MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng được doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong 5 đô thị lớn về chất lượng dịch vụ công ích

Hội thảo về “Cơ chế cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt Nam” diễn ra vào ngày 5/1/2017 tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức đã đưa ra đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng dịch vụ công tại 5 đô thị lớn nhất Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) có tham luận về chất lượng dịch vụ công tại 5 đô thị lớn nhất Việt Nam. Theo đó, ông Tuấn đưa ra các số liệu thống kê về xếp hạng chỉ số cơ sở hạ tầng, đánh giá chung về chất lượng các dịch vụ công, chất lượng đường giao thông, cung cấp điện năng và các dịch vụ công khác.

Trong các dịch vụ công ích như được dùng trong báo cáo đánh giá và nghiên cứu, mức độ hài lòng về dịch vụ điện thoại cao nhất (71,42% đối với các doanh nghiệp tư nhân, 61,2% đối vớ doanh nghiệp FDI); đường giao thông là dịch vụ có mức độ hài lòng thấp nhất, đặc biệt là với các doanh nghiệp FDI (chỉ có 20,67%).

Khi đánh giá về chất lượng đường giao thông tại 5 đô thị lớn nhất Việt Nam, ông Tuấn đã đưa ra các số liệu cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. Trong đó, Đà Nẵng được đánh giá ở mức độ tương đối tốt với 77,27% doanh nghiệp tư nhân trong nước đánh giá tốt và 56,86% doanh nghiệp FDI đánh giá tốt; vượt xa Hà Nội với tỷ lệ lần lượt là 30,1% và 14,87%.

Giao thông về đường nối giữa cảng và đường bộ, đường nối giữa đường bộ và sân bay, đường nối giữa đường sắt và đường bộ đều được các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đánh giá với mức cao từ 68% đến 86%.

Các dịch vụ công ích khác như cung cấp điện năng, điện thoại, nước sạch, khu, cụm công nghiệp, dịch vụ Internet cũng cho thấy mức độ hài lòng của các doanh nghiệp Đà Nẵng luôn ở mức cao nhất so với các đô thị còn lại.

Cũng trong tham luận này, ông Tuấn đưa ra thống kê về 5 yếu tố cân nhắc của nhà đầu tư vào các đô thị lớn: cơ hội kinh doanh, quy mô thị trường, chất lượng nguồn lao động, cơ sở hạ tầng và chất lượng điều hành. Kết quả điều tra cho thấy, yếu tố được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất không nằm cơ sở hạ tầng hay chất lượng điều hành mà nằm ở cơ hội kinh doanh và quy mô thị trường. Trong đó, tỷ lệ nhà đầu tư tương lai chọn cơ sở hạ tầng tốt là yếu tố quyết định địa điểm đầu tư cao nhất tai Đà Nẵng với 55%.

Bùi Liên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên