MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại chiến "thần bò" tại Ấn Độ: Khi nước tiểu bò đắt giá hơn cả sữa

20-05-2019 - 11:09 AM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Ấn Độ đã tiêu tốn 5,8 tỷ Rupee (87 triệu USD) cho chương trình bảo vệ bò cái cũng như tăng cường các quy định cấm ăn thịt bò. Trong khi đó, mỗi lít nước tiểu bò chưng cất được bán với giá 1,5 USD, đắt hơn cả sữa bò.

Hàng ngày, cô Susheela Kumari tại một trang trại Ấn Độ đều phải hứng nước tiểu của bò và ông chủ của cô không muốn bị lãng phí một giọt nào. Mỗi ngày, cô Kumari và những nhân viên của trang trại tại Bulandshahr thu thập được khoảng 15-20 lít nước tiểu bò.

Nước tiểu từ bò cái Ấn Độ được cộng đồng đạo Hindu, một tôn giáo chính tại quốc gia này cho là linh thiêng và hiện đang được tiêu thụ vô cùng tốt.

Tuy nhiên, ngoài lý do tín ngưỡng thì những chính sách của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm bảo vệ các loài động vật ngành sản xuất sữa như bò cái và những ngành sản xuất sản phẩm từ động vật dê, bò đã kích thích loại hàng hóa đặc biệt trên.

Chính phủ Ấn Độ đã tiêu tốn 5,8 tỷ Rupee (87 triệu USD) cho chương trình bảo vệ bò cái cũng như tăng cường các quy định cấm ăn thịt bò. Đồng thời Ấn Độ cũng thắt chặt quản lý việc buôn bán bất hợp pháp gia súc từ nước láng giềng Bangladesh nhằm bảo vệ các nông trại trong nước.

Đại chiến thần bò tại Ấn Độ: Khi nước tiểu bò đắt giá hơn cả sữa - Ảnh 1.

Cô Susheela Kumari thu thập nước tiểu bò

Ngoài ra theo tổ chức nghiên cứu Go-Vigyan Anusandhan Kendra, khoảng 30 loại thuốc có thể được làm ra từ nguyên liệu nước tiểu bò cái và đây cũng là một yếu tố góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng loại sản phẩm đặc biệt này.

Tuy vậy, việc thu thập nước tiểu bò không hề dễ dàng. Phần lớn các nhân viên nông trại sử dụng kinh nghiệm của riêng mình nhằm xác định khi nào con bò sẽ đi tiểu và thu thập chúng. Điều này đòi hỏi sự kiên trì chờ đợi cũng như nắm vững những tập tính của từng đàn bò.

Sau khi nhân viên thu thập nước tiểu thô từ bò cái, chúng sẽ được tinh chế để loại bỏ tạp chất và chưng cất, chế biến thành dạng bột hoặc dạng lỏng cô đặc nhằm cung cấp cho các thị trường thuốc truyền thống, dược thảo hay những người theo đạo Hindu.

Sự linh thiêng của loài bò

Những con bò có vai trò vô cùng lớn trong xã hội Ấn Độ. Ngoài việc cung cấp sữa và các sản phẩm như nước tiểu, bò cái được người dân Ấn Độ, đặc biệt là những người theo đạo Hindu tôn thờ. Việc tiêu thụ thịt bò bị cấm hoặc không được chào đón tại nhiều vùng Ấn Độ, cũng tương tự như đạo Hồi không ăn thịt lợn.

Một điều khá thú vị là thương hiệu địa phương Patanjali Ayurveda thường xuyên sử dụng nước tiểu bò làm nguyên liệu sản xuất các loại sản phẩm tiêu dùng, từ xà phòng cho tới thuốc nam lại đang trở thành một đế chế mới trong ngành tiêu dùng Ấn Độ, thách thức những thương hiệu quốc tế như Colgate-Palmolive, Unilever và Nestle.

Một trong những mặt hàng bán chạy nhất của Patanjali là nước lau nhà làm từ nước tiểu bò-Gaunyle. Theo hãng, mỗi ngày công ty bán được khoảng 20 tấn Gaunyle nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đại chiến thần bò tại Ấn Độ: Khi nước tiểu bò đắt giá hơn cả sữa - Ảnh 2.

