MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trăn trở của Chủ tịch nước và Thủ tướng trong ngày "chuyển giao tay lái" con tàu kinh tế Việt Nam

Trăn trở của Chủ tịch nước và Thủ tướng trong ngày "chuyển giao tay lái" con tàu kinh tế Việt Nam

Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội ngày 5/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính đều chỉ ra những lợi thế nhưng cũng thẳng thắn nhìn vào những thách thức với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Trăn trở của Chủ tịch nước và Thủ tướng trong ngày chuyển giao tay lái con tàu kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông báo về việc điều chỉnh một phần lịch trình làm việc khi lần đầu tiên, Quốc hội bầu đương kim Thủ tướng vào cương vị Chủ tịch nước. Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc đảm trách cương vị người đứng đầu nhà nước, ông vẫn là Thủ tướng do Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng chỉ có hiệu lực khi Quốc hội bầu được Thủ tướng mới.

2 lần phát biểu trước Quốc hội trong kỳ họp này, ông Nguyễn Xuân Phúc đều nhắc đến "hải trình dồn dập và đầy bão tố" của kinh tế Việt Nam. Khó khăn, thách thức đến từ đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ và hàng loạt những biến động địa chính trị khác. Dù Việt Nam có thể đã quen với thiên tai và biến động địa chính trị nhưng Covid-19 đặt ra những vấn đề hoàn toàn mới và chưa thể kết thúc khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mãn nhiệm.

Bình thường mới, điều ông Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhiều trong nhiệm kỳ Thủ tướng vừa qua, vẫn sẽ là bài toán khó cho Chính phủ trong thời gian tới. Cùng với đó, "thực hiện thành công mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế vẫn là nhiệm vụ xuyên suốt.

Trăn trở của Chủ tịch nước và Thủ tướng trong ngày chuyển giao tay lái con tàu kinh tế Việt Nam - Ảnh 2.

Là một trong số hiếm hoi các nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020, Việt Nam có quyền tự hào về những gì mình đã đạt được. Tuy nhiên, việc các nền kinh tế phát triển đang tiến tới miễn dịch cộng đồng thông qua vắc xin đặt ra những đòi hỏi thay đổi với Việt Nam để không bị bỏ lại phía sau với các phương thức chống dịch hiện có.

Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 nhưng du lịch vẫn đang bị đình trệ khiến 8% GDP của đất nước hao hụt. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn đang loay hoay và khó nhận được hỗ trợ từ chính sách vì không đáp ứng đủ các tiêu chí. Những trở ngại này không thể biến mất trong ngày một, ngày hai.

Không chỉ xuất hiện trong phát biểu nhậm chức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đại dịch Covid-19 cũng được tân Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến trong phát biểu đầu tiên trên cương vị mới. Nó đang là một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nói: "Khó khăn không phải là thứ sinh ra để làm chùn bước chúng ta, nó là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý chí vươn lên".

Trăn trở của Chủ tịch nước và Thủ tướng trong ngày chuyển giao tay lái con tàu kinh tế Việt Nam - Ảnh 3.

Sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại cũng là điều Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện rõ trong bài phát biểu trước Quốc hội và cử tri cả nước chiều 5/4. Một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới là "quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ".

Để đạt được mục tiêu này, tân Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển; chủ động phòng chống và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19.

Trăn trở của Chủ tịch nước và Thủ tướng trong ngày chuyển giao tay lái con tàu kinh tế Việt Nam - Ảnh 4.

Nhận nhiệm vụ mới, cả Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính đều cam kết nỗ lực hết mình đồng thời đề cao việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành để đạt hiệu quả hoạt động cao nhất. Xuyên suốt cả 2 bài phát biểu, người nghe không khó để nhận thấy quyết tâm xây dựng một đất nước Việt Nam giàu, mạnh của 2 nhà lãnh đạo.

"Khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường 2045 không phải là một món quà có sẵn vào năm 2045, mà đó là mục tiêu cao cả mà chúng ta hôm nay và những thế hệ tiếp theo phải nỗ lực phấn đấu để giành được", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói trong phát biểu nhậm chức.

Trăn trở của Chủ tịch nước và Thủ tướng trong ngày chuyển giao tay lái con tàu kinh tế Việt Nam - Ảnh 5.

Là một đất nước đa dạng với nhiều dân tộc anh em, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh người Việt Nam có chung một trái tim, một mái nhà, một lịch sử vẻ vang và một sứ mệnh vinh quang. Những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam được viết lên bằng mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ.

"Chúng ta có niềm tin mãnh liệt rằng: tiếp nối truyền thống hào hùng sẽ có nhiều chương sử mới viết tiếp những kỳ tích tiến lên giàu mạnh, hùng cường của đất nước ta, và dân tộc ta", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Dù đạt được nhiều thành tựu nhờ sự chung sức, đồng lòng của cả dân tộc trong những năm qua, Chủ tịch nước vẫn nhấn mạnh trên chuyến hải trình sắp tới, con tàu Việt Nam ta sẽ còn gặp phải những con sóng dữ và nhiều ngọn gió lớn. Tuy nhiên, có cả thời cơ và thách thức đan xem trong đó.

"Tôi luôn tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam, với sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua mọi sóng to, gió cả để đến bến bờ bình an và hạnh phúc", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Với lịch sử vẻ vang của dân tộc, đặc biệt là trong hơn 75 năm qua với 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tỏ ra vững tin vào một tương lai tươi sáng. Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Trăn trở của Chủ tịch nước và Thủ tướng trong ngày chuyển giao tay lái con tàu kinh tế Việt Nam - Ảnh 6.

Tân Thủ tướng nêu bật 5 trọng tâm chính của Chính phủ trong thời gian tới trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; Quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội và Xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát triển văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

"Tôi nhận thức sâu sắc rằng, Chính phủ và hoạt động của Chính phủ có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên