Đại dịch COVID-19: "Lửa thử vàng" giới doanh nhân Việt
Trong đại dịch COVID-19, bên cạnh sứ mệnh chiến đấu vì sinh mệnh con người, doanh nhân chính là những người lính thời dịch, chiến đấu để bảo vệ sinh kế cho người lao động.
- 14-10-2020Hậu COVID-19, doanh nghiệp suy giảm niềm tin
- 13-10-2020New York Times: Việt Nam là 'phép màu châu Á' thế hệ mới, sau Nhật Bản, Hàn Quốc
- 13-10-2020Khi nào bay quốc tế trở lại?
Ngày 13/10 là ngày tôn vinh doanh nhân Việt Nam - lực lượng đi đầu thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tạo nên vị thế cho đất nước. COVID-19 có thể khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp lao đao, nhưng không đánh gục được nhuệ khí, nhiệt huyết của doanh nhân Việt Nam. Khó khăn lại là giai đoạn bản lĩnh được thể hiện, đưa doanh nghiệp trụ vững, đột phá, chứng minh "tinh thần thép" vượt bão của những chiến sĩ thời bình: doanh nhân Việt Nam. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của dân tộc.
Đại dịch COVID - "Lửa thử vàng" giới doanh nhân Việt
Dù Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng giãn cách xã hội , tạm ngưng sản xuất - kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng... suốt nhiều tháng ròng đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Ở một góc độ khác, cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh này được cho là một cuộc sàng lọc, sẽ chỉ có những doanh nghiệp có nội lực nhất định mới có thể vượt qua. Hầu hết các doanh nhân, doanh nghiệp đều cho biết đây là giai đoạn xuất hiện những khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng đây là lửa thử vàng với đội ngũ doanh nhân Việt.
COVID-19 xuất hiện phủ bóng đen đầu tiên lên ngành hàng không, du lịch, kéo theo lĩnh vực lưu trú lâm vào cảnh "vườn không nhà trống" chưa từng có.
Nhiều khu nghỉ dưỡng , tình cảnh vắng vẻ đã kéo dài suốt 9 tháng qua khi các biện pháp hạn chế đi lại giữa các quốc gia được áp dụng. Lượng khách nước ngoài vốn chiếm đến 90% doanh thu của khu nghỉ dưỡng giờ trở về con số 0. Mặc dù đã khai tác tối đa nguồn khách nội nhưng cũng chỉ bù đắp được 10% các khoản chi phí. Tuy nhiên, những kỳ vọng du lịch sẽ là lĩnh vực phục hồi nhanh nhất khi dịch bệnh được kiểm soát đang cho các doanh nghiệp thêm động lực để cầm cự qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH du lịch Giấc mơ, cho biết: "Muốn cầm cự không chỉ trông vào yếu tố tiềm lực của mình mà phải trông chờ sự hỗ trợ từ phía chính phủ cơ quan ban ngành. Chính vì vậy, ngay từ lúc này đã có trào lưu đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng. Sau khi không thể gồng gánh được, không thể chịu được, họ bắt buộc phải xin bán đứa con tinh thần của mình".
Nhiều người tham gia lĩnh vực xây dựng cho biết, chưa năm nào họ thấy kinh doanh bất động sản khốc liệt như năm nay. Năm 2012, thị trường cũng rơi vào khủng hoảng nhưng vẫn có sức mua, còn năm 2020 thì sức mua giảm sút nghiêm trọng. Thực tế này khiến doanh thu năm nay của nhiều công ty chỉ bằng 20- 25% so với các năm trước. Tuy nhiên, việc đảm bảo cuộc sống người lao động vẫn là định hướng quan trọng để công ty sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi sắp tới.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn cầu, nói: "Mức độ khó khăn thật sự xảy ra với doanh nghiệp không thể ngờ nó lại kinh khủng đến như vậy. Có thể nói chúng ta mất 8 tháng vào việc nằm im để chờ để dịch qua đi. Kế hoạch sản xuất kinh doanh của chúng tôi trong năm 2020 thật sự vô cùng khó khăn. So với kế hoạch hội đồng quản trị giao cho chúng tôi, hết 3 quý, chúng tôi mới chỉ đạt 26%".
Với những lĩnh vực phụ thuộc thị trường nước ngoài cả đầu vào, đầu ra như dệt may và da giầy, tác động của dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Tại một số doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng quần áo xuất khẩu này, nhiều dây chuyền sản xuất đã phải giảm giờ làm khi những đơn hàng quần áo xuất khẩu vốn là thế mạnh bị gián đoạn suốt nhiều tháng. Nhiều doanh nghiệp đã phải xoay sang sản xuất khẩu trang như là một giải pháp tình thế.
Ông Phan Minh Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Pro-Sport, chia sẻ: "Mặc dù đơn hàng khẩu trang cũng rẻ tiền nhưng ít nhất là người lao động có được công ăn việc làm và chúng tôi cũng có cơ hội để duy trì đời sống của người lao động".
Cái khó ló cái khôn... Các doanh nghiệp buộc phải chuyển mình tìm giải pháp. Những chiếc khẩu trang dù mang lại khoản doanh thu khiêm tốn nhưng đang giúp DN duy trì sản xuất, giữ chân công nhân, những yếu tố giúp DN có thể bật dậy khi thời cơ tới. Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng. Vượt qua được dịch bệnh, mọi thứ sẽ lại bắt đầu.
Chuyển đổi số - Giải pháp "vượt bão" đại dịch
Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đến nền kinh tế đã khiến Qũy Tiền tệ quốc tế IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay chỉ còn ở mức 2.7%. Tuy nhiên trong "bão đêm" COVID-19 vẫn xuất hiện "ngọn hải đăng", đó là chuyển đổi số được thúc đẩy và chứng kiến mức tăng trưởng khá rõ. Chuyển đổi số cũng được nhiều doanh nghiệp xem là "kim chỉ nam", một giải pháp để vượt bão đại dịch.
Tận dụng xu hướng dịch chuyển lên trực tuyến do đại dịch, doanh nghiệp Ví MoMo đã dùng nền tảng ví điện tử của mình làm nơi kết nối chuyển đổi số cho các đối tác bán hàng, đặc biệt chú trọng đến nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, từ hộ kinh doanh cho đến các quán ven đường.
Tính từ cao điểm dịch hồi tháng 4 đến nay, doanh nghiệp ghi nhận có hàng chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia chuyển đổi lên nền tảng ví, tăng gấp đôi so với thời điểm trước dịch.
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex kinh doanh truyền thống đã hàng chục năm. Lên chiến lược chuyển đổi số từ 4 năm trước, nhưng chỉ đến năm nay khi đại dịch xảy ra, doanh nghiệp mới có động lực để hiện thực hóa kế hoạch ấy. Sau vài tháng áp dụng thành công hệ thống công nghệ quản trị doanh nghiệp, hiện thời gian xử lý công việc trung bình đã tăng hơn 600% trong khi chi phí đầu tư cho một số lĩnh vực của doanh nghiệp giảm đến 50%.
Nghiên cứu công bố hồi tháng 9 vừa qua của Tập đoàn Dữ liệu Thế giới (IDC) cho thấy: hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa những sản phẩm mới ra thị trường, tỉ lệ này tăng hơn gấp đôi so với năm 2019.
Theo đại diện một số doanh nghiệp, thách thức lớn nhất không nằm ở vấn đề công nghệ mà là ở con người. Doanh nghiệp có quy mô càng lớn sẽ càng gặp nhiều rào cản khi chuyển đổi số.
Nghiên cứu của IDC cũng cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam nếu tham gia chuyển đổi số, có thể đóng góp đến 30 tỷ USD cho tổng sản phẩm quốc nội GDP trong năm 2024. Tuy nhiên để hiện thực hóa con số này không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp, mà cả vai trò của Nhà nước để tạo ra được môi môi trường, hệ sinh thái thúc đẩy nền kinh tế số.
Sự thay đổi là quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp để lên một tầng nấc phát triển mới hay là để vượt qua giai đoạn khủng hoảng, ví dụ như dịch COVID-19. Người tồn tại sau cùng không phải là những người mạnh nhất mà là những người thích nghi nhanh và dám thay đổi. Các doanh nghiệp Việt đang tái cấu trúc như thế nào giữa đại dịch?
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk: Vinamilk từ trước đến giờ đều chủ trương đi 2 chân nhưng cái chân ở nội địa phải vững chắc trước và mình phải đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu ở trong nước và song song với đó là xuất khẩu. Xuất khẩu là một xu hướng tất yếu của tất cả các doanh nghiệp, làm sao mình phải là một mắt xích trong chuỗi giá trị. Điều quan trọng phải là chất lượng.
Ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Công ty Công nghệ Sendo: Trong nhiều năm qua chúng tôi đã không ngừng đầu tư dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Vì COVID-19 nên quá trình ứng dụng dữ liệu lớn về máy học đã đẩy việc áp dụng này ở Sendo tăng lên rất nhanh. Nếu không có COVID-19, công nghệ máy học phải cần 2-3 năm nữa thì mới đạt được mức mà Sendo đang có hiện giờ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel: Người ta hay nói người lãnh đạo một doanh nghiệp như thuyền trưởng mà quyết định của người thuyền trưởng đó mà không cẩn thận thì sẽ gây ra thảm họa Titanic. Trong bối cảnh khó khăn này hãy nhìn với cặp mắt thật sự tích cực, các bạn sẽ cùng chúng tôi tìm thấy được những cơ hội và chúng ta có thể lách qua các khe cửa hẹp khó khăn qua khe cửa hẹp của dịch bệnh để chúng ta phục hồi trở lại và vượt lên.
Theo VTV