Sản phẩm nước tiểu bò chưng cất

Cộng đồng những người tập Yoga, những người theo đạo Hindu và nhiều chuyên gia y học cổ truyền Ấn Độ đều cho rằng nước tiểu bò cái (Gomutra) có đặc tính trị bệnh cao cũng như có lợi cho sức khỏe. Nhận định này đã in sâu vào tâm trí người Ấn Độ với hệ thống chữa bệnh cổ truyền đã được phát triển hàng nghìn năm trước.

Với vị thế như trên, nhiều chuyên gia Ấn Độ cảm thấy không hài lòng với các chính sách bảo vệ loài bò hiện nay của chính phủ.

Chính trị gia Subramanian Swamy của Đảng Bharatiya Janata, một Đảng trong liên minh những người theo đạo Hindu đang cầm quyền của Thủ tướng Modi cho rằng những nỗ lực hiện nay của chính phủ là chưa đủ.

Hiện Ấn Độ tiêu thụ các loại thịt trâu, dê thay cho thịt bò và lợn vốn là điều cấm kỵ đối với cộng đồng người Hindu và Hồi giáo chủ yếu ở đây. Ấn Độ cũng là quốc gia xuất khẩu thịt trâu nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, tình trạng giết bò và giả làm thịt trâu đang lan tràn tại Ấn Độ và khiến nhiều chuyên gia cũng như chính trị gia không hài lòng.

Ông Swamy thậm chí còn đề nghị chính phủ dỡ bỏ chính sách hỗ trợ đối với ngành xuất khẩu thịt trâu nhằm hạn chế tình trạng giết bò như trên.

Xung đột tôn giáo

Mặc dù vậy, những chính sách bảo vệ loài bò đang gây nên một cuộc xung đột tôn giáo tại Ấn Độ.

Kể từ năm 2004, Đảng Bharatiya Janata của người theo đạo Hindu lên nắm quyền tại Ấn Độ đã ban hành nhiều quy định có lợi cho tôn giáo này, bao gồm việc cấm giết mổ những con bò già bởi tôn giáo này có thờ thần bò. Những người giết mổ các con bò già phải giải trình với các cơ quan chức năng và bị phạt tù nếu bị buộc tội.

Quy định này của chính phủ Ấn Độ đã khiến 120 triệu người nông dân trên cả nước gặp khó khăn khi họ không thể giết những con bò già, vốn không còn đủ sức cày bừa, lại không muốn tốn thức ăn nuôi chúng. Hệ quả là những con bò này bị thả rông và quay sang phá hoại mùa màng, ăn cây trồng vì quá đói.

Ngoài ra, những quy định khắt khe này khiến thị trường Ấn Độ lâm vào cảnh khan hiếm khi nhu cầu thịt và da bò tăng cao. Tại Ấn Độ, ngoài đạo Hindu, những tôn giáo khác như đạo Hồi, Thiên chúa giáo…đều không cấm ăn thịt bò.

Tháng 6/2016, hai người đàn ông Hồi giáo đã bị một tổ chức bảo vệ loài bò của người Hindu bắt ăn phân bò do phạm tội vận chuyển thịt bò. Ngay lập tức, cộng đồng Hồi giáo đã dậy sóng vì hành vi trên của người Hindu và tạo nên nhiều cuộc tranh cãi, xung đột về vai trò của loài bò trong xã hội Ấn Độ.

Những người theo đạo Hindu tôn thờ bò nhưng không bị cấm ăn thịt lợn, trong khi cộng đồng Hồi giáo không thể ăn thịt lợn nhưng vẫn có thể tiêu thụ thịt bò.

Mặc dù là quốc gia sản xuất sữa lớn nhất thế giới nhưng Ấn Độ vẫn đang phải vất vả đối phó với nhu cầu thực phẩm tăng cao trong nước do dân số quá lớn. Chính điều này đang khiến bộ luật cấm giết mổ bò của chính phủ gặp phải nhiều chỉ trích thời gian gần đây.

Quyết định siết chặt giết mổ gia súc cũng khiến mảng xuất khẩu thịt và da bò của Ấn Độ, trị giá 11 tỷ USD năm 2016, bắt đầu có dấu hiệu chững lại.

Tồi tệ hơn, những vùng nông thôn nghèo ở Ấn Độ đang gặp khó khăn hơn nữa do không thể giết mổ bò lấy nguồn cung thịt, trong khi các con bò già tiếp tục phá hoại mùa màng khiến người nông dân giận dữ.

Đại chiến thần bò tại Ấn Độ: Khi nước tiểu bò đắt giá hơn cả sữa - Ảnh 3.

Số bò và trâu cái trưởng thành tại Ấn Độ đang tăng nhanh (triệu con)

Đại chiến thần bò tại Ấn Độ: Khi nước tiểu bò đắt giá hơn cả sữa - Ảnh 4.

Lượng sữa bò được Ấn Độ sản xuất đã tăng gấp 6 lần trong 40 năm qua, vượt cả Mỹ và Trung Quốc (triệu tấn)

Kể từ cuối thế kỷ 19, đạo luật cấm giết mổ bò đã được ban hành ở miền Bắc Ấn Độ khi các chính trị gia đạo Hindi muốn duy trì ảnh hưởng của tôn giáo này trước các tôn giáo khác. Theo đó, loài bò vốn là biểu tượng của đạo Hindu đã trở thành loài bất khả xâm phạm.

Dần dần, quy định này lan ra các thành phố lớn và toàn Ấn Độ nhưng chưa được hợp pháp hóa cho đến khi Đảng Bharatiya Janata lên nắm quyền. Trên thực tế từ khi giành độc lập vào năm 1947, các lãnh đạo người Hindu đã cố thúc đẩy một đạo luật cấm mổ bò nhưng không được thông qua.

Vào thập niên 1950, dù nhiều bang tại Ấn Độ cấm mổ bò nhưng hoạt động này vẫn diễn ra tấp nập. Khi sản lượng xuất khẩu sữa của Ấn Độ tăng mạnh trong 20 năm sau đó, việc giết mổ bò xuất khẩu thịt và da cũng tăng trưởng theo. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ khiến nhu cầu trâu bò cho cày cấy giảm, qua đó thúc đẩy hơn thị trường thịt và da bò.

Tuy nhiên, đến năm 2014, Thủ tướng Modi đã viện dẫn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thịt bò để siết chặt lệnh cấm mổ bò với lý do "bảo toàn nguồn sữa bò" cho đất nước. Nếu trước đây việc cấm giết bò chỉ giới hạn trong những con bò chưa già thì nay ngay cả những chú bò mất sức cũng bị các nhà chức trách bảo hộ.

Hiện nay ở miền Bắc Ấn Độ, nhiều vụ xung đột đã xảy ra khi những người Hindu tấn công các trang trại và khu giết mổ của người đạo Hồi vì lý do đụng đến loài bò. Chính điều này đã khiến những lái buôn vô cùng lo lắng, qua đó gián đoạn việc giao thương sản phẩm liên quan đến bò.

Trước tình hình này, những nhà máy sản xuất mặt hàng da đã phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài nhằm duy trì hoạt động, đảm bảo tiến độ hợp đồng.

Tuy nhiên, việc cấm buôn bán, giết mổ bò lại đang khiến ngành sữa của Ấn Độ gặp nạn lớn bởi các lái buôn không muốn giao dịch vì sợ bị phạt hay bỏ tù. Tại bang Punjab, nơi hãng Nestle có nhà máy lớn nhất ở Ấn Độ, người nông dân đang khá chần chờ khi chuyển đổi sang nuôi bò lấy sữa.

Việc chăn nuôi loài bò Holstein Friesian đã khiến Punjab sản xuất được 8% tổng sản lượng sữa toàn Ấn Độ, cao hơn nhiều so với mức 2% trước đây. Tuy nhiên, gia loài bò này không hề rẻ và người nông dân cảm thấy lo lắng khi phải mua chúng trước những lệnh cấm giết mổ ngày càng siết chặt của chính phủ.

Đại chiến thần bò tại Ấn Độ: Khi nước tiểu bò đắt giá hơn cả sữa - Ảnh 5.

Kim ngạch xuất khẩu hàng da của Ấn Độ (tỷ USD)

Đại chiến thần bò tại Ấn Độ: Khi nước tiểu bò đắt giá hơn cả sữa - Ảnh 6.

Xuất khẩu thịt bò của Ấn Độ giảm (tỷ USD)

Trước sự phẫn nộ của dòng người Hindu về việc mổ bò lấy thịt, chính quyền Mumbai đã khởi động chương trình Rashtriya Gokul Mission vào năm 2014. Theo đó, những chú bò già và ốm sẽ bị chuyển đến một trạng trại chăn nuôi riêng để cho chúng “nghỉ hưu” và nhằm thu thập những sản phẩm khác ngoài sữa, như nước tiểu.

Tháng 5 vừa qua, chính phủ Ấn Độ đã tổ chức một hội nghị quốc gia liên quan đến việc bảo vệ loài bò và thậm chí 2 thành viên nội các của Thủ tướng Modi đã kêu gọi hàng nghìn người tham dự hội thảo hạn chế và từ bỏ việc sát hại bò.

Không dừng lại đó, một số bang như Rajasthan ở Ấn Độ đã thiết lập Cục quản lý bò để đảm bảo quyền lợi cho loài động vật này. Theo những quan chức của bang Rajasthan và một số chuyên gia, loài bò thậm chí xứng đáng nhận nhiều quyền lợi hơn cả 2 triệu người vô gia cư hiện nay tại Ấn Độ.

Nguồn bệnh?

Một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi hiện nay là liệu nước tiểu bò và những phụ phẩm từ loài bò có là nơi ẩn nấp các nguồn dịch bệnh hay không.

Giáo sư Navneet Dhand của trường đại học Sydney, một chuyên gia về thú y và dịch tễ học cho rằng Ấn Độ đang đối mặt với 3 loại bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao sang người từ nước tiểu của những con bò nhiễm bệnh.

Đầu tiên là loại bệnh Leptospira của bò có thể gây viêm màng não và suy gan ở người. Tiếp đến là loại bệnh Brucellosis từ bò có thể gây viêm khớp cho người, theo đó là dịch sốt Q-fever của bò có thể gây viêm phổi và viêm tim mãn tính cho người.

Trái lại, Trung tâm y tế Cow Urine Therapy Health Clinic không đồng ý với quan điểm trên và cho rằng nước tiểu bò không gây hại cho con người. Trung tâm này cho biết họ tiêu thụ 25.000 lít nước tiểu bò mỗi tháng và đã sử dụng nguyên liệu này làm thuốc cho 1,2 triệu bệnh nhân trong 2 thập kỷ qua. Sản phẩm này đã được dùng để chữa trị cho mọi loại bệnh nhân, từ ung thư cổ tử cung đến rối loạn nội tiết hay tiểu đường.

Đại chiến thần bò tại Ấn Độ: Khi nước tiểu bò đắt giá hơn cả sữa - Ảnh 7.

Nước đái bò còn đắt hơn cả sữa của chúng

Trung tâm Cow Urine cho biết mỗi ngày có khoảng 4000 đơn đặt hàng online từ các bệnh nhân đối với sản phẩm thuốc từ nước tiểu bò. Hãng cũng ước tính mỗi chú bò đem về khoảng 1.200 Rupee/tháng nhờ nước tiểu của mình, một nguồn thu khá lớn để các ông chủ trang trại duy trì việc chăn nuôi.

Hiện mỗi lít nước tiểu bò chưng cất được bán với giá 80-100 Rupee (1,2-1,5 USD) tại Ấn Độ.

Dẫu vậy, việc nước tiểu bò được tiêu thụ tốt là chưa đủ với nhiều chủ trang trại để tiếp tục chăm sóc cho những con bò già và ốm yếu. Tuổi thọ bình quân của một con bò là 15 năm và chúng ngừng sản xuất sữa rất nhiều năm trước khi chết.

Do vậy, chi phí chăm sóc cho một con bò già không còn sữa là quá cao kể cả khi nước tiểu của chúng được ưa chuộng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nạn giết bò vẫn còn tồn tại trên thị trường Ấn Độ.


Theo AB

Nhịp Sống Kinh Tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên