Đà Nẵng sẽ có một nhà máy thuộc lĩnh vực chưa từng sản xuất ở Đông Nam Á?
TS. Sridhar Uppili, Giám đốc Công nghệ Silicon Valley Force Integration Inc., chuyên thiết kế và sản xuất bảng mạch pin điện tử và vi mạch bán dẫn cho biết nếu được xây dựng nhà máy tại Đà Nẵng, đây sẽ là nhà máy đầu tiên về lĩnh vực này tại Đông Nam Á.
- 11-05-2019Dự án công nghệ cao được Thừa Thiên-Huế ưu tiên thu hút đầu tư
- 11-05-2019Những số liệu cho thấy startup Việt Nam đang khởi sắc: 70 co-working space, 40 quỹ đầu tư, hút 890 triệu USD chỉ trong năm 2018
- 06-05-2019Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư 1.600 tỷ đồng xây dựng nhà máy điện mặt trời ở Bình Định
- 04-05-2019Vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã có buổi gặp gỡ với đoàn doanh nghiệp Mỹ do ông Quang Lương, CEO kiêm Chủ tịch HĐQT Vector Fabrication Inc., làm Trưởng đoàn, nhân.
Ông Lương cho biết đoàn gồm 3 doanh nghiệp đến từ Thung lũng Sillicon Hoa Kỳ, là: Vector Fabrication Inc., Silicon Valley Force Integration Inc., và Artnet Protech Inc., với mong muốn tìm hiểu về các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Vector Fabrication Inc. được thành lập vào năm 1995 tại Hoa Kỳ. Công ty là phiên bản mở rộng của Tập đoàn Kĩ thuật KML - công ty tiên phong cho ngành công nghiệp bảng mạch in điện tử.
Hiện công ty là một trong những nhà sản xuất bảng mạch in điện tử cung cấp sản phẩm cho Apple, Logitech, Maxim Integrated, Analog Device, Tesla Motor... Cùng với nhà máy đang hoạt động tại Khu công nghiệp Bình Dương chủ yếu nghiên cứu và phát triển, Vector Fabrication Inc. có dự định mở thêm một cơ sở mới tại Việt Nam tập trung vào sản xuất.
TS. Sridhar Uppili, Giám đốc Công nghệ Silicon Valley Force Integration Inc., cho biết, với 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất bảng mạch pin điện tử và vi mạch bán dẫn, công ty đang tìm hiểu cơ hội đầu tư một nhà máy sản xuất tại Việt Nam, mà Đà Nẵng là một trong những lựa chọn tiềm năng.
Ông cho biết nếu được xây dựng tại Việt Nam, đây sẽ là nhà máy đầu tiên về lĩnh vực này tại Đông Nam Á. Đồng thời, công ty có định hướng chuyển giao dần công đoạn thiết kế sản phẩm từ Hoa Kỳ về Việt Nam. Do vậy, công ty rất cần nguồn nhân lực tại chỗ có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ bởi đây là ngành sản xuất đòi hỏi trình độ công nghệ rất cao.
Giới thiệu về Artnet Protech Inc, ông Meir Polack, CEO kiêm Chủ tịch HĐQT cho biết đây là công ty chuyên cung cấp các dịch vụ kỹ thuật bảng mạch in điện tử chất lượng cao cho hầu hết các công ty lớn ở Mỹ trong nhiều năm. Artnet Protech Inc có dự định mở một trung tâm sản xuất, bảo hành và nâng cấp phần mềm cho sản phẩm tại Việt Nam. Đây sẽ là trung tâm nằm trong chuỗi hệ thống của công ty tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ.
Theo ông Quang Lương, quy mô đầu tư của 3 công ty vào Khu công nghệ cao là hình thành một nhóm 3 nhà máy hoạt động liên kết trong chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, trên diện tích 7-10ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu từ 50-70 triệu USD.
Chia sẻ với các nhà đầu tư, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết khu công nghệ (KCN) cao Đà Nẵng là một trong ba KCN cao của Việt Nam, và là KCN cao có điều kiện hỗ trợ, ưu đãi tốt nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Hiện nay, KCN cao Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành hạ tầng, sẵn sàng chào đón nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng rất thuận lợi, thời gian giải quyết hồ sơ nhanh chóng.
Ông Minh nói rằng lĩnh vực sản xuất của 3 doanh nghiệp rất phù hợp với định hướng phát triển, kêu gọi đầu tư của Đà Nẵng. Do đó, thành phố rất hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư làm ăn.