Đà Nẵng: Đăng ký mới doanh nghiệp bất động sản, dịch vụ, du lịch giảm mạnh
Theo Sở KH&ĐT Đà Nẵng, so với cùng kỳ 2019, doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm, đặc biệt ở các ngành kinh doanh bất động sản, dịch vụ, du lịch, nhưng tăng ở các ngành nông lâm nghiệp, thủy sản, khoa học, công nghệ…
Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2020, đơn vị này đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký DN cho 677 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 3.351 tỷ đồng; hoàn tất thủ tục giải thể cho 140 DN, đơn vị trực thuộc trên địa bàn.
Người dân, doanh nghiệp đến giao dịch với Sở KH&ĐT Đà Nẵng tại Bộ phận "Một cửa" ở Trung tâm Hành chính TP (Ảnh: HC)
“So với cùng kỳ năm 2019 giảm 2,9% về số DN và giảm 25% về số vốn đăng ký. Tỷ trọng vốn bình quân trên một DN trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 5,1 tỷ đồng/1 DN” – Lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết.
Về lĩnh vực hoạt động, so với cùng kỳ 2019, số lượng DN thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm đặc biệt ở các ngành như kinh doanh bất động sản, dịch vụ, du lịch. Trong khi đó các nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; vận tải kho bãi; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác tăng so với cùng kỳ.
Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KH-ĐT Đà Nẵng cũng đưa ra bảng số liệu (bên dưới) cho thấy, 2 tháng đầu năm 2020 là thời điểm nghỉ Tết Nguyên Đán, lại bị ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến số lượng DN đăng ký thành lập ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động trong thời gian này giảm so với cùng kỳ.
“Số DN gia nhập thị trường cũng như DN giải thể, tạm ngừng hoạt động giảm cũng là tình hình chung của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2020. Lũy kế đến nay, trên địa bàn TP có 30.286 DN và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 209.442 tỷ đồng!” – Lãnh đạo Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho hay.
Cùng ngày, Thanh tra Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho hay, lãnh đạo Sở này vừa có Công văn 508/SKHĐT-TTr (ngày 5/3) đề xuất UBND TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương cho phép tạm dừng triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư trong năm 2020 trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư.
Theo Thanh tra Sở KH&ĐT Đà Nẵng, việc đề xuất nêu trên nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), tổ chức, đơn vị, địa phương trên địa bàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường; đồng thời tạo thuận tiện cho các DN, tổ chức, đơn vị, địa phương trên địa bàn tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Cũng theo Thanh tra Sở KH&ĐT Đà Nẵng, trong trường hợp đặc biệt cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư đột xuất (nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm), Sở KH-ĐT Đà Nẵng sẽ kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND TP xem xét quyết định.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh với các hội, hiệp hội DN trên địa bàn ngày 4/3 nhằm bàn giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, DN, Phó Chánh Thanh tra TP Lương Tuấn cũng cho biết đã có báo cáo UBND TP để trình HĐND TP về vấn đề thanh tra, kiểm tra đối với DN năm 2020.
“Tinh thần là tạm dừng tất cả các cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được duyệt năm 2020 đối với các DN, để DN xoay xở, có phương án làm ăn thoát ra khỏi tình hình khó khăn hiện nay; và đối với các cơ quan, tổ chức, để các cơ quan, tổ chức cùng với hệ thống chính quyền tập trung cho công tác phòng, chống dịch!” – Ông Lương Công Tuấn nói.
Ông cũng nhấn mạnh, đối với những trường hợp nào cần tiến hành thanh tra để đảm bảo kịp thời công tác quản lý nhà nước trong một thời gian cụ thể thì Thanh tra TP phải báo cáo Chủ tịch UBND TP. Trên cơ sở Thanh tra TP rà soát, đánh giá tác động để Chủ tịch UBND TP quyết định cho phép thanh tra hay không thanh tra
Bên cạnh “tinh thần” chung của công tác thanh tra như nêu trên, đối với công tác kiểm tra thì có liên quan đến nhiều đơn vị thuộc TƯ như QLTT, Thuế, Hải quan, PCCC… Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng đề nghị các cơ quan này có sự đồng cảm, chia sẻ, đồng hành cùng với DN để tạo thời gian, công sức cho DN vượt qua khó khăn hiện nay.
“Những trường hợp DN vi phạm, có dấu hiệu vi phạm thì vẫn xử lý theo quy định, xử lý kiên quyết; còn những kế hoạch thanh tra,, kiểm tra thường xuyên hay định kỳ thì nên chia sẻ, tạm thời giãn ra để DN chủ động tập trung thời gian, công sức đối phó với những khó khăn do tình hình dịch bệnh hiện nay gây ra!” – Ông Hồ Kỳ Minh nói.
|
Infonet