Đa số người Việt vẫn thích xài tiền mặt
Dù các kênh thanh toán điện tử đang phát triển mạnh nhưng tiền mặt vẫn chiếm ưu thế tại khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam.
- 04-05-2019Thương mại điện tử dùng tiền mặt: Sao “tội đồ” cứ là người tiêu dùng?
- 03-05-2019QR Pay đang thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người Việt
- 21-04-2019Việt Nam và Thái Lan dẫn đầu xu thế không tiền mặt ở Đông Nam Á
Đây là thông tin được đưa ra tại báo cáo có tựa đề "Số hóa tiền mặt tại ASEAN – ý nghĩa đối với các nhà quản lý nguồn vốn doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tương lai", do Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố.
Theo báo cáo, tiền mặt chiếm hơn 70% các giao dịch tại Philippines và Indonesia và 43% tại Singapore. Trong số 6 nước được thống kê, tỉ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ (ATM) khá thấp, chủ yếu chọn hình thức trả tiền mặt khi mua hàng trực tuyến.
Riêng tại Việt Nam, tỉ lệ khách hàng chọn trả tiền mặt khi mua hàng trực tuyến lên tới 90,17%, trong khi tỉ lệ này ở Singapore chỉ là 9,93%, Thái Lan 48,49%...
Tỉ lệ khách hàng mua hàng trực truyến, trả tiền mặt ở Việt Nam rất cao. Ảnh minh hoạ: Linh Anh
Tỉ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam cũng thấp nhất (30,8%) trong số các nước được thống kê ở báo cáo như Indonesia 48,86%, Malaysia 85,34%, Singapore 97,93%...
Vì sao người dân vẫn chuộng sử dụng tiền mặt, dù các nước đang nỗ lực giảm tỉ lệ này và thúc đẩy các kênh thanh toán phi tiền mặt? Báo cáo chỉ rõ 4 lý do chính như sự thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động của thanh toán kỹ thuật số, cách sử dụng; lo ngại quyền riêng tư tài chính cá nhân; cho rằng tiền mặt vẫn là cách đơn giản nhất; với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thanh toán điện tử sẽ phải tốn thêm chi phí…
Các chuyên gia nghiên cứu của Standard Chartered nhìn nhận dù ASEAN không thể trở thành một thị trường phi tiền mặt sớm nhưng những giải pháp do công nghệ mang lại có thể khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp ứng dụng số hóa.
Như ở Việt Nam, số lượng ví điện tử đang phát triển mạnh. Có khoảng 20 ứng dụng ví điện tử tại Việt Nam như Ví Việt, Zalo Pay, 123Pay, Bảo Kim, Bankplus, MoMo, Payoo, Wepay... Tổng giá trị các giao dịch thông qua ví điện tử ngày càng tăng. Với định hướng sử dụng các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt để giảm tỉ lệ các giao dịch bằng tiền mặt xuống dưới 10% trong giai đoạn 2016-2020, dịch vụ thanh toán thông qua ví điện tử được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Nhiều đơn vị nước ngoài như Samsung Pay, Alipay, Amazon cũng đã nhảy vào thị trường Việt Nam để khai phá tiềm năng to lớn này.
Việc triển khai các giải pháp thanh toán tức thì ở hầu hết các thị trường ASEAN sẽ giúp cho việc luân chuyển dòng tiền trở nên nhanh, đơn giản và hiệu quả hơn. Đồng thời, giải pháp sử dụng các máy gửi tiền tự động ước tính sẽ làm giảm chi phí xử lý tiền mặt trên tổng số tiền mặt cần được xử lý so với phương pháp thu tiền truyền thống.
Ngoài ra, sự phát triển về hạ tầng ngân hàng số tại ASEAN mang đến rất nhiều cơ hội. Để thu hẹp khoảng cách về công nghệ số, các ngân hàng đang tăng cường đầu tư nhằm cung cấp thêm nhiều dịch vụ sáng tạo. Một nghiên cứu chỉ ra rằng 64% các tổ chức tài chính tại ASEAN có kế hoạch đầu tư để phát triển và hiện đại hóa hạ tầng thanh toán trong 2 năm tới.
Người lao động