MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Hạ cánh an toàn nhưng sai thì vẫn xử lý nghiêm

Tình trạng nhiều cán bộ lãnh đạo đã hết nhiệm kỳ nên việc kỷ luật không thực sự nghiêm túc cần được chấn chỉnh lại.

Đó là quan điểm của Đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đoàn Ninh Thuận - ông Nguyễn Sỹ Cương - nguyên Chánh thanh tra Bộ Nội vụ khi trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm của những lãnh đạo đã nghỉ hưu đối với sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ và quản lý không hiệu quả.

Nhìn vào hoạt động điều hành giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của Chính phủ, mà cụ thể là trường hợp cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong công tác điều hành chung và bổ nhiệm cán bộ nói riêng, có thể thấy chưa chặt chẽ. Đại biểu nghĩ sao về vấn đề này?

Việc thực hiện đúng là chưa nghiêm túc. Rất nhiều vấn đề Quốc hội đã đưa vào chương trình giám sát nhưng không được thực hiện nghiêm túc. Thậm chí, nhiều cuộc giám sát có kết luận và có Nghị quyết của Quốc hội cũng không được thực hiện.

Đối với những vị bộ trưởng khoá trước, Tổng Bí thư đã có chỉ đạo thì việc xử lý đối với những người đã kết thúc nhiệm kỳ thì làm thế nào?

Tôi cho rằng dư luận rất bức xúc, vẫn có tâm lý khi anh hết nhiệm kỳ rồi, không còn chức danh ở bên Chính phủ, hạ cánh an toàn, thì việc kỷ luật cũng không thực sự nghiêm túc.

Nhưng tôi cho rằng vẫn có thể xử lý khi có khuyết điểm. Bởi nếu không còn chức danh về mặt chính quyền nữa nhưng cần xem xét nghiêm túc về mặt Đảng viên và thực hiện việc kỷ luật Đảng viên thật là nghiêm.

Ngay cả đại biểu cũng là người chất vấn khá nhiều đối với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhưng vấn đề nhân sự lại không được chất vấn nhiều. Phải chăng đây là khiếm khuyết mà sau này khi kết thúc nhiệm kỳ của ông Hoàng thì mới phát hiện được ra?

Khi tôi đi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, cử tri có hỏi tôi có áy náy gì hoặc có điều gì còn không thực sự thoả mãn với trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội. Tôi đã nói với cử tri là tôi chất vấn rất nhiều, với tinh thần xây dựng, nhưng có lúc chất vấn mà không được trả lời một cách đúng mức, thực hiện một cách nghiêm túc.

Đối với Bộ Công Thương, không chỉ vấn đề nhân sự, tuyển dụng như tôi đã chất vấn mà còn rất nhiều vấn đề tôi nghĩ trong thời gian sắp tới cần giám sát thêm như về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn đã giao cho Bộ Công Thương.

Đơn cử như chuyện vừa rồi phát hiện ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp khống rất nhiều giấy tờ trong đó cấp khống hợp chuẩn phân bón, cấp khống chứng nhận thuỷ sản. Nhưng bên cạnh đó, chất lượng phân bón vô cơ đã được giao cho Bộ Công Thương quản lý cần xem xét.

Vậy theo đại biểu, cơ chế giám sát, cơ chế thực hiện giám sát của Quốc hội cần tăng cường, siết lại thế nào để đảm bảo hiệu quả?

Hoạt động giám sát của Quốc hội để giải quyết được tất cả vấn đề thì cũng có khoảng cách. Chính vì vậy hoạt động thanh tra kiểm tra của các cơ quan Đảng, chính quyền cần nâng cao hơn nữa. Nếu như dựa hoàn toàn vào hoạt động giám sát của Quốc hội thì cũng không mang lại hiệu quả.

Xét cho cùng thì một năm như thế, Uỷ ban Thương vụ quốc hội cũng như Quốc hội thực hiện được mấy cuộc giám sát trong khi vấn đề bức xúc của xã hội rất nhiều. Chính vì vậy, nếu trông chờ vào hoạt động giám sát của Quốc hội mang lại hiệu quả trong điều hành quản lý thì tôi nghĩ không thực sự mang lại hiệu quả.

Vừa qua tình trạng đầu tư dàn trải, đắp chiếu của những dự án đầu tư công, thua lỗ hàng nghìn tỷ... sử dụng vốn ngân sách nhiều nhưng chưa có sự giám sát chặt chẽ. Phía Quốc hội dường như việc giám sát đối với đầu tư cho các công trình đó cũng chưa được tốt lắm?

Thực tế việc giám sát của Quốc hội không thể đi sâu tới mức cụ thể như vậy, vì còn đụng đến chức năng của các cơ quan khác nữa đó là Thanh tra Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, chương trình giám sát của Chính phủ. Nếu chờ Quốc hội đi vào những công việc cụ thể thì không bao giờ giải quyết được vấn đề gì cả.

Nhiều nước thì đặt ra vấn đề là khi có doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thậm chí còn gọi chủ tịch, tổng giám đốc của tập đoàn lên để yêu cầu chất vấn ?

Đấy là cơ chế. Khi tôi tham gia Luật Giám sát tôi đã có ý kiến. Ví dụ có rất nhiều công trình dự án giao cho một địa phương và các bộ ngành chỉ có chức năng hỗ trợ về mặt chế độ chính sách để thực hiện các chương trình đề án đó, còn việc thực hiện hoàn toàn là do địa phương tự thực hiện.

Rất tiếc Quốc hội không có chức năng để chất vấn đối với lãnh đạo các tỉnh, mà chất vấn các bộ trưởng. Chất vấn các bộ trưởng thì họ chỉ hỗ trợ chính sách để thực hiện chương trình đề án đó. Đây là vấn đề mà sắp tới chúng ta cần phải có sự thay đổi để giúp cho hoạt động giám sát của Quốc hội có hiệu lực hơn.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên