Đại biểu Triệu Thế Hùng: Quy hoạch lại các trường, có tỉnh ghép Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và với Cao đẳng Y, Cao đẳng Kỹ thuật Kinh tế
Ông Triệu Thế Hùng - đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Các địa phương đang quy hoạch khối trường cao đẳng, trung cấp một cách rất cơ học và máy móc.
- 22-05-2019Nguy cơ mất trắng vì đầu tư định cư EB-5 ở Mỹ
- 22-05-2019Sony Mobile tuyên bố ngừng tập trung và rút khỏi nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam
- 22-05-2019Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ đã tính toán thời điểm tăng giá điện nhưng không dự đoán được "hoa sữa nở tháng 5"
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Triệu Thế Hùng - Lâm Đồng khi tham gia phiên thảo luận tại tổ cho ý kiến về báo cáo kinh tế, xã hội sáng 22/5 đã nhận xét: "Chúng tôi nhận thấy, ở góc độ hẹp thôi, riêng về các trường cao đẳng trung cấp ở các địa phương đang có tình trạng thực hiện quy hoạch rất cơ học. Tôi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ban ngành cũng như lãnh đạo các địa phương khi quy hoạch lại cần đánh giá có căn cứ khoa học. Chúng ta quy hoạch lại để đầu tư một cách có trọng điểm chứ không phải thực hiện cơ học một chính sách nào đó.
Có những tỉnh ghép Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và với Cao đẳng Y hay với Cao đẳng Kỹ thuật Kinh tế. Khi tốt nghiệp ra trường thì giới thiệu em là ca sĩ tốt nghiệp cao đẳng kinh tế, rồi thợ bậc mấy rồi hát?
Thậm chí khi sáp nhập vì đội ngũ lãnh đạo còn ít nên lãnh đạo của Trung cấp Văn hóa nghệ thuật cũ thì sang quản lý kho nguyên vật liệu máy móc. Đây là vấn đề chúng tôi cho rằng cần rút kinh nghiệm hết sức nghiêm túc!".
Cũng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, số lượng trung tâm ở các huyện quá nhiều: trung tâm giáo dục thường xuyên dạy nghề, trung tâm giáo dục, trung tâm cộng đồng,.. "Chúng tôi đi giám sát tại các tỉnh phía Bắc, các trung tâm này xây dựng lớn lắm, mười mấy tỷ đồng một trụ sở nhưng chính quyền báo cáo là hàng chục năm nay không hoạt động. Không có thiết bị máy móc, thậm chí có những trung tâm chỉ có mười mấy em, nhưng hàng năm báo cáo lên hàng trăm em để có nguồn ngân sách về chi cho bộ máy hàng năm những mấy tỷ" - Ông Hùng cho rằng cần đánh giá lại nhiệm vụ, vai trò lịch sử các trung tâm này bây giờ có còn như giai đoạn trước nữa hay không, hay cần quy hoạch lại, đầu tư trọng điểm, thu gọn bộ máy để sử dụng tài sản công đó cho việc khác...
Về vấn đề văn hóa, nước ta có hàng nghìn năm văn hiến nên có thế mạnh về nguồn di tích với trên 40 nghìn di tích trên cả nước. Nhưng thời gian gần đây chúng ta đang bị cắt chương trình đầu tư trọng điểm cho di tích. Chúng ta lồng ghép rất nhiều như ghép vào nông thôn mới rồi chương trình này chương trình khác. Cơ quan quản lý nhà nước - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch còn lúng túng trong việc bảo tồn di tích.
Ông Hùng nói: "Câu chuyện xã hội hóa về lĩnh vực này đang nở rộ. Tôi chưa rõ khái niệm xã hội hóa ở đây đang là gì, nhưng tôi chỉ thấy rằng xã hội hóa tức là không dùng ngân sách để chi, mà trên thực tế thì không có một doanh nghiệp nào bỏ tiền theo kiểu làm không công cả. Chính quyền phải đổi đất, đổi thế này thế khác, mà xét cho cùng đất đai hạ tầng đó vẫn là tài sản của dân. Vì thế cần phải nhìn lại vấn đề ngân sách Nhà nước đầu tư cho văn hóa, không thể đẩy cho xã hội hóa được vì xét cho cùng vẫn là tài sản của dân cả. Chỉ khác là đi đường vòng hay đi đường thẳng thôi!".
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng kiến nghị cần có sự quản lý nguồn thu từ di tích. Bất cập ở chỗ di tích xuống cấp thì Nhà nước chi mà nguồn thu thì lại là tư nhân hưởng.