề nghị thành phố xem xét, có chủ trương giao cho doanh nghiệp tự chủ trong công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch phòng chống, phương án bố trí lao động, phương án di chuyển, bảo đảm con đường xanh, doanh nghiệp xanh và nơi ở xanh. Mặc dù chi phí lớn nhưng chúng tôi bảo đảm được thông suốt dòng hàng hóa qua cảng. Khi chúng tôi thực hiện vấn đề này thì chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm trước thành phố về việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh trong phạm vi của mình. Trường hợp có F0 xảy ra thì doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm chi trả chi phí cho người lao động của doanh nghiệp mình".
Đề nghị tháo gỡ khó khăn khi thực hiện thủ tục ra vào thành phố
Tại Hội nghị đối thoại, hầu như doanh nghiệp nào cũng mong muốn thành phố sớm kết nối giao thương với các tỉnh lân cận. Doanh nghiệp đề nghị thành phố nhanh chóng kết nối với các tỉnh lân cận để khôi phục giao thông, vận tải, du lịch dịch vụ. Trong thời điểm hiện nay, thành phố nên liên kết giữa các địa phương trong phát triển, phục hồi kinh tế. Muốn vậy, thành phố phải tháo gỡ ngay các quy định ra vào thành phố. Đa số các đại biểu phản ánh quy định ra vào thành phố của Sở Y tế thành phố quy định gây khó cho người dân, người lao động và chủ doanh nghiệp. Thành phố Đà Nẵng đang dựa vào nguồn lao động ở các tỉnh lân cận nhưng với quy định ra vào thành phố như hiện nay thì người lao động rất khó vào được thành phố này. Doanh nghiệp đề nghị thành phố kiến nghị với Chính phủ có chủ trương thống nhất từ trên xuống, kết nối giữa các địa phương khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Tại Hội nghị này, đại diện Công ty Cổ phần nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng đề nghị kết nối lại dịch vụ hàng không, trước mắt cho thí điểm một số chuyến bay giải cứu về sân bay Đà Nẵng. Ông Dương Tiến Lâm, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội dịch vụ Logisstic Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, những nhân viên giao dịch xuất nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu nhưng số người lao động đi làm quá ít do giãn cách xã hội. Ông Lâm đánh giá cao việc cấp giấy đi đường trong nội thành rất thuận tiện, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đi lại của người lao động. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp đều gặp quá nhiều khó khăn khi xin phép ra vào thành phố. Hiệp hội Logisstic Việt Nam mong muốn nếu xin phép đi lại trong thành phố đơn giản khi ra khỏi thành phố phải thuận tiện như vậy, không quá nhiêu khê như văn bản hướng dẫn của Sở Y tế thành phố vừa ban hành mới đây.
Ông Dương Tiến Lâm đề nghị: "Hiện việc xin phép giấy đi đường trong nội thành thành phố chúng ta thực hiện rất thuận tiện và khoa học, tuy nhiên việc xin phép ra vào thành phố khá phức tạp.Doanh nghiệp chúng tôi cũng rất lúng túng trong việc xin phép ra vào thành phố. Doanh nghiệp chúng tôi hôm qua đã cho nhân viên đến phường nộp đơn nhưng họ không ký vì họ nói không kí cho doanh nghiệp mà chỉ ký cho cá nhân. Xin kiến nghị việc xin ra ngoài hay vào thành phố cũng được thực hiện online và đơn giản tránh chồng chéo với những quy định khác".
Đề nghị giảm thuế, miễn phí công đoàn, phí bảo hiểm, phí kiểm định
Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp mong muốn thành phố kiến nghị với Trung ương giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng trong năm 2021-2022. Các khoản thuế phát sinh được chậm nộp mà không bị phạt chậm nộp. Nhiều doanh nghiệp đề nghị miễn phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, giảm phí kiểm định xe ô tô, phí đường bộ trong thời gian xe không hoạt động, giảm phí lưu congtainer tại cảng Đà Nẵng. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các khoản vay ngân hàng để khôi phục sản xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất vay từ 2-3% các khoản vay.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cho biết, các đơn vị vận tải nói chung và vận tải khách đường bộ nói riêng đang đứng trên bờ vực phá sản. Hơn 4 tháng qua, hàng ngàn xe taxi phải nằm yên tại chỗ, nay xe nào cũng hư hỏng bình điện, dàn lốp. Thành phố hiện có 1500 xe taxi phải tốn từ 15 đến 20 tỷ đồng để sửa chữa. Bên cạnh đó các khoản nợ thuế, bảo hiểm, ngân hàng còn treo nặng. Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng được nộp dần trong thời gian 3 năm, giảm đóng phí công đoàn, không phạt chậm các khoản thuế, phí.
"Đề nghị giảm ít nhất 50% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2021. Thứ 2 thời hạn cơ cấu lại nợ ngân hàng tôi đề nghị thành phố kiến nghị Ngân hàng nhà nước thời hạn ít nhất phải 36 tháng thì các doanh nghiệp mới có thể phục hồi được. Giảm lãi suất vay vì hiện nay có cấu cấu nợ,giảm gốc nhưng lãi suất vay không giảm, đề nghị giảm lãi suất vay từ 2 đến 3% cho tất cả các khoản vay. Riêng lĩnh vực vận tải thì đề miễn chi phí kiểm định, bảo hiểm trách nhiệm dân sự vật chất và phí sử dụng phương tiện đường bộ cho toàn bộ taxi từ tháng 5/2021 cho đến khi hoạt động trở lại", ông Nguyễn Văn Hiền nêu rõ.
Đà Nẵng cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp do thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội triệt để. Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND thành phố chân thành cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành với thành phố thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đại dịch.
Ông Lê Trung Chinh khẳng định: Hiện nay, tuy vẫn còn những ca lây nhiễm nhưng nằm trong phạm vi hẹp, được kiểm soát tốt. Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt, đến nay công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, đạt mục tiêu khống chế được nguồn lây trên phạm vi toàn thành phố, từng bước mở lại các hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế.
Lãnh đạo thành phố ghi nhận và cảm ơn các doanh nghiệp đã thấu hiểu, chia sẻ và “đồng cam cộng khổ” cùng chính quyền, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Việc triển khai các mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường, 2 điểm đi/đến” cũng đã gia tăng chi phí và phát sinh nhiều vấn đề trong quản lý, điều hành của các doanh nghiệp nhưng hầu hết các doanh nghiệp rất chủ động xây dựng phương án thích nghi, an toàn với bối cảnh dịch bệnh và phù hợp với thực tế của doanh nghiệp.
Ông Lê Trung Chinh cho rằng, các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch bệnh vừa qua đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Lũy kế 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 4,16%; nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 69,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền thành phố đã nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, nhiều giải pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp. Điều này khiến cho lãnh đạo thành phố không khỏi trăn trở, suy nghĩ.
Thành phố xác định “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng vì đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển kinh tế xã hội của đại phương.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, thành phố này không để ai bị bỏ lại phía sau, dù bất cứ hoàn cảnh nào: Cũng giống như phương châm chống dịch “không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Theo dự báo, dịch bệnh sẽ vẫn kéo dài trong thời gian tới, sẽ gây tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, dẫn đến nhiều xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cũng như sự thay đổi thường xuyên các định hướng, chính sách của chính quyền nhưng tôi tin rằng với sự đồng lòng và quyết tâm cao của hai bên, Đà Nẵng sẽ có đủ sức mạnh, sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại, dù là khó khăn nhất, sớm phục hồi mạnh mẽ và bước vào trạng thái bình thường mới, phát triển bền vững.
Trao đổi thẳng thắn với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cam kết sẽ chuyển tải những kiến nghị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Trung ương. Đối với những đề nghị thuộc thẩm quyền của thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các sở ngành, địa phương liên quan xem xét và trả lời thấu đáo cho từng doanh nghiệp; việc nào giải quyết được thì khẩn trương xử lý ngay, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cam kết thành phố sẽ tiêm đủ vắc xin ngừa Covid-19 cho công nhân các khu công nghiệp. Thành phố hoan nghênh doanh nghiệp chủ động phương án phòng chống dịch. Theo ông Nguyễn Văn Quảng, doanh nghiệp chủ động phòng chống dịch nhưng không thể trên giấy mà phải có phương án, kiểm soát công nhân bằng mã QR. Hiện nay, khi phát sinh ca F0, các doanh nghiệp còn rất lúng túng. Vì thế, doanh nghiệp phải tạo cho công nhân thói quen chung sống với dịch bệnh, nâng cao ý thức phòng chống dịch cho công nhân.
Về thủ tục ra vào thành phố, ông Nguyễn Văn Quảng khẳng định, lãnh đạo thành phố đã nhìn thấy bất cập trong văn bản của Sở Y tế ban hành và đã chỉ đạo điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân, người lao động ra vào thành phố. Về sử dụng kết quả xét nghiệm sử dụng chung, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thống nhất với việc áp dụng chung nhưng hiện nay, kết quả xét nghiệm chưa được liên kết bằng một ứng dụng thống nhất, người dân phải cầm tờ giấy xét nghiệm đến các trạm kiểm soát dịch nên còn nhiều khó khăn trong việc công nhận kết quả xét nghiệm./.
VOV