Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi Trung Nam Group xây dựng đường dây truyền tải điện ở Bình Thuận
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đã góp ý nhiều nội dung liên quan đến việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực, cho phép tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải.
- 10-01-2022Từ Forbes, Financial Times, NBC... đến các chuyên trang ô tô toàn cầu nói gì về tuyên bố từ bỏ xe xăng của VinFast?
- 10-01-2022Standard Chartered: Lý giải nguyên nhân cổ phiếu và vàng tiếp tục là 2 kênh đầu tư được ưu tiên năm 2022
- 10-01-2022Nghị quyết 01 chính thức được ban hành: Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022
Ngày 10-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Tại hội trường Diên Hồng, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đã dành tối đa 5 phút thảo luận để góp ý về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Theo đại biểu Mai, phạm vi sửa đổi chỉ Điều 4 của Luật Điện lực, nhưng là sự thay đổi lớn về chính sách.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai góp ý về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng việc thể chế hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cho phép khối tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết. Tuy nhiên, thể chế hóa thế nào cho đúng, cho phù hợp thực tế, đại biểu Mai đề nghị cần cân nhắc, thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Trước khi đi vào góp ý cụ thể dự thảo luật, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề cập đến tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Theo bà Mai, ngày hôm nay, Quốc hội mới bàn nên hay không nên cho khối tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện, tuy nhiên trước đó, một doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, đó là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trungnam Group).
"Vào tháng 10-2020, doanh nghiệp này đã khánh thành đường dây 500 kV từ tỉnh Bình Thuận đến tỉnh Ninh Thuận. Tôi nghĩ rằng những đóng góp của doanh nghiệp là đáng trân trọng. Tuy nhiên, chúng ta cũng ý thức được rằng, hiện nay, yêu cầu cấp bách của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và Nghị quyết của Đảng là định hướng vô cùng quan trọng, cần thiết được thể chế hóa bằng pháp luật thì mới được phép áp dụng. Việc áp dụng trước đó là chưa phù hợp với quy định của pháp luật"- Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Đi vào một số nội dung cụ thể, về phạm vi sửa đổi, đại biểu Mai cho rằng dự thảo luật quy định chưa rõ về mặt nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền trong đầu tư xây dựng, vận hành lưới điện truyền tải, có thế dẫn đến tùy tiện áp dụng.
Do đó, vị đại biểu đề nghị quy định cụ thể, phân định rõ các loại hình lưới điện truyền tải nào tư nhân được tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và loại nào thì do Nhà nước giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện.
Bên cạnh đó, bà Mai cho rằng cần quy định rõ về thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư, quy định trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Về tính an toàn của hệ thống, theo dự thảo luật, sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng với đề xuất này sẽ đặt ra thực tế trong cùng một hệ thống có nhiều chủ thể tham gia vận hành khác nhau.
"Tham khảo ý kiến của các chuyên gia cho thấy hệ thống lưới điện truyền tải cần phải có sự điều hành thống nhất, đặc biệt là với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay, nếu không cẩn trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống, do đó xem xét kỹ lưỡng vấn đề này"- đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Về giá điện, trong tờ trình có nêu, việc tư nhân hóa ở một số nước dẫn đến giá điện ở một số nước có những thời điểm rất cao. Vì vậy, cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, không tác động đến người tiêu dùng.
Đối với việc hạch toán, định giá chuyển giao, theo dự thảo luật, sau khi đầu tư xây dựng, doanh nghiệp có thể chuyển giao cho Nhà nước quản lý vận hành. Tuy nhiên, về cơ chế định giá, phương pháp định giá chưa được quy định cụ thể trong dự thảo luật. "Hệ thống lưới điện truyền tải là một loại tài sản, trên thực tế thời gian qua, có trường hợp định giá chưa chuẩn xác gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Vì vậy, cần có quy định cụ thể để thực hiện"- bà Mai nêu rõ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng về lựa chọn nhà đầu tư, để đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng thì cần xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn cụ thể để doanh nghiệp tham gia.
Trước khi kết thúc phần thảo luận, bà Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh từ chính sách, chủ trương đến cuộc sống là một khoảng cách. "Để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, cần thiết phải có những quy định cụ thể, kín kẽ, đảm bảo hiệu quả. Trong trường hợp chúng ta chuẩn bị chưa đồng bộ, đầy đủ, chặt chẽ, có thể tiếp tục nghiên cứu, lùi lại và trình Quốc hội ở kỳ họp sau"- đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Trước đó, thảo luận tại tổ về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng về xã hội hóa, trong dự thảo luật chỉ nêu "Nhà nước sẽ độc quyền trong vận hành lưới truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng". Theo ông Giang, luật phải quy định rõ cái gì thành phần kinh tế ngoài nhà nước được đầu tư xây dựng, không nói chung chung được. Nhấn mạnh đến sự minh bạch, rõ ràng trong việc thu hút xã hội hóa, đại biểu Giang đề nghị cần làm rõ những gì nhà nước độc quyền.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường, cũng đồng tình nếu chỉ sửa một điều luật để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng điện, mà không quan tâm tới vận hành an toàn lưới điện quốc gia thì "giải quyết được chỗ này, lại nảy sinh nút thắt khác". Các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần nêu khái niệm, quy định để thấy rõ vai trò của Nhà nước trong vận hành hệ thống điện.
Người lao động