'Đại bàng' ngành bán dẫn của Mỹ, Trung Quốc đang tới Việt Nam
Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành, tới từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc...
- 29-09-2023Đề xuất cắt vốn dự án đầu tư công đang 'bất động'
- 29-09-2023Thí điểm thu phí không dừng xe vào sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất
- 29-09-2023Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng dẫn đầu ASEAN trong năm nay
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - ở Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam sáng nay (29/9), tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ KH&ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đồng chủ trì, với sự góp mặt đông đảo của doanh nghiệp hàng đầu hoạt động đầu tư kinh doanh trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị ngành bán dẫn.
Theo ông Dũng, hội nghị diễn ra chỉ 2 tuần sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Joe Biden cho thấy sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và nêu 5 yếu tố chính. Điểm đầu tiên được nhắc tới, là hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ Việt Nam, đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam
Về lao động, Việt Nam có nhân sự dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, phù hợp với ngành bán dẫn; nhiều đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội và Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội và các doanh nghiệp lớn sở hữu nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như: Viettel, VNPT, FPT, CMC.
Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan - Trung Quốc... là thông điệp được nêu ra trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cách đây 2 tuần. Trong tuyên bố chung của hai nước, hợp tác về đổi mới sáng tạo và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nội dung quan trọng nhất.
Ông Dũng cho biết, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn, được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TPHCM, Hòa Lạc (Hà Nội) và Đà Nẵng.
“Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á.Trong tương lai, chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ trở thành đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu. Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các tập đoàn bán dẫn hàng đầu trong việc thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển”, Bộ trưởng KH&ĐT khẳng định.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: "Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn tại Việt Nam và trong khu vực. Hội nghị Thượng đỉnh năm nay sẽ thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng bán dẫn Đông Nam Á, và là cầu nối cho sự phát triển của ngành bán dẫn trong khu vực, được xem như thị trường có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi ngành bán dẫn toàn cầu trong những năm tới".
Bà Linda Tan - Chủ tịch Hiệp hội Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI) - chia sẻ, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn.
Được biết, trong dịp này, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì tọa đàm “Hợp tác, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đông Nam Á” với sự tham gia của Chủ tịch SEMI cùng 40 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực bán dẫn từ châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á và Việt Nam.
Tiền phong