Đà Nẵng: Chủ đầu tư tháo chạy khỏi dự án, khách hàng ôm nợ tiền tỷ
Chính quyền địa phương cũng thừa nhận có sai phạm trong việc cấp phép xây dựng dự án. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả không đơn giản khi chủ đầu tư đã “ôm” tiền lặn mất tăm, còn các nhà đầu tư khác thì gánh khoản nợ tiền phí.
- 04-04-2016TPHCM dành 600 tỷ đồng đầu tư hồ điều tiết chống ngập
- 23-05-2014Ngành hồ tiêu: Nông dân có thật sự điều tiết giá?
Chính quyền “xé rào” cấp phép sai?
Năm 2005, Công ty Viễn Nam được UBND Q.Thanh Khê cấp phép đầu tư dự án quản lý và khai thác hồ điều tiết Xuân Hòa A (phường Hòa Khê, Q.Thanh Khê) với thời hạn hơn 20 năm. Theo đó, quận này ký hai bản hợp đồng với doanh nghiệp cho thuê đất và mặt nước ven hồ điều tiết.
Sau khi có được dự án, giai đoạn đầu, Công ty Viễn Nam thực hiện dọn dẹp vệ sinh môi trường và thực hiện các khoản nộp thuế đầy đủ cho TP.Đà Nẵng. Đến cuối năm 2011, Công ty này không triển khai dự án mà cho thuê lại diện tích đất và mặt nước cho nhiều doanh nghiệp khác với thời hạn lên đến hàng chục năm, thu lợi một khoản tiền lớn.
Đầu năm 2014, lực lượng chức năng TP.Đà Nẵng phát hiện nhiều sai phạm trong việc cấp phép cho dự án Công ty Viễn Nam.
Cụ thể, UBND Q.Thanh Khê chỉ được cấp giấy phép xây dựng cho các công trình nhà ở của hộ gia đình (cá nhân) nhưng ở đây lại cấp cho Công ty (doanh nghiệp). Đối với các công trình xây dựng trên đất và mặt nước của hồ điều tiết thuộc về thẩm quyền của Sở Xây dựng chứ không phải chính quyền quận.
Trên cơ sở đó, UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu quận thu hồi, hủy bỏ các văn bản không đúng thẩm quyền liên quan đến hợp đồng cho thuê đất và cấp phép xây dựng cũng như nhiều văn bản trái quy định khác liên quan đến dự án Công ty Viễn Nam.
Ông Phan Quang Khường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cho rằng, UBND quận thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa quản lý và khai thác hồ trên địa bàn. Đối với hồ điều tiết Xuân Hòa A, ngày 24/6/2005, UBND quận Thanh Khê có Quyết định 644/QĐ-UBND cho phép Công ty Viễn Nam tổ chức quản lý và khai thác với thời hạn 20 năm. Sau đó, UBND quận Thanh Khê cũng ký hai hợp đồng liên liếp cho Công ty Viễn Nam thuê sử dụng mặt đất, mặt nước và giá tiền thuê sử dụng được tính từ đầu tháng 1/2008.
“Thời gian đầu, Công ty Viễn Nam làm ăn rất đàng hoàng, tiến hành nạo vét lòng hồ, cải tạo cảnh quan môi trường; đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế nên tạo niềm tin đối với UBND quận. Tuy nhiên, sau đó, Công ty Viễn Nam không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong hơn 6 năm, Công ty Viễn Nam chỉ nộp thuế hơn 600 triệu đồng, còn lại nợ thuế gần 1,4 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty Viễn Nam đã bỏ dự án và tháo chạy”, ông Khường cho biết.
Nhiều doanh nghiệp “ôm nợ”
Thực hiện yêu cầu của UBND TP.Đà Nẵng, quận đã ký quyết định thu hồi, hủy bỏ dự án. Đồng thời yêu cầu Công ty Viễn Nam chấm dứt toàn bộ các hoạt động quản lý và khai thác, khẩn trương bàn giao mặt bằng cho nhà nước. Tuy nhiên, cũng đúng vào thời điểm này, Công ty Viễn Nam lại làm ăn thua lỗ, nợ thuế kéo dài. Giám đốc công ty đã ôm một khoản tiền lớn của doanh nghiệp rồi “chạy làng”.
Theo phản ánh của ông N. (chủ một nhà hàng) ở khu hồ điều tiết Xuân Hòa A (phường Hòa Khê, Q.Thanh Khê), khi thấy Công ty Viễn Nam có đầy đủ giấy phép của chính quyền cấp nên tin tưởng nộp tiền thuê dài hạn. Hiện ông N. cùng nhiều doanh nghiệp khác đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình nổi trên bờ hồ như: nhà hàng, khu tiệc cưới, karaoke, khu vui chơi...
“Chúng tôi vừa bỏ ra một khoản tiền lớn để xây dựng, chưa kinh doanh được bao lâu thì Công ty Viễn Nam vỡ nợ. Ban quản lý của doanh nghiệp này đóng ở khu vực hồ cũng đóng cửa im ỉm suốt nhiều tháng qua. Liên hệ với số máy giám đốc thì không được. Chúng tôi như ngồi trên đóng lửa. Nếu chính quyền thu hồi dự án thì bao nhiêu tiền của bỏ ra trôi sông” ông N. bức xúc.
Chiều ngày 26/10, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) thừa nhận, có sai phạm trong việc cấp phép cho dự án của Công ty Viễn Nam. “Việc cấp phép cho các doanh nghiệp nói trên là không đúng thẩm quyền. Sau khi sự việc xảy ra, Quận cũng có đề nghị thành phố cho phép các doanh nghiệp này ký lại hợp đồng thuê đất và mặt nước với Sở Xây dựng (trước đây ký với Công ty Viễn Nam) nhưng thành phố không đồng chấp thuận vì làm như vậy sẽ vỡ quy hoạch”, ông Tĩnh nói.
Cũng theo ông Tĩnh, hiện UBND TP.Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch khu vực nói trên. “Các doanh nghiệp đã bỏ vốn ra đầu tư, xây dựng sẽ được TP hỗ trợ một khoản (không phải bồi thường) để di dời đến một địa điểm khác tiếp tục kinh doanh, thu hồi vốn. Thời điểm thực hiện sẽ vào giai đoạn năm 2018-2019”, ông Tĩnh cho biết thêm.