Đại biểu Quốc hội: Tăng trưởng kinh tế của các quý không theo logic thông thường!
Đây là nhận xét của đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước tại phiên thảo luận ở hội trường sáng nay (31/10) về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, kế hoạch tài chính 2018 – 2020.
- 31-10-2017Quốc hội thảo luận KT-XH và ngân sách nhà nước
- 29-10-2017Đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn: Giới đầu tư đã sẵn sàng, chỉ chờ Quốc hội “gật đầu”
- 28-10-2017Nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga kháng cáo
- 28-10-2017Đại biểu Quốc hội lên tiếng taxi truyền thống yếu thế trước Grab, Uber
Tăng trưởng không theo logic
“Nhiều cử tri cho rằng số liệu tăng trưởng các năm gần đây không hợp lý, tăng trưởng của các quý lên xuống đột ngột, không theo logic thông thường”, ông Hàm nói.
Theo đó, vị đại biểu này cho biết các quý cuối năm thường tăng trưởng rất cao trong khi đó, sang đến quý I liền kề năm sau thì giảm nhanh đột ngột.
“Rất kỳ lạ”, ông nói rồi dẫn chứng việc quý IV/2015 cả nước “hân hoan” mức tăng trưởng 7,01% thì sang quý I/2016 GDP giảm mạnh hơn 2 điểm phần trăm, xuống chỉ còn 5,48%. Mức này nhích dần lên ở quý II, quý III/2016 rồi tăng mạnh thành 6,68% ở quý cuối năm. Sang đến quý I/2017, mức này lại giảm đột ngột xuống chỉ còn 5,1% rồi tăng kỷ lục ở quý III vừa qua lên đến 7,46%...
Đại biểu Hàm cho rằng lý giải quý I giảm do nông nghiệp, sản xuất sa sút vì Tết cổ truyền là không hợp lý bởi GDP sẽ được bù đắp bởi tiêu dùng, du lịch nên không thể “rơi tự do như vậy”.
Bên cạnh đó, quý I dù có thể giảm chi đầu tư nhưng các khoản chi khác vẫn phải chi, chi tiêu ngân sách chỉ tác động một phần…
“Nếu các con số được thống kê tốt, không có nghi vấn gì thì cử tri nhận thấy tăng trưởng như vậy là bất hợp lý, trái với logic thông thường, đề nghị Chính phủ khắc phục, không để xảy ra ở các năm tiếp theo”, đại biểu tỉnh Phú Thọ nhận xét.
Vấn đề thứ hai được vị đại biểu này đề cập đến là dự toán chi ngân sách năm 2018. Theo ông trong điều kiện hạn hẹp, phần lớn tiền là đi vay, nhưng phân bổ chi của Việt Nam hiện vẫn còn dàn trải, bố trí vốn chậm khiến cho nhiều dự án quan trọng không giải ngân, không có tiền thực hiện. Điều nay được minh chứng qua việc 2 chương trình mục tiêu quốc gia (nông thôn mới và giảm nghèo bền vững) hay 21 mục tiêu tái cơ cấu kinh tế mới chỉ được bố trí vốn lần lượt là 36% và hơn 50%.
“Tốc độ như hiện nay khiến mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế khó đảm bảo”, ông Hàm nói.
Ngoài ra, đại biểu tỉnh Phú Thọ còn lưu ý đến vấn đề bội chi cao, nợ công sát trần (62,2%), dự thu ngân sách chưa đảm bảo, trong khi đó kỷ luật ngân sách chưa nghiêm.
Nợ công dự báo đến 2020 vào khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm 7-8% tổng chi ngân sách. Bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư trả nợ, nguồn trả nợ từ vay mới, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 không khắc phục được nợ, nguồn vay lên tới 252.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, qua thanh tra thấy nhiều khoản chi sai, công trình kéo dài chậm đưa vào sử dụng. Các dự án BOT trả chậm bằng ngân sách đã và sẽ đến thời hạn trả nợ. Do vậy để giải quyết các vấn đề trên, theo ông, Chính phủ cần đẩy mạnh tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ việc ký kết và sử dụng vốn vay ODA; cân nhắc cắt giảm 13.000 tỷ đồng trái phiếu chưa phân bổ.
Trên nóng dưới lạnh
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại thì cho rằng năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ ghi nhận lại tình trạng trên nóng dưới lạnh. Theo đó, dù Chính phủ quyết liệt nhưng bộ máy hành chính lại thờ ơ, không làm tròn nhiệm vụ.
Điều này thể hiện qua 2 hiện tượng: buôn lậu và chặt phá rừng.
Về tình trạng buôn lậu, báo cáo của Chính phủ chỉ có một câu tình trạng buôn lậu đang xảy ra nhưng thực tế cho thấy tình trạng này đang rất nghiêm trọng, hoạt động buôn lậu đang sôi nổi ở cả trên biển lẫn trên đất liền. Đơn cử như buôn lậu thuốc lá.
Đại biểu Sỹ Cương cho biết bản thân ông đã đi thực tế ở một số tỉnh phía Nam và nhận thấy hoạt động buôn bán lậu này rất công khai, rầm rộ, muốn mua gì cũng có. Ông Cương cũng mang vào Nghị trường một túi thuốc đủ loại, thu hoạch từ chuyến đi thực tế.
“3 ngày ở các tỉnh này tôi mong một lần gặp các đơn vị chức năng nhưng tuyệt nhiên không có một ai”, ông Cương cho biết.
Về vấn đề phá rừng, theo ông, trái với yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng, hoạt động phá rừng đang diễn ra mạnh mẽ, nói lên thực trạng vô hiệu hoá các quyết định của Chính phủ. Doanh nghiệp lâm nghiệp cũng chia sẻ với ông Cương sự thật: nếu không có chính quyền, kiểm lâm tiếp tay thì rừng không thể bị phá như vậy. Một cây to cần 70 năm sinh trưởng phát triển, nhưng chỉ 16 phút rơi vào tay lâm tặc là mất sạch.
“Chính quyền chủ động phá rừng mới ghê gớm, nhiều nơi họ lập quy hoạch để tận thu”, ông nói. Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng nhấn mạnh “rừng bị phá rồi cơ quan chức năng mới đến chỉ đạo, lại không có chế tài xử phạt, truy trách nhiệm nào, vậy bao giờ lệnh đóng cửa rừng mới thành hiện thực?”.