Đa số ý kiến đồng tình Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm nhà ở xã hội
Chiều 26/10, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
- 25-10-2023120.000 tỷ cho nhà ở xã hội: Mới giải ngân được hơn 83 tỷ đồng
- 25-10-2023Bắc Giang mở rộng đối tượng mua tại Dự án nhà ở xã hội 4.000 tỷ đồng
- 25-10-2023Chủ tịch CEO Group: Cần đa dạng nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội
Bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội
Liên quan đến quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (khoản 4 Điều 80), ông Tùng cho biết, do vấn đề này còn ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình 2 phương án:
Phương án 1: Tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi.
Phương án 2: Chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến UBTVQH tán thành Phương án 1.
Cụ thể hoá Nghị quyết của Bộ Chính trị
Về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (Điều 92 và Điều 94), UBTVQH nhận thấy về vấn đề này có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 vì giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp như: Thủ tục đầu tư xây dựng rút gọn do đồng bộ với khu công nghiệp; Thuận tiện cho công nhân trong sinh hoạt, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông...; Vẫn có thể bảo đảm về môi trường sinh hoạt, an ninh, an toàn với giải pháp có tường rào, lối đi riêng tách biệt với khu sản xuất công nghiệp.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; cần giao địa phương bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp vì: Không bảo đảm thống nhất với Điều 19 của Luật Đầu tư; Khó bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong khu công nghiệp, nhất là những khu công nghiệp lớn, có đông người lao động làm việc; Có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân, người lao động nếu bố trí chỗ ở trong khu vực sản xuất.
UBTVQH tán thành với Loại ý kiến thứ nhất để bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào các điều 94, 95, 96 của dự thảo Luật quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và giao Chính phủ quy định điều kiện về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp;
Đồng thời xác định rõ đối tượng thuê nhà lưu trú công nhân chỉ bao gồm cá nhân công nhân đang làm việc tại chính khu công nghiệp đó để phù hợp với tính chất lưu trú của công trình, tập trung chính sách cho đối tượng thụ hưởng là người có thu nhập thấp. Đồng thời, sửa đổi Điều 19 của Luật Đầu tư để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp, qua thảo luận, UBTVQH nhận thấy có 2 loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất: Không tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp vì chính sách này có một số hạn chế như: Sơ hở trong quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, chất lượng công trình, bởi vì theo phương án do Chính phủ trình, loại công trình này không phải lập dự án đầu tư để xin chấp thuận chủ trương đầu tư...
Loại ý kiến thứ hai: Tán thành việc xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp. Theo đó, việc bổ sung quy định về phát triển nhà lưu trú công nhân ngoài phạm vi khu công nghiệp nhằm thúc đẩy thực hiện Đề án 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội và Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến UBTVQH tán thành với loại ý kiến thứ nhất.
Tiền phong