MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung ngày nghỉ lễ Quốc tế thiếu nhi 1/6 thay cho ngày 27/7

12-06-2019 - 17:36 PM | Xã hội

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cũng không đồng tình lấy 27/7 là ngày nghỉ lễ và đề nghị nên chọn ngày nghỉ là ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Chiều 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi).

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Trọng Kim (nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UB TƯ MTTQVN, đoàn Hải Dương) cho rằng, bản thân ông không đồng tình với việc lấy ngày 27/7 là ngày tri ân và bổ sung vào ngày nghỉ lễ trong năm như đề xuất trong dự thảo Luật.

Nam đại biểu lý giải, ngày 27/7 rất thiêng liêng và được coi như ngày uống nước nhớ nguồn, làm mọi việc để đền đáp công ơn của các anh hùng liệt sỹ.

"Chúng ta thường nhắc nhau "biến đau thương thành hành động có ý nghĩa" trong ngày này. Nhưng tại sao, giờ lại đề xuất phải nghỉ tự do, vui chơi, nô đùa, thậm chí là sung sướng trong ngày 27/7. Tôi nghĩ không nên", ông Kim nói.

Ông nhắc lại việc, trên đất nước chúng ta trải qua nhiều năm chiến tranh tàn đã phá đau thương, mất mát rất nhiều về con người, của cải.

"Có những người được công nhận Anh hùng, liệt sỹ nhưng nhiều người dân cũng mất mát trong chiến tranh. Do đó, chúng ta không nên nhắc lại những gì đau thương trong gia đình, kể cả đối với những người ở bên kia chiến tuyến.

Chúng ta theo tinh thần đại đoàn kết dân tộc, hòa giải dân tộc, thương lấy nhau, vì thế, không nên nhắc lại những gì đau thương ở những người, gia đình có mất mát trong chiến tranh", ông Kim chia sẻ.

ĐBQH đề xuất người Việt Nam ra nước ngoài sẽ đóng 3-5 USD 'phí chia tay'

Ông đề xuất, nếu chúng ta cần thiết thấy phải nghỉ để cho kịp theo đã thế giới nên lấy một ngày có ý nghĩa vô cùng là ngày 1/6, ngày Quốc tế thiếu nhi.

"Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói, bây giờ chúng ta có thể thiếu cái này, cái khác về vật chất nhưng về tinh thần phải dành cho thiếu nhi những gì tốt đẹp nhất.

Do đó, nếu thật cần thiết phải nghỉ theo đà của thế giới đang nghỉ thì nên chọn ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6", ông Kim trả lời thêm bên hành lang Quốc hội về đề xuất của mình.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, theo tờ trình của dự án Luật đề nghị ngày 27/7 là ngày tri ân và "nghe qua có vẻ rất hay nhưng nghĩ lại không ổn".

Theo ông, ngày 27/7 đã in sâu ký ức, trí nhớ của người dân Việt nên nếu đổi tên thành ngày tri ân sẽ chung chung, không tập trung vào đối tượng cụ thể nên có thể sẽ ảnh hưởng đến việc tri ân thiết thực đối với các thương binh liệt sĩ, dễ dẫn đến tri ân sai đối tượng.

"Kể cả gọi tri ân người có công cũng chưa ổn, vì bố mẹ thầy cô giáo... về phương diện hoạt động nào cũng là người có công với chúng ta.

Chưa kể, nếu chỉ gọi là tri ân khi đó ngày tri ân thương binh liệt sĩ sẽ trở nên nhạt nhoà, không sâu sắc, thậm chí có thể bị người xấu lợi dụng để tổ chức những hoạt động tri ân không phù hợp.

Ở đất nước tốn rất nhiều xương máu mới có độc lập tự do như chúng ta, xin để ngày 27/7 là ngày thương binh liệt sĩ", đại biểu Trí nêu rõ.

Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cũng không đồng tình lấy 27/7 là ngày nghỉ lễ và đề nghị nên chọn ngày nghỉ là ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Phát biểu tiếp thu sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến của ĐBQH.

Về đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ thương binh liệt sỹ 27/7 như dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, mặc dù Chính phủ đã giải trình đầy đủ về nội dung, ý nghĩa, tính nhân văn của phương án này, tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Bộ "chính thức xin rút đề xuất này khỏi dự thảo Luật".

Theo Hoàng Đan

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên