MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Đại bàng Mỹ' mạnh tay rót vốn, Việt Nam được gọi tên là người chiến thắng trong lĩnh vực đang khuấy đảo toàn cầu

05-09-2023 - 08:28 AM | Tài chính quốc tế

Động thái của các tập đoàn Mỹ đã cho thấy vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực đang tạo nên 'cơn sốt lớn' trên thế giới.

'Đại bàng Mỹ' mạnh tay rót vốn, Việt Nam được gọi tên là người chiến thắng trong lĩnh vực đang khuấy đảo toàn cầu - Ảnh 1.

'Đại bàng Mỹ' mạnh tay rót vốn

Trong nhiều năm qua, Mỹ đã tích cực rót vốn đầu tư vào Việt Nam. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư , trong năm 2022, Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 748,17 triệu USD với 91 dự án cấp mới, xếp thứ 8 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Tính đến 20/2/2023, lũy kế tổng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam đạt 11,42 tỷ USD với tổng 1.223 dự án.

Nếu xét theo ngành, lĩnh vực thì các nhà đầu tư Mỹ đầu tư tập trung chủ yếu vào dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 43,1% tổng vốn đầu tư), công nghiệp chế biến, chế tạo (32%), cấp nước và xử lý chất thải (5,1%), vận tải kho bãi (3,9%).

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ vẫn duy trì hoạt động và tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam.

Các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Intel, Coca-Cola, Cargill... hiện đang là những "đại bàng Mỹ" tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Kim Huat Ooi - phó chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành, kiêm tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2021, Intel đã đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỷ USD và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

"Chúng tôi muốn tiếp tục đầu tư và đây chắc chắn là điều Intel sẽ thực hiện" - Ông Kim nhấn mạnh.

'Đại bàng Mỹ' mạnh tay rót vốn, Việt Nam được gọi tên là người chiến thắng trong lĩnh vực đang khuấy đảo toàn cầu - Ảnh 2.

Nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ đã mạnh tay rót vốn vào Việt Nam.

Tháng 2 năm nay, hãng tin Reuters cho biết, tập đoàn Intel của Mỹ đang xem xét khả năng triển khai kế hoạch tăng mức đầu tư, mở rộng nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip tại Việt Nam.

Hãng tin Anh bình luận, động thái của Intel cho thấy vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn khi nhiều ông lớn công nghệ trên thế giới nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trả lời Reuters, đại diện Intel nhấn mạnh: "Việt Nam là một phần quan trọng trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của chúng tôi".

Tháng 3 năm nay, phái đoàn 52 doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong đó có Boeing, SpaceX, Netflix, Apple đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác ở nhiều lĩnh vực. Đây cũng là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất tới Việt Nam từ trước đến nay,

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhấn mạnh, việc 52 tập đoàn lớn của Mỹ đến Việt Nam là thể hiện cam kết của doanh nghiệp Mỹ quan tâm đầu tư tại Việt Nam.

Vị thế bất ngờ của Việt Nam

Tháng 7 vừa qua, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, Mỹ mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam và có kế hoạch tăng cường hợp tác về chuỗi cung ứng trên cơ sở đối tác toàn diện, tin cậy.

Bên cạnh đó, Washington sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo.

Có thể thấy, Mỹ ngày càng coi trọng vị trí của Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Trước đó, vào tháng 4, Bloomberg cho hay, trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường cung ứng chip để tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc thì Việt Nam cùng với Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia đang nổi lên như những "người chiến thắng".

Việt Nam và Thái Lan, với thị trường sản xuất chip lớn hai nước còn lại, đã gia tăng giao dịch với Mỹ trong lĩnh vực này lên các con số ấn tượng. Riêng vật liệu bán dẫn của Việt Nam đã chiếm hơn 10% hàng nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp.

Đây là một cột mốc quan trọng khi ngành công nghiệp bán dẫn được xem là một yếu tố rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh kinh tế toàn cầu của một quốc gia trong kỷ nguyên chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI).

Thực thế cho thấy, sự thiếu hụt chất bán dẫn trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành đã tạo ra những "cơn địa chấn" trên khắp các nền kinh tế toàn cầu, bóp nghẹt nguồn cung của mọi thứ, từ tai nghe cho tới ô tô.

'Đại bàng Mỹ' mạnh tay rót vốn, Việt Nam được gọi tên là người chiến thắng trong lĩnh vực đang khuấy đảo toàn cầu - Ảnh 3.

Việt Nam, cùng với Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia, đang nổi lên như những "người chiến thắng" trên thị trường cung cấp chip bán dẫn sang Mỹ.

Về phần mình, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh mở rộng ngành sản xuất chip bán dẫn của riêng mình, đồng thời, tăng cường thu hút các công ty nước ngoài ở cả 3 phân khúc chính là lắp ráp; thử nghiệm và đóng gói; sản xuất có dây chuyền; thiết kế chip.

Hãng tin Sputnik trích lời một đại diện ngành công nghiệp Mỹ khẳng định, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực lắp ráp và thiết kế chip.

" Cơ hội lớn nhất của Việt Nam là định hình vị thế của mình trong lĩnh vực lắp ráp chip để đáp ứng nhu cầu của ngành bán dẫn nhằm giảm 'sự phụ thuộc và tập trung quá mức' năng lực sản xuất ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) - hiện chiếm tới 60% công suất phân khúc sản xuất toàn cầu " - Vị này nói.

Việt Nam có thể thành trung tâm bán dẫn thế giới

Nhiều chuyên gia nhận định, cánh cửa đến với cuộc đua sản xuất chip toàn cầu là rộng mở đối với Việt Nam dù còn nhiều việc phải làm.

Việt Nam được đánh giá là cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực bán dẫn.

'Đại bàng Mỹ' mạnh tay rót vốn, Việt Nam được gọi tên là người chiến thắng trong lĩnh vực đang khuấy đảo toàn cầu - Ảnh 4.

Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới.

Cuối năm 2022, Samsung đã khánh thành trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D) trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và công bố kế hoạch sản xuất hàng loạt chip tại Việt Nam từ giữa năm 2023.

Amkor Technology, công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài, cũng cho biết sẽ mở nhà máy tại Việt Nam vào cuối năm nay.

Viện phân tích ISEAS-Yusof Ishak nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trở nên phụ thuộc vào chất bán dẫn hơn bao giờ hết, việc định vị chiến lược và tiếp tục tập trung vào lĩnh vực này có thể giúp Việt Nam thu được những lợi ích đáng kể.

Đáng nói, bằng cách tăng cường hệ thống đào tạo, đổi mới trong nước và xây dựng chiến lược rõ ràng, Việt Nam có thể biến ‘cơn sốt chip’ thành cuộc marathon được lên chiến lược bài bản, đảm bảo vị thế trong top đầu cuộc cách mạng bán dẫn.

Theo Vy Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên