Đà Nẵng tiếp tục tính chuyện lấn biển làm dự án
Đà Nẵng đang tính đến chuyện lấn biển ở khu vực vịnh Đà Nẵng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cảnh báo việc lấn biển này cần được cân nhắc kỹ càng, tránh những hệ lụy tiền nhãn như những dự án đã và đang triển khai dọc tuyến biển Đà Nẵng.
Thêm dự án tỷ đô lấn biển?
Theo tìm hiểu, vừa qua ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (UBND thành Đà Nẵng) đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng sau cuộc họp với các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Pavillion (Malaysia), Quỹ Bamboo Capital và Cty CP lương thực Đà Nẵng, các đơn vị liên quan… về dự án đảo Hoa Sen. Liên minh các nhà đầu tư trên đã đề xuất thực hiện Dự án đảo Hoa Sen - Lotus Island tại vịnh Đà Nẵng - hình thành từ việc xây dựng lấn biển. Tổng vốn đầu tư là 8 tỷ USD.
Ngày 16/5, trao đổi với phóng viên Tiền Phong một lãnh đạo Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư cho biết: dự án này chỉ mới nằm ở việc xúc tiến đầu tư, tất cả chỉ mới là đề xuất từ phía nhà đầu tư, phía UBND thành phố chưa có ý kiến gì về dự án. Quá trình xúc tiến, khi dự án chưa được cấp phép, nhà đầu tư không cho phép thì ban không được cung cấp thông tin cụ thể về dự án.
Theo nguồn tin, chủ đầu tư dự án cũng vừa tổ chức một buổi giới thiệu về dự án này cho lãnh đạo sở ban ngành thành phố nghe. “Chủ đầu tư chỉ mới giới thiệu qua về dự án và lấy ý kiến của các sở ngành để tham gia góp ý. Nội dung giới thiệu này chưa phải là bản cuối cùng. Nếu đưa thông tin về dự án sớm quá sẽ không hay, tránh trường hợp báo chí đưa lên nhà đầu tư sẽ đi ngay”, vị lãnh đạo này cho biết.
Ông Trần Đình Quỳnh, Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: hiện nay dự án này chỉ mới là ý tưởng của một Cty. Ban xúc tiến có báo cáo qua UBND thành phố. Tuy nhiên, thành phố chưa xem xét, chưa bàn bạc cụ thể gì về dự án này hết.
Dự án rào chắn dọc biển ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đang phải đòi lại từng mét để mở lối xuống biển.
Lấn biển sẽ phá vỡ tính ổn định của vịnh Đà Nẵng
Ngày 1/3 vừa qua, tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và Quận ủy Thanh Khê đề xuất lấn biển dọc đường Nguyễn Tất Thành đã được đưa ra. Tại đây, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết: thành phố đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung gắn với đề án hình thành khu kinh tế biển. Ý tưởng lấn biển Nguyễn Tất Thành đã có từ rất lâu vì vậy cần có một số hội thảo, mời các chuyên gia chuyên về lấn biển để cùng bàn bạc. Trong khi đó, ông Lê Quang Nam (Giám đốc Sở TN&MT) cần làm “sống lại” bãi biển Đà Nẵng dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành. Cả bờ biển dài, đẹp nhưng không có hoạt động nào do bãi biển quá ngắn. Trong khi đó, theo quan trắc của Chi cục Biển đảo thì biển Đà Nẵng ở khu vực này đang bị lấn dần. Ông Nam cũng cho hay: Sở TN&MT đề xuất hai phương án, một là di dời đường Nguyễn Tất Thành vào khoảng 700m đến 1 km, tạo thành một con đường giống như đường Trần Phú của Nha Trang. Tuy nhiên, phương án này rất khó khăn, kinh phí lớn. Phương án thứ 2 là lấn biển nhưng không thể lấn biển theo kiểu dàn hàng ngang được, mà phải tạo điểm nhấn theo mô hình của Dubai hay Singapore.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: cần nghiên cứu mở rộng khu vực bãi biển Nguyễn Tất Thành bằng cách lấn biển hoặc di dời, lùi đường Nguyễn Tất Thành vào trong. Ông Nghĩa giao Sở Xây dựng sớm nghiên cứu để có quy hoạch khu vực này. Cần thiết phải thuê các chuyên gia, tư vấn nước ngoài trong việc nghiên cứu khai thác vịnh Đà Nẵng.
Ông Hồ Duy Diệm (nguyên Trưởng ban quy hoạch thành phố Đà Nẵng) hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam cho rằng, việc lấn biển nhiều quốc gia trên thế giới đã làm rất hiệu quả, điển hình như Nhật Bản. Tại nước ta, Quảng Ninh cũng đã lấn biển thành công. Tuy nhiên, những địa điểm lấn biển đó khác xa so với vịnh Đà Nẵng, bởi ở đó không đón sóng trực tiếp từ đại dương vào, do đó việc lấn biển không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, không gây xói lở, ảnh hưởng dòng chảy và tạo thêm cảnh quan, quỹ đất. Tuy nhiên, việc lấn biển không thể áp dụng cho vịnh Đà Nẵng bởi đây có địa hình là một vũng thùng, vòng cung, có một cửa thông ra biển hẹp. Cửa vịnh một bên núi Hải Vân, bên còn lại là núi Sơn Trà, bờ vịnh và đáy vịnh đã ổn định hàng trăm năm nay. Tác động bằng việc lấn biển sẽ gây ảnh hưởng rất lớn và phá vở ổn định địa hình, sinh thái… tại vịnh ngay lập tức.
Tại Đà Nẵng, dự án lấn biển “Vầng trăng khuyết” đang triển khai, theo ông Diệm đã bắt đầu xảy ra những tác động môi trường do việc lấn gần 200ha tại dự án này. Cụ thể tại khu vực Liên Chiểu, Nam Ô đã bắt đầu xói lở, ngân sách đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng để làm bờ kè chống xói lở. “Nếu tiếp tục đắp, lấn biển tại vịnh Đà Nẵng thì cân bằng sinh thái, tính ổn định địa hình địa mạo của cả vùng vịnh này sẽ bị mất. Hậu quả sẽ khôn lường”, ông Diệm cảnh báo.
Theo ông Diệm, nếu lấn biển để làm các khu vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng hoặc những công trình thành phố đang thiếu sẽ không phá vỡ quy hoạch. Nhưng nếu lấn để làm khách sạn, trung tâm thương mại... phải xem xét đến quy hoạch chung của thành phố.
Hai dự án ven biển giao đất nhưng không có tên chủ đầu tư
Ngày 15/5, tại chương trình “HĐND với cử tri” lần 3, liên quan đến kiến nghị của cử tri về việc mở lối xuống biển cho người dân, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết: lối xuống biển tại khu vực Aryana (quận Ngũ Hành Sơn) sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 6, khởi công trong tháng 7 và hoàn thành trong tháng 9/2018. Riêng lối xuống biển tại đường Hồ Xuân Hương hiện đang chờ báo cáo lần cuối cùng để thống nhất phương án đảm bảo hài hòa của doanh nghiệp và người dân dựa trên nguyên tắc phải đảm bảo các lối xuống biển như cũ, thậm chí tốt hơn trước đây. Sau khi có phê duyệt sẽ có công bố kế hoạch, phương thức cũng như nguồn vốn triển khai dự án. Các lối xuống biển khác Sở sẽ báo cáo thành phố trong các kỳ họp gần nhất.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết: đã có chủ trương của Ban chấp hành, Ban Thường vụ, HĐND thành phố Đà Nẵng về việc mở lối xuống biển cho người dân tại các dự án ven biển. Hiện tại, công tác triển khai đang thuận lợi, các ban, ngành đã họp để chốt lại quy hoạch các lối xuống biển, thu hồi các khu đất chậm triển khai dự án. Qua đó, thành phố đã tính tới việc bồi thường giải tỏa.
“Có hai dự án ven biển thành phố đã phát hiện và đã trao đổi với cơ quan Thanh tra Chính phủ là có thể không chờ đợi kết quả điều tra, thanh tra mà vẫn có thể tiến hành thu hồi sớm được, do việc giao đất không đúng đối tượng. Hai dự án này giao đất cho những cái tên sai, tức tên đó không có thật, chủ dự án đó không có thật”, ông Thơ cho biết.
Theo tìm hiểu, trong số hai dự án trên có một dự án diện tích trên 37.000 m2 được chính quyền Đà Nẵng giao đất cho Cty TNHH IVC (ông Phan Văn Anh Vũ làm chủ tịch hội đồng thành viên) năm 2014, nằm cuối đường Huyền Trân Công Chúa (quận Ngũ Hành Sơn) để đầu tư khu du lịch ven biển. Khi thanh tra Sở TN&MT Đà Nẵng và HĐND thành phố vào giám sát đã phát hiện ông Phan Văn Anh Vũ chuyển đổi chủ đầu tư, cổ phần tại dự án trên cho một người đứng tên trong CMND nhưng trên thực tế người này không có thật.
"Bờ biển là lãnh thổ quốc gia không được xâm phạm, nếu lấn biển phạm Luật Biển mới, vì lấn biển đồng nghĩa mất bãi biển luôn. Nếu muốn lấn biển phải xin Quốc hội, xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thông qua mới được triển khai. Đánh giá tác động môi trường dự án lấn biển phải làm kỹ, khoa học và phải đánh giá được ảnh hưởng về cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến cư dân cả một vùng rộng lớn", ông Diệm cho biết.
Tiền phong