MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Nhà nước và doanh nghiệp sẽ ngồi cùng thuyền trong các dự án PPP

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cơ quan được giao trách nhiệm thẩm tra Dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vừa được trình Quốc hội xem xét, nhấn mạnh đây là hợp đồng dân sự về kinh tế, nhà nước và nhà đầu tư phải bình đẳng.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên đoàn Sóc Trăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ được thông qua trong 2 kỳ họp. Với 11 chương, 102 điều, luật có phạm vi điều chỉnh không chỉ các hoạt động đối tác công tư trong các hệ thống cơ sở hạ tầng mà còn cả trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm dịch vụ công.

"Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật tương đối rộng. Ngoài 7 lĩnh vực cụ thể còn khoản 8 là các quy định khác theo quyết định chính phủ. Gần như mọi lĩnh vực đều có thể áp dụng hình thức đối tác công tư", ông Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Tuy nhiên, chính phạm vi rộng cũng là điều mà ông Kiên cho rằng nhiều đại biểu băn khoăn. Trên thực tế, trong suốt 20 năm qua, việc huy động nguồn vốn theo đối tác công tư là 1.680.000 tỷ đồng, tương đương gần 80 tỷ USD. Tuy nhiên, các lĩnh vực này vốn chỉ tập trung quanh các dự án nhiệt điện và giao thông. Bây giờ, quy định còn có cả về văn hóa, thể thao và du lịch.

"Về đối tượng áp dụng, cơ quan soạn thảo và thẩm tra coi đây là hợp đồng dân sự về hoạt động kinh tế. Cơ quan nhà nước có phẩm quyền, khi tham gia PPP, phải xác định mình là đối tác bình đẳng với doanh nghiệp và các nhà đầu tư khác. Vai trò quản lý nhà nước phải tách ra với vai trò là một bên trong hợp đồng đối tác công tư", ông Kiêm cho biết.

Theo ông Kiên, bất cứ chính quyền nào đều mong muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội để đẩy mạnh đời sống người dân. Tuy nhiên, khả năng của các quốc gia là hữu hạn, không phải vô hạn. Bất cứ nước nào cũng phải cân đối giữa mong muốn phát triển với khả năng tài chính. Để đảm bảo nguồn vốn phát triển, cần phải có những kênh huy động khác.

"Cái được là trong khi nguồn lực có hạn vẫn có thể cung cấp các dịch vụ cho người dân và xã hội. Sau một thời gian nhất định được quy định bởi hợp đồng, công trình ấy, tài sản ấy sẽ trở thành tài sản của nhà nước", ông Kiên nhấn mạnh và cho biết, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước không làm tốt công tác tuyên truyền, dẫn tới dư luận xã hội không đồng tình với PPP.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Nhà nước và doanh nghiệp sẽ ngồi cùng thuyền trong các dự án PPP - Ảnh 1.

Trong dự thảo luận được trình lên Quốc hội, việc áp dụng các điều ước quốc tế cũng được đề cập. Theo ông Kiên, dự thảo được thiết kế trên tinh thần tôn trọng tối đa tài sản doanh nghiệp, tài sản công dân khi góp vào đầu tư với nhà nước theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013.

"Chúng ta phải tác ra. Doanh nghiệp được thành lập để thực hiện dự án phải hoạt động theo luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chịu chi phối của luật pháp Việt Nam. Nếu tranh chấp xảy ra giữa hai bên thì nhà nước cũng chỉ là 1 đối tác tham gia hợp đồng. Có thể chọn trọng tài kinh tế ở Việt Nam hay nước ngoài để giải quyết những tranh chấp", ông Nguyễn Văn Kiên cho hay.

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng nhấn mạnh việc lựa chọn nhà đầu tư và lựa chọn nhà thầu xây lắp trong dự án PPP là khác nhau. "Tiêu chuẩn chọn nhà đầu tư khác với tiêu chuẩn lựa chọn nhà thầu. Dự thảo luật nên có hẳn một chương nói về lựa chọn nhà đầu tư để rõ ràng hơn", đại biểu Kiên cho hay.

Trước những ý kiến cho rằng dự thảo luật đang ưu đãi quá lớn cho các nhà đầu tư hoặc lo ngại về việc lấy ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, gây thất thoát tài sản nhà nước, ông Kiêm cho biết dự thảo luật được kết cấu theo hướng nhà nước cũng chỉ là 1 đối tác bình đẳng trong hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp.

"Nhà nước và doanh nghiệp ngồi cùng thuyền. Nếu thuyền chìm, nhà nước cũng chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu dự án về đích nhanh, nhà nước cũng sẽ được hưởng lợi", ông Nguyễn Đức Kiên cho hay.

Tuy nhiên, để mời gọi các nhà đầu tư, dự thảo luật cũng có quan điểm khi rủi ro xảy ra, nhà nước sẽ chịu tối đa 50% thiệt hại công trình, miễn sao phải chứng minh được thiệt hại này bắt nguồn từ những nguyên nhân bất khả kháng. Tuy nhiên, nhà nước sẽ được hưởng tối thiểu 50% phần lợi nhuận vượt lợi nhuận đã được phê duyệt.

"Tại sao lại dùng từ tối thiểu ở phần này. Có những lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng khi nhà nước đưa ra cơ chế, điều chỉnh chính sách để phát triển kinh tế, xã hội. Điều này có thể khiến lợi nhuận dự án tăng. Những phần tăng tới từ việc nhà nước điều chỉnh thì phải trả lại cho nhà nước", ông Kiên cho hay.

Để đảm bảo sự yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo luật cũng thiết kế quyền chuyển đổi ngoại tệ. Theo đó, Chính phủ sẽ đảm bảo quyền chuyển đổi 30% tổng doanh thu của doanh nghiệp khi đã nộp thuế và các khoản thu hợp pháp khác. Thực tế, đây chính là lợi nhuận ròng của doanh nghiệp. Với một dự án, lợi nhuận ròng 30% là rất cao.

Việc chuyển đổi này cũng sẽ không làm ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối quốc gia. Khi nhà đầu tư muốn ngoại tệ để chuyển lợi nhuận hay mua thiết bị, họ có quyền chuyển đổi tại các cơ sở kinh doanh theo quy định ngoại nước, thực chất là các ngân hàng thương mại cổ phần. Nếu ngân hàng không đáp ứng được tất cả nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ của nhà đầu tư, nhà nước sẽ chỉ đạo đáp ứng nốt phần còn lại.

"Vấn đề này, Ủy ban Kinh tế đã có nhiều buổi làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn triển khai nhiều dự án chất lượng cao ở Việt Nam. Họ đều tỏ ra rất hài lòng với quy định chuyển đổi ngoại tệ này", ông Kiên nhấn mạnh.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên