MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã qua đời 5 năm nhưng cái bóng của Steve Jobs ở Apple là quá lớn?

18-10-2016 - 09:51 AM | Tài chính quốc tế

Steve Jobs, một thiên tài về kinh doanh và tầm nhìn, đã ra đi vào tháng 10 năm năm trước, để lại gia sản là công ty giá trị bậc nhất thế giới. Song Apple thời hậu Steve Jobs vẫn ăn nên làm ra.

Rõ ràng không phải ai cũng yêu mến Steve Jobs. Thậm chí, có không ít người đố kỵ vĩ nhân này bởi phong cách lập dị, những ý tưởng kỳ quặc và phong cách của ông trong các buổi "trình làng” sản phẩm ngoạn mục.

Gần đến cuối mỗi buổi giới thiệu sản phẩm mới, Steve Jobs thường thốt lên câu nói đã đi vào huyền thoại "và còn một điều nữa...". Các khán giả ngay lập tức biết đó là phần quan trọng nhất của sự kiện mới chỉ bắt đầu và đồng nghĩa Jobs sắp tiết lộ với các tín đồ Apple điểm cải tiến bất ngờ, yếu tố gần như chắc chắn giúp thương hiệu "Quả táo” hốt bạc.

Người tiêu dùng trên toàn thế giới cảm nhận thấy sự vắng bóng của người có tầm nhìn xa lớn và rộng này. Trên một trang tưởng nhớ "huyền thoại” này, một thành viên có tên tài khoản là Sidharth đã chia sẻ những tình cảm của nhiều đồng nghiệp của mình.

Sidarth viết: "Steve đã thay đổi thế giới, không chỉ một hay hai lần mà nhiều lần. Tài năng của ông đã nâng chuẩn lấy khách hàng làm trọng tâm và đem lại cho chúng ta điều gì đó để hướng tới. Ông đã tạo ra điều kỳ diệu và gần như duy nhất giữ yếu tố thành công bất ngờ còn mãi”.

Dù yêu hay ghét Steve Jobs, thì chúng ta đều phải thừa nhận về tài lãnh đạo mạnh mẽ, đó là ý kiến của Ian Fogg của công ty cung cấp phân tích dữ liệu IHS Markit. "Phong cách lãnh đạo của Steve Jobs là tạo ra ảnh hưởng và thúc đẩy những người khác đạt được những điều lớn lao. Đó là biệt tài lãnh đạo để tạo ra một thể chế, Apple, với những nguyên tắc của riêng mình”.

Có nhiều cuốn sách viết về những thành tựu dường như bất tận của Jobs và thậm chí một bộ phim kinh điển về cuộc đời ông đã được ra mắt công chúng vào năm 2015. Về cơ bản, giá trị lớn nhất của Steve Jobs là khả năng nhìn mọi thứ thông qua con mắt của một người tiêu dùng thông thường. Ông đã nhận ra sự cần thiết và tiềm năng kinh doanh của việc tạo ra các thiết bị dễ sử dụng.

Trên trang web wired.com, người viết Michael Calore đã chỉ ra rằng Jobs "đã đề ra cho mình sứ mệnh "nhân tính hoá” máy tính cá nhân và viết lại những nguyên tắc về thiết kế phần cứng và phần mềm dựa trên kinh nghiệm người dùng."

Steve Jobs đã mang trong mình tư tưởng đó ngay từ đầu, khi Jobs cùng với người đồng sáng lập Apple Steve Wozniak theo đuổi ý tưởng về máy tính cá nhân cho thị trường đại chúng. Dù xuất hiện sau, máy tính cá nhân Mac cuối cùng trở thành sản phẩm PC thành công đầu tiên làm nổi bật con chuột và giao diện đồ họa, giúp người sử dụng dễ dàng hơn thao tác thay vì phải loay hoay với giao diện đường dây lệnh.

Theo các chuyên gia thị trường, không phải thế mạnh công nghệ đã giúp Apple trở nên hùng mạnh đến vậy. Chính sự tập trung vào tính thân thiện với người sử dụng đã tạo nên câu chuyện thành công của thương hiệu "Quả táo cắn dở”.

Eric Eckel thuộc công ty Techrepublic bình luận: "Sản phẩm iPod với giao diện dùng tinh giản được vào thị trường trong năm 2001 đã thay đổi cách mọi người hiện nay mua hay nghe âm nhạc."

Tầm nhìn của Jobs trong việc đẩy mạnh sản phẩm iPhone thậm chí ấn tượng hơn. Dù là sản phẩm đến sau, song điều đã khiến iPhone đã chiếm lĩnh thị trường ngày từ thời điểm được tung ra thị trường vào năm 2007 là sự tích hợp toàn bộ các ứng dụng vào một thiết bị chung và dễ dùng. iPhone tiếp tục là sản phẩm thành công lớn trên thị trường của Apple cho dù giá cao. Tính phổ dụng của sản phẩm đã cho phép Apple thu được biên lợi nhuận đáng kinh ngạc là khoảng 40% đối với một máy, đưa iPhone là nguồn thu lớn cho hãng công nghệ này.

Không thể thay thế?

Steve Jobs đã khiến Apple lớn, không chỉ một lần mà hai lần. Khi ông bỏ công ty ra đi một vài năm sau khi bất đồng với ban quản trị, Apple đã thực sự khó khăn. Song sau khi Jobs quyết định quay về Apple vào năm 1997, ông đã lãnh đạo đưa Apple trở lại thời kỳ chói lọi như trước đây, đi từ thành công này đến thành công khác cho đến khi trao lại "bánh lái” cho người kế nhiệm Tim Cook.

Có thể nói, phần lớn cuộc đời của Steve Jobs không thể thiếu công ty mà mình đồng sáng lập. Song liệu Apple có thể thiếu vắng Steve Jobs? Câu trả lời là có. Doanh thu của Apple đã chứng minh điều đó và làm kinh ngạc nhiều người năm năm trước võ đoán rằng công ty này sẽ tàn lụi nếu không có người "nhạc trưởng” Jobs.

Jobs đã nói với Cook: "Tôi không bao giờ muốn ông đặ câu hỏi tôi đã làm gì mà đơn giản ông hãy làm điều ông cho là đúng đắn!". Và Cook đã đã làm theo lời khuyên này để khỏi phải ngoái lại đắm nhìn về quá khứ.

Theo công ty tư vấn công nghệ Jackdaw Research, doanh thu của Apple trong bốn quý trước khi Tim Cook được bổ nhiệm làm CEO Apple chỉ là khoảng 100 tỉ USD trong năm 2011. Năm năm sau, con số này đã tăng lên gấp hơn hai lần. Ngoài ra, lợi nhuận kinh doanh của Apple trong năm qua cũng đă tăng gấp đôi năm năm trước.

Có một số ý kiến cho rằng, thành quả này đạt được một phần cũng là nhờ công sức của Steve Jobs. Ian Fogg thuộc công ty IHS nhận định: "Thành công của Apple kể từ sau khi Steve Jobs qua đời có lẽ là thành tựu lớn nhất của Steve Jobs vì điều đó cho thấy ông đã xây dựng được văn hóa tạo ra các sản phẩm mới được minh chứng trường tồn”.

Thay đổi đường lối

Dười sự lãnh đạo của Cook, văn hoá của Apple có sự thay đổi, như tăng mạnh chi phí dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển lên khoảng 4% tổng doanh thu thay vì mức 2% mà Jobs đã đề ra trước đây. Và điều này hứa hẹn sẽ được đền đáp trong trung hạn. Apple có đủ tiền của để đầu tư cho dù có những thay đổi đáng kể khác trong chính sách của mình. Cook đã làm điều mà Jobs đã nhất quyết khước từ thực hiện cho đến cùng, đó là Cook đã chi trả lãi cổ phần cho các cổ đông và mua lại cổ phiếu.

Liệu Cook có thể nuôi dưỡng được niềm háo hức mong chờ các sản phẩm mà Apple tạo ra? Điều này cần phải chờ xem. Cho đến nay, sản phẩm đột phá mới duy nhất của Apple thành công trên thị trường dưới thời lãnh đạo của Cook mới chỉ là đồng hồ Apple Watch. Mặc dù đây chưa phải là nguồn thu lớn nhất của Apple, song với ước tính 15 triệu sản phẩm được bán ra trong năm ra mắt đầu tiên thì chính xác không phải là điều thất bại.

Trong bản tổng kết mới nhất về các thương hiệu hàng đầu thế giới trong năm 2016, công ty tư vấn Interbrand đánh giá hãng công nghệ Apple của Mỹ vẫn là công ty có giá trị nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt trên 178 tỉ USD.

Với giá trị vốn hoá thị trường tăng mạnh, Google đứng vị trị thứ hai với giá trị thương hiệu tăng 11%. Đứng vị trí thứ ba là Coca Cola và kế tiếp và Microsoft, Toyota, IBM, Samsung, Amazon, Mercedes và General Electric.

Xuân Hương

DW

Trở lên trên