MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Hoàng Quang Hàm lý giải vì sao Việt Nam vẫn chưa hóa rồng, hóa hổ

Phát biểu trước Quốc hội, Đại biểu Phú Thọ Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, nêu lý do kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa hóa rồng, hóa hổ.

"Để tìm được căn nguyên chúng ta cần nhìn lại cả quá trình phát triển", Đại biểu Hàm chia sẻ.

Theo ông Hàm, cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700 USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000.

"Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam", ông Hàm cho biết.

Theo đó, cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm (2017 khoảng cách là khoảng 8.300; 18 khoảng 8.400). Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn.

ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết: "30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… hóa rồng, hóa hổ nhưng 30 năm qua, chúng ta tăng trưởng nhanh mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Số liệu cho thấy, chúng ta đang tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế".

Ông Hàm cho biết, nguy cơ này Đảng đã chỉ ra từ nhiều năm trước, nhưng vẫn là nguy cơ thường trực, khó khắc phục, cần có đột phá để thay đổi. Đồng thời, nếu không khắc phục được bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo, thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trong thời kỳ phát triển, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc bình quân từ 8 đến 10%/năm.

Đề cập tới những biến động trong khu vực và trên thế giới, ông Hàm chỉ rõ các nước lớn có thể thỏa hiệp khi đạt lợi ích mà bỏ qua lợi ích của nước khác; chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng quay lại. Trong quan hệ đa phương, song phương, các quốc gia đều tính toán kỹ để bảo đảm lợi ích của quốc gia mình.

Chính vì vậy, việc tận dụng, hưởng lợi từ chia sẻ công nghệ cốt lõi, thành tựu khoa học vượt trội của các nước để đi tắt, đột phá, vươn nhanh ngày càng khó khăn. Cùng với đó, việc bứt phá về tăng trưởng,việc thoát khỏi vị thế gia công, lắp ráp ngày càng nhiều trở ngại.

"Giải pháp của Chính phủ đưa ra là đầy đủ và toàn diện nhưng với nội lực, bối cảnh như vậy cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình", ông Hàm chia sẻ.

Đại biểu Hàm cho rằng ba vấn đề cốt lõi cần giành nguồn lực, thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu đó là trình độ lao động; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. "Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Nhưng để làm được cần đổi mới mạnh mẽ, gắn giáo dục, đào tạo với yêu cầu của thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp; có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ", ông Hàm nói.

Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng muốn vậy cần phải có kênh, nguồn vốn, chính sách cho khởi nghiêp sáng tạo và phải chấp nhận rủi ro vì theo thống kê chỉ có khoảng 6% ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thành công còn 94% là thất bại nhưng nếu thành công thì mang lại lợi ích và giá trị gia tăng rất lớn. Ba vấn đề không mới, đã được minh chứng ở nhiều quốc gia, quan trọng là triển khai thực hiện.

"Tụt hậu về kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do chưa đột phá thành công các vẫn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu và là căn nguyên dẫn đến chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng chưa hóa rồng, hóa hổ", ông Hàm nhấn mạnh.

Mặt khác, đời sống của nhân dân, thực lực của nền kinh tế tăng nhanh nhưng chưa cùng với tốc độ tăng trưởng;cần có chỉ tiêu pháp lệnh để nhận rõ vấn đề này. Hiện nay, độ mở của nền kinh tế rất lớn, kim ngạch xuất, nhập khẩu khoảng 200% GDP, xuất siêu nhiều năm nhưng người hưởng lợi đa số là doanh nghiệp FDI vì các doanh nghiệp này chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu. Phần hưởng lợi đó được  tính trong tổng GDP của Việt Nam nên cần phải loại trừ yếu tố này mới nhìn nhận phù hợp thực lực của nền kinh tế và thu nhập của người dân.

"Đây không phải là bất cập, đất nước đi lên từ gian khó chúng ta phải huy động mọi nguồn lực để phát triển, việc thu hút FDI một cách chọn lọc là cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm chỉ tiêu đánh giá để nhìn nhận sát đúng hơn tình hình và có giải pháp phù hợp. Vì vậy, đề nghị Quốc hội ngoài việc giao chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm nội địa) như trước đây cần giao thêm chỉ tiêu GNI ‘thu nhập quốc dân’ để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế, thu nhập của người dân", ông Hàm nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cũng nêu thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, có tiền không tiêu được đang có xu hướng gia tăng, năm sau chậm hơn năm trước. Năm 2018, giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất so với 6 năm về trước. Trong 9 tháng đầu năm 2019, giải ngân còn thấp hơn so với cùng kỳ 2018, đạt 49% kế hoạch. Ông Hàm cho rằng cần khắc phục yếu kém trongcông tác lập, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư.

"Luật đầu tư công cũ và mới đều qui định khi trình Quốc hội phải có danh mục mức vốn cho từng dự án nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Việc thiếu danh mục mức vốn cho thấy đến tháng 10 của năm trước năm kế hoạch chưa biết sẽ phân bổ cho dự án nào, bao nhiêu tiền đương nhiên sẽ chậm chễ trong phân bổ, giao vốn và tất yếu dẫn đến giải ngân vốn chậm. Đồng thời tạo một khoảng tối, không minh bạch trong phương án trình, thiếu căn cứ để Quốc hội thảo luận", ông Hàm cho biết.

Linh Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên