MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội nói về những “đại bàng” đang gãy cánh

“Cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quyết định đầu tư gây ra sự lãng phí trong các dự án. Làm rõ trách nhiệm, xử lý được trách nhiệm sẽ giảm thiểu, hạn chế được những lãng phí tương tự sau này”, đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.

Để xảy ra lãng phí, theo ông, có cần phải làm rõ trách nhiệm đầu tư của các đơn vị liên quan?

Đúng là phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân liên quan đến quyết định đầu tư gây ra sự lãng phí này. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, tôi có nêu ra một số dự án gây lãng phí, trong đó có dự án Nhà máy polyester ở Hải Phòng và dự án Nhà máy thép Thái Nguyên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương có giải trình, nói Nhà máy polyester tính không sát, không đúng giá thành sản phẩm, sau này đội giá lên cao không tiêu thụ được, vì thế nhà máy phải tạm thời dừng sản xuất. Bộ trưởng cũng nói sẽ tìm giải pháp khắc phục, rồi đưa nhà máy tiếp tục đi vào sản xuất.

“Điều sợ nhất ở đây là liệu có nguyên nhân từ câu chuyện lợi ích hay không? Những cơ quan tổ chức liên quan có thể thấy được tính thiếu khả thi, hoặc thấy được những rủi ro trong dự án đó, nhưng vì những lợi ích nhất định nên vẫn cứ đề xuất, triển khai thực hiện”.

Ông Đỗ Mạnh Hùng

Còn dự án thép Thái Nguyên, bộ trưởng giải thích do lỗi trong ký hợp đồng với đối tác nên thiếu điều khoản bàn giao thiết bị điều khiển trung tâm, nên dù đầu tư nhiều ngàn tỷ đồng nhưng dự án chưa đi vào hoạt động được. Thời điểm đó, bộ trưởng cũng nói sẽ chỉ đạo để có giải pháp bổ sung hợp đồng và sẽ có hướng đưa dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên đến bây giờ những vấn đề đó không những còn bộc lộ thêm, mà nguyên nhân lại không chỉ có vậy và còn lộ ra nhiều nguyên nhân khác.

Vấn đề bây giờ là, trách nhiệm quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, theo chức trách thẩm quyền phải được làm rõ và phải được xử lý theo quy định. Thứ hai, phải kể đến trách nhiệm của đơn vị quản lý trực tiếp dự án, cũng cần đề cập rõ vai trò về tư vấn, thiết kế, tham mưu, đề xuất... Điều quan trọng là khi làm rõ trách nhiệm, xử lý được trách nhiệm sẽ giảm thiểu, hạn chế được những lãng phí tương tự sau này.

Chủ đầu tư một dự án đã từng nói rằng, mặc dù khi hoàn thành, đưa vào sử dụng có thể không mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng lại có hiệu quả rất lớn về mặt xã hội khi tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho người lao động. Ông thấy sao về quan điểm này?

Đã là những dự án phát triển kinh tế thì phải lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo quan trọng, còn nếu lấy những hiệu quả khác để bao biện cho việc thua lỗ kéo dài, không có hiệu quả kinh tế thì chắc chắn phải cân nhắc. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải rà soát thật kỹ trước khi quyết định.

Một dự án mà nói thu hút lao động, tạo ra nhiều công ăn việc làm mà càng làm càng lỗ thì không thể duy trì. Còn trong trường hợp chỉ cầm chừng hòa vốn, hoặc lãi ít thì cơ quan chức năng cũng cần phải có câu trả lời. Trong trường hợp ấy cần phải tính đến hiệu quả toàn diện về các mặt kinh tế, xã hội.

Cảm ơn ông.

Theo Dũng Nguyễn (thực hiện)

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên