Đại biểu Quốc hội không ủng hộ cắt điện, nước trong xử phạt hành chính
Bên cạnh ý kiến đồng tình, nhiều đại biểu đề nghị không bổ sung biện pháp "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm", ý kiến khác lại đề nghị chỉ áp dụng trong lĩnh vực xây dựng, môi trường.
Sáng 10/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Liên quan đến bổ sung biện pháp cưỡng chế, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”.
Một số ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất trong tờ trình, bổ sung biện pháp này là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Một số ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ hai, bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.
Hiện vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này. Trong đó, ý kiến thứ nhất đề nghị không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước...”. Loại ý kiến này cho rằng, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
Mặt khác, việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để xem xét, quyết định khi sửa đổi toàn diện luật này. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành loại ý kiến thứ nhất.
Ngược lại, loại ý kiến thứ hai, cho rằng việc bổ sung biện pháp này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Tuy nhiên, quy định như dự thảo luật quá rộng, chưa tương xứng với chế tài bị áp dụng trong một số trường hợp, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Do vậy, đề nghị tiếp thu theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, quy định rõ biện pháp này chỉ được áp dụng tại địa điểm vi phạm và chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; đồng thời giới hạn việc áp dụng biện pháp này trong 2 lĩnh vực có yêu cầu bức thiết nhất là xây dựng và bảo vệ môi trường; bên cạnh đó, bổ sung quy định việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác không liên quan đến vụ việc vi phạm hành chính.
Liên quan đến mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành tăng mức tiền phạt tối đa của các lĩnh vực như Chính phủ đã trình; một số ý kiến đề nghị tăng mức tiền phạt tối đa của một số lĩnh vực khác bên cạnh các lĩnh vực mà Chính phủ đã trình, như hôn nhân gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng... Ngược lại, một số ý kiến đề nghị cân nhắc không tăng mức tiền phạt tối đa.
Theo ông Tùng, trên cơ sở thực tiễn thi hành, Chính phủ đã đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa của 10 lĩnh vực. Đề nghị cho giữ nguyên đề xuất này, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính, không để xảy ra tình trạng “phạt cho tồn tại”.
Tiền Phong