MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng đề xuất “chuyển nhượng” nhân tài

01-10-2016 - 22:17 PM | Xã hội

Cho tư nhân được nhận nhân tài, TP sẽ trừ dần các khoản tiền đã bỏ ra để đào tạo họ bằng việc trừ vào tiền lương của họ tại doanh nghiệp.

Đó là một trong những đề xuất đáng được chú ý tại hội thảo đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đào tạo nhân tài mà TP Đà Nẵng tổ chức trong sáng 1-10.

Nhân tài trăn trở

Trải lòng tại hội nghị, chị Phan Thị Thu Trang (được cử đi học công nghệ sinh học ở Anh từ năm 2010 – 2014) hiện đang công tác tại Trung tâm công nghệ sinh học đề nghị TP quan tâm bố trí chung cư, hỗ trợ tiền ăn trưa…vì nhiều người diện thu hút rất vất vả.

“TP cần quan tâm hơn tới cán bộ thu hút. Chúng em rất cần cơ sở vật chất, máy móc hiện đại để thực hiện các đề tài. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho học viên đề án chỉ tốt nghiệp đại học được đi đào tạo chuyên sâu, được giao lưu với các chuyên gia khoa học quốc tế”, chị Trang nói.

Trong khi đó, chị Ngô Lê Uyên Ly (Phòng kinh tế hạ tầng huyện Hòa Vang) cho biết, chị được học cử nhân địa lý quy hoạch ở Anh. Tuy nhiên, khi làm việc cần rất nhiều thực tế và va chạm trong cuộc việc hàng ngày.

“Chúng tôi chỉ được đào tạo đại cương nên thiếu kinh nghiệm thực tế và cần thích nghi để hòa nhập, cần chủ động để đưa ra ý kiến. Các bạn được đào tạo ở bậc đại học nước ngoài về như khi mới về làm việc rất cần sự nhẫn nại và kiên nhẫn”.

Bà Võ Thị Bích Hậu (Phó giám đốc Sở KH&CN phụ trách Trung tâm công nghệ sinh học) cho biết, chính bà là một trong những cán bộ được TP thu hút. Khi các nhân tài về TP thì họ quan tâm về chính sách nhà ở, tiền lương, hỗ trợ ban đầu để an cư làm việc. Với lại khi thu hút nhân tài thì không có ưu tiên con cháu ai, thân quen. Tuy nhiên, đang có những hạn chế.

“Ví dụ, khi về Trung tâm công nghệ sinh học công tác thì các em không có phòng thí nghiệm tiên tiến nên rất khó làm việc và sẽ bỏ đi. Đối với nghành công nghệ chúng tôi thì không có máy móc hiện đại là không làm việc được. Ngoài ra, khi thu hút nhân tài về với hệ số lương chỉ hơn 5 triệu đồng/ tháng là quá thấp, đó là chưa kể việc trong quá trình chờ hỗ trợ chổ ở thì phải mất 2-3 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà.”, bà Hậu chia sẽ.

Chị Ngô Lê Uyên Ly được cử đi học cử nhân địa lý quy hoạch ở Anh, bày tỏ sự băn khoăn của mình. Ảnh: LÊ PHI.
Chị Ngô Lê Uyên Ly được cử đi học cử nhân địa lý quy hoạch ở Anh, bày tỏ sự băn khoăn của mình. Ảnh: LÊ PHI.

Bà Hậu cũng cho rằng, một số nhân tài sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài về thì cũng không thể nghiên cứu được.

“Có một em ở trung tâm vừa chuyển đi vào TP.HCM làm vì điều kiện khoa học hai đầu đất nước tốt hơn. Có nhiều em rất tội, không phải không muốn cống hiến cho TP đâu nhưng do TP không có điều kiện cần thiết để các em làm việc. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần thu hút những con chim đầu đàn về để hướng dẫn các em”, bà Hậu nói.

"Chuyển nhượng" cho doanh nghiệp

Trước những bất cập hiện nay trong công tác thu hút và đào tạo nhân tài của TP. Ông Nguyễn Quang Thanh (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng) góp ý rằng, TP cần nghiên cứu tới việc sau khi nhân tài học xong, nếu chưa thể bố trí công việc ngay tại các cơ quan nhà nước, nhân tài không có cơ hội để thể hiện mình thì nên tính tới việc “chuyển nhượng” cho các doanh nghiệp tư nhân.

“Có thể nhân tài về thì làm hợp đồng chuyển nhượng, đấu giá nhân lực để các doanh nghiệp có thể chọn”, ông Thanh nói.

Bà Huỳnh Liên Phương (Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư TP Đà Nẵng) lại thông tin, hiện trung tâm này tiếp nhận 12 nhân tài, có tám người đang phải chờ biên chế trong khi đó TP chỉ duyệt có hai biên chế. Tại trung tâm này cũng đã có 15 người xin đi khỏi cơ quan.

Bà Phương, cho biết: “Có nhiều người thu hút về làm rất tốt nhưng mỗi người có một động cơ, có rất nhiều người cống hiến nhưng cũng có người ngồi làm chờ hết thời gian hợp đồng với TP rồi tìm cơ hội đi nơi khác”.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng) đồng tình với đề xuất chuyển nhượng nhân tài cho các doanh nghiệp. Ảnh: LÊ PHI.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng) đồng tình với đề xuất "chuyển nhượng" nhân tài cho các doanh nghiệp. Ảnh: LÊ PHI.

Lãnh đạo Quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng lại cho hay, vẫn còn tư tưởng muốn sử dụng cán bộ tại chổ và chưa trọng nhân tài.

“Quỹ đầu tư có nhận ba người nhưng có hai người đã rời đi. Họ làm việc rất tốt nhưng không hài hòa. Người học ở nước ngoài về họ có tư duy dộc lập nhưng cán bộ của mình thì khác. Cán bộ lãnh đạo của mình vẫn còn lối tư duy sai bảo, nhiều lúc áp đặt nên mất cân đối và hài hòa. Nhiều em học về rất giỏi có khi lãnh đạo nhà mình không tiếp thu kịp”, vị này nói.

Vị lãnh đạo Quỹ đầu tư phát triển TP, cũng cho rằng việc đào tạo nhân tài của TP cần phải tính toán cung ứng cho cả bên ngoài và nên táo bạo nhận đặt hàng từ doanh nghiệp.

“Bây giờ nhân tài đi học nước ngoài thì nhiều gia đình đang tự đào tạo. Vì vậy, chú ta nên trọng thu hút chuyên gia, người giỏi và giảm đào tạo. Cần mạnh dạn tăng chính sách hỗ trợ để thu hút chuyên gia. Ví dụ, Bệnh viện Ung Thư, nếu chúng ta thu hút được chuyên gia giỏi về thì tự nhiên bệnh viện sẽ có uy tín, có tiếng tăm chứ không còn chữa bệnh thì vào Sài Gòn, Hà Nội nữa”, lãnh đạo Quỹ đầu tư nói.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng) cũng đề xuất TP cần mở rộng cả việc thu hút chuyên gia nước ngoài. Bởi có một thực tế là có những sinh viên được cử đi học nước ngoài về nhưng khi làm tham mưu không tốt. “Nên ưu tiên chuyên gia giỏi, đây là những người đầu tàu về khoa học, tri thức trong các ngành. Họ sẽ là động lực để TP phát triển trong tương lai”, bà Hạnh nói.

Bà Hạnh cho rằng, các cơ quan khu vực công cần phải có đề xuất cần bao nhiêu chuyên gia, sinh viên giỏi để cân đối nhu cầu sử dụng và cử đi học. “Tôi đồng ý với việc hợp đồng chuyển nhượng nhân tài. Cho tư nhân được nhận nhân tài của TP đào tạo bằng hợp đồng và TP sẽ trừ dần các khoản tiền đã bỏ ra để đào tạo họ bằng việc trừ vào tiền lương của họ tại doanh nghiệp”, bà Hanh phân tích.

Tính đến thời điểm tháng 12-2014, TP Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 nhân tài thuộc diện thu hút. Tính đến tháng 9-2016, TP này cũng đã đào tạo được 639 nhân tài theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922).

Theo Lê Phi

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên