MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Lê Thanh Vân: Thủ tướng Phạm Minh Chính đối diện thách thức về thể chế, đầu tư công

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đối diện với nhiều áp lực về những tồn tại trong đầu tư công, tài chính công hay tạo ra những xung lực mới trong bối cảnh gần như không có thay đổi về nguồn lực, thậm chí dư địa huy động nguồn lực còn hẹp hơn.

Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính vừa được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng - kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc điều hành Chính phủ.

Những thành công trong chính sách phát triển kinh tế ở Quảng Ninh hay các dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng, tổ chức cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương được đánh giá là lợi thế của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Những kết quả đó cũng là cơ sở để các đại biểu Quốc hội gửi gắm niềm tin, kỳ vọng vào người đứng đầu Chính phủ. Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi bên hành lang Quốc hội với đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về những kỳ vọng với tân Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo ông, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính có những lợi thế gì?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Tôi cho rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính có 3 lợi thế.

Thứ nhất, là người trưởng thành từ ngành bảo vệ pháp luật, tân Thủ tướng sẽ biết vận hành bộ máy theo đúng quỹ đạo một cách có kỷ cương, quy tắc. Như vậy, kỷ cương phép nước sẽ được bảo đảm.

Đại biểu Lê Thanh Vân: Thủ tướng Phạm Minh Chính đối diện thách thức về thể chế, đầu tư công - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: PV.

Lợi thế thứ hai là con người hành động. Giai đoạn ông Phạm Minh Chính giữ chức Bí thư Quảng Ninh, góp phần tạo ra những kết quả rất rõ nét, từ tổ chức bộ máy cho đến vận hành thiết chế kinh tế ở địa bàn có nhiều lợi thế. Đặc biệt, vai trò người đứng đầu trong tìm kiếm chính sách, biến thách thức thành cơ hội.

Thành quả mà Quảng Ninh đạt được không thể không nói đến vai trò của ông Phạm Minh Chính. Lợi thế về kinh nghiệm và tầm nhìn chính sách sẽ giúp tân Thủ tướng tạo xung lực mới trong đột phá chính sách, huy động nguồn lực của cả nước cho đầu tư phát triển.

Lợi thế thứ ba, trên cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính là người đề xuất, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều văn bản về thể chế tổ chức, nhân sự.

Đây cũng chính là lợi thế để tân Thủ tướng cầm cương duy trì trật tự, kỷ cương trong bộ máy và công tác nhân sự. Đặc biệt là việc biết vận hành đội ngũ cộng sự của mình trong Chính phủ, đánh giá đúng điểm mạnh của từng thành viên Chính phủ để sắp xếp, sử dụng con người".

Từ những lợi thế phân tích trên, tôi kỳ vọng Chính phủ khóa mới dưới sự điều hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có những đột phá mới.

Những áp lực Thủ tướng Phạm Minh Chính phải đổi mặt trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Nhiều khó khăn, trở ngại tân Thủ tướng cần đối mặt. Đầu tiên là thể chế, chính sách còn ngổn ngang nhiều vấn đề. Ví dụ, thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, thể chế về tổ chức bộ máy đang trong quá trình hoàn thiện.

Đặc biệt, thể chế về nhân sự còn rất nhiều vấn đề bất cập, từ lựa chọn theo tiêu chí hình thức hay nội dung, theo tiêu chí về bằng cấp hay thực chứng… Cái đấy là cái thách thức để Thủ tướng lựa chọn được đội ngũ cộng sự cho mình.

Thứ hai là áp lực về những tồn tại trong đầu tư công, tài chính công. Vận hành như thế nào đó để tạo ra những xung lực mới trong bối cảnh gần như không có thay đổi về nguồn lực, thậm chí dư địa huy động nguồn lực còn hẹp hơn.

Vậy, tân Thủ tướng phải làm gì để tạo ra xng lợi mới?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Tôi tin tân Thủ tướng sẽ có nghệ thuật để tạo xung lực mới. Mà cái xung lực ấy là dân chủ. Chỉ có dân chủ  mới huy động được tối đa các nguồn lực, trong đó về tài lực chỉ là một nguồn lực thôi. Nguồn lực lớn nhất đó là trí tuệ, sức mạnh của cả dân tộc. Chỉ cần Thủ tướng đột phá vào niềm tin của nhân dân đã có sức mạnh rồi.

Vì vậy, Chính phủ cần huy động sức mạnh, gây dựng niềm tin của nhân dân trong xã hội thì nhân dân sẽ tin tưởng ủng hộ chính quyền. Nhiều nhà kinh tế ước đoán rằng chúng ta có hàng tỷ USD, hàng trăm ngàn tấn vàng, tại sao dân không tin để đầu tư ra? Vì niềm tin chưa tuyệt đối. Thế nên, tôi muốn nói rằng chỉ có dân chủ, bằng nhiều hình thức mới gây dựng được niềm tin, thì người dân có niềm tin thì họ mới trao tài sản cho Nhà nước.

Đây là cái bí quyết mà tân Thủ tướng phải nghiền ngẫm, nắm bắt, đưa cách thức huy động nguồn lực. Đó cũng là những áp lực, thách thức với tân Thủ tướng, gỡ được là cái tài của người lãnh đạo.

Theo Thắng Quang

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